Thu hồi lô mỹ phẩm nhà Đoàn Di Băng: Chỉ số chống nắng ghi 50 nhưng kiểm nghiệm có 2,4

Thứ bảy, 17/05/2025 21:36 (GMT+7)

Chỉ trong vòng hơn một tuần, thương hiệu mỹ phẩm Hanayuki - gắn với tên tuổi ca sĩ Đoàn Di Băng - liên tiếp bị 'tuýt còi' bởi hai quyết định thu hồi sản phẩm từ Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế.

Thu hồi lô mỹ phẩm nhà Đoàn Di Băng: Chỉ số chống nắng ghi 50 nhưng kiểm nghiệm có 2,4 - Ảnh 1.

Đoàn Di Băng giới thiệu sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body - Ảnh: Chụp màn hình

Lần này, lô kem chống nắng toàn thân Hanayuki Sunscreen Body (100g) chính thức bị thu hồi và tiêu hủy toàn quốc do chỉ số chống nắng không đạt chuẩn.

Chỉ đạt 4,8% so với nhãn dán công bố

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, sản phẩm ghi chỉ số chống nắng SPF 50 trên nhãn, nhưng kết quả kiểm nghiệm thực tế lại cho thấy… chỉ đạt SPF 2,4. Điều này đồng nghĩa với việc hiệu quả chống nắng thật sự chỉ bằng khoảng 4,8% so với thông tin trên bao bì.

SPF là chỉ số đo lường khả năng của kem chống nắng trong việc bảo vệ da khỏi tia UVB.

Như vậy, chỉ số chống nắng thực tế chỉ đạt 4,8% so với mức ghi trên nhãn là SPF 50. Đây là mức chênh lệch rất lớn, cho thấy sản phẩm gần như không có khả năng chống nắng và hoàn toàn không đáp ứng được công dụng đã quảng cáo.

Bên cạnh đó, trong phiếu công bố sản phẩm, công ty không hề đăng ký chỉ số SPF 50. Tuy nhiên, thông tin này lại xuất hiện trên nhãn dán và được quảng bá rộng rãi.

Liệu có phải là hàng giả?

Nhiều người đã đặt câu hỏi: nếu công dụng thật sự khác xa như vậy, thì có được xem là hàng giả không? Một số ý kiến cho rằng, khi sản phẩm kém chất lượng gần 20 lần so với quảng cáo, có bị coi là "hàng giả về công dụng"?

Ông Tạ Mạnh Hùng, phó cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho biết đã yêu cầu Sở Y tế Đồng Nai (nơi tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm) tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ.

"Theo đó, trong phiếu đăng ký công bố sản phẩm, công ty này không có thông tin chỉ số chống nắng. Nhưng trên nhãn dán công ty lại ghi chỉ số chống nắng. Vì vậy, ban đầu cục quyết định thu hồi sản phẩm để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và tiếp tục giao sở y tế làm việc cụ thể", ông Hùng cho hay.

Lãnh đạo Cục Quản lý dược cũng cho hay hiện cục đang soạn thảo công văn yêu cầu các sở y tế rà soát công bố của các sản phẩm chống nắng.

Đoàn Di Băng nói gì?

Theo Cục Quản lý dược lô sản phẩm này được sản xuất bởi Công ty Cổ phần Nhà máy Y tế EBC Đồng Nai, còn VB Group là đơn vị chịu trách nhiệm phân phối. 

Cả hai đều là cái tên xuất hiện trong vụ thu hồi dầu gội Hanayuki Shampoo cũng chỉ mới xảy ra hôm 7-5 vừa qua, do vi phạm giới hạn vi sinh vật và thành phần không đúng công bố.

Ông Nguyễn Quốc Vũ - chồng của ca sĩ Đoàn Di Băng, là tổng giám đốc VB Group, còn nữ ca sĩ nổi tiếng lại là "gương mặt đại diện" quen thuộc của thương hiệu Hanayuki.

Sau khi sự việc xảy ra, ca sĩ Đoàn Di Băng đã thông báo trên trang cá nhân: "Thông tin chính thức của công ty VB Group".

Cô khẳng định: "VB Group là bên nhập hàng, cũng là bên bị ảnh hưởng vì không kiểm soát được toàn bộ quá trình sản xuất".

VB Group cho biết sẽ thu hồi toàn bộ sản phẩm liên quan đến nhà máy EBC Đồng Nai, hoàn tiền 100% hoặc đổi sản phẩm mới cho khách hàng.

Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng vẫn cảm thấy chưa thỏa đáng, đặc biệt là khi trang web chính thức của Hanayuki không công khai thông báo thu hồi và những sản phẩm bị lỗi cũng đã được gỡ bỏ mà không để lại lời giải thích trên trang web này.

Việc hai sản phẩm liên tiếp của cùng thương hiệu bị thu hồi vì vi phạm chất lượng khiến không ít người hoài nghi về quy trình kiểm soát của doanh nghiệp.

Nhiều người đặt câu hỏi: "Còn bao nhiêu sản phẩm khác chưa được kiểm nghiệm?", "Liệu những sản phẩm mình đang dùng có thực sự an toàn?".

Thu hồi lô mỹ phẩm nhà Đoàn Di Băng: Chỉ số chống nắng ghi 50 nhưng kiểm nghiệm có 2,4 - Ảnh 2.

Thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body - hộp 1 tuýp 100 gram

Theo quy định của Bộ Y tế về quản lý mỹ phẩm, nhãn sản phẩm phải phản ánh đúng nội dung đã được công bố.

Trong trường hợp này, phiếu công bố sản phẩm không ghi chỉ số chống nắng SPF 50, nhưng trên nhãn sản phẩm lại thể hiện thông tin này, dẫn đến việc ghi nhãn sai lệch so với nội dung đã công bố.

Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại nghị định số 117/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Cụ thể quy định mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về ghi nhãn mỹ phẩm có thể từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với cá nhân, phạt từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với tổ chức.

Ngoài ra, mức phạt có thể được điều chỉnh tăng lên nếu có tình tiết tăng nặng. Trong trường hợp sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body ghi nhãn SPF 50 nhưng kết quả kiểm nghiệm chỉ đạt SPF 2,4, hành vi này không chỉ vi phạm quy định về ghi nhãn mà còn có thể bị coi là hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả về chất lượng, công dụng.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: