Thủ khoa ngành văn học Trường đại học Sư phạm TP.HCM: học song ngành vì muốn 'văn võ song toàn'

Thứ hai, 08/07/2024 22:38 (GMT+7)

Với tổng điểm trung bình tích lũy 3,28/4, bạn Nguyễn Trung Hiếu trở thành thủ khoa đầu ra ngành văn học của Trường đại học Sư phạm TP.HCM.

Thủ khoa ngành văn học Trường đại học Sư phạm TP.HCM: học song ngành vì muốn 'văn võ song toàn'- Ảnh 1.

Chân dung bạn Nguyễn Trung Hiếu - thủ khoa đầu ra ngành văn học của Trường đại học Sư phạm TP.HCM năm 2024 - Ảnh: NVCC

Đặt mục tiêu không "rớt môn" khi lên đại học

Nguyễn Trung Hiếu là sinh viên ngành văn học, khóa 46 (niên khóa 2020 - 2024) của Trường đại học Sư phạm TP.HCM. Bạn vừa tốt nghiệp ngành văn học của trường với điểm trung bình (GPA) 3,28/4.

"Ngay từ khi vừa lên đại học, mình đã đặt mục tiêu phấn đấu. Nhưng không phải phấn đấu trở thành thủ khoa đầu ra của ngành. Mình chỉ muốn cố gắng để không bị rớt bất cứ môn nào, giữ mức điểm mỗi môn sao cho đủ tốt nghiệp loại giỏi và đúng hạn" - Hiếu hài hước chia sẻ. 

Và Hiếu cũng chân thành tiết lộ bạn "chưa bao giờ nghĩ tới việc sẽ trở thành thủ khoa tốt nghiệp ngành văn học".

Với mục tiêu "không nợ môn", Hiếu cố gắng hoàn thành thật tốt các môn đại cương vào năm học đầu tiên. Ba năm học kế tiếp, bạn dùng quỹ thời gian tương đối thoải mái còn lại để "chăm chút" cho từng môn chuyên ngành.

"Những môn thuộc định hướng hoặc là thế mạnh của mình, mình sẽ đầu tư toàn bộ thời gian và sức lực để tập trung nghiên cứu, học tập. 

Với những môn còn lại, mình dành khoảng 75% thời gian học, bên cạnh các hoạt động khác. Hai cách học này luôn được duy trì và song hành với nhau để mình không bị "hổng" kiến thức hoặc có thiếu sót với môn học nào" - Hiếu nói.

Nói về trở ngại trong quá trình học tập, Trung Hiếu cho rằng bản thân bạn chưa từng thật sự gặp phải vấn đề nan giải nào nhờ tâm lý chủ động. 

Cụ thể, trong mọi môn học và mỗi giai đoạn học, Hiếu luôn tự lập một kế hoạch phù hợp. Trong kế hoạch ấy, bạn chủ động dự đoán trước mọi thuận lợi, khó khăn có thể xảy đến và tự đề ra phương án giải quyết dự phòng. 

Vì vậy, khi có vấn đề xảy ra, bạn có thể từ "việc lớn hóa nhỏ, việc nhỏ hóa không" mà không quá lo lắng, căng thẳng.

Thủ khoa ngành văn học Trường đại học Sư phạm TP.HCM: học song ngành vì muốn 'văn võ song toàn'- Ảnh 2.

Tâm lý chủ động trong học tập khiến cậu bạn thủ khoa lúc nào cũng tự tin, thoải mái khi đứng trước khó khăn - Ảnh: NVCC

Ngoài giờ học ở trường, chàng thủ khoa văn học dành nhiều thời gian cho việc đọc sách, như sách chuyên ngành thuộc các ngành học khác: lịch sử, địa lý, tôn giáo, truyền thông,… Thậm chí là sách các ngành thuộc khối khoa học tự nhiên như lịch sử toán học, hóa học,…

Hiếu lý giải, cách làm này vừa giúp bạn mở rộng tri thức đối với nhiều ngành học, vừa có thể nhìn nhận ngành văn học ở nhiều góc độ khác nhau. 

"Muốn hiểu sâu văn học thì không thể chỉ tìm hiểu một mình nó. Các chuyên ngành khác sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tâm thức dân tộc, tâm thức mỗi con người. Sự ảnh hưởng đó sẽ đi vào văn học, và cấu thành nên một dấu ấn, một bản sắc riêng. Lấy ví dụ, lịch sử của những con số trong toán học đồng thời sẽ liên quan đến lịch sử những con số mà người ta dùng trong tôn giáo, trong văn học", Hiếu cho biết.

Quyết định học song ngành khi đã là sinh viên năm cuối

Không chỉ có niềm đam mê với văn chương, vào học kỳ 1 năm cuối, Trung Hiếu gây bất ngờ cho người xung quanh khi quyết định học song ngành. 

Ngành học thứ hai mà bạn chọn là giáo dục quốc phòng - an ninh của Trường đại học Sư phạm TP.HCM. Hiếu nói vui, bạn chọn học ngành này vì muốn bản thân được "văn võ song toàn".

Chia sẻ với Mực Tím, Hiếu cho biết trong quá trình học văn, văn chương từng nhắc đến, khắc họa và ca ngợi những nghệ thuật quân sự từ cổ chí kim. 

Điều này đã vô tình khơi gợi hứng thú của chàng trai trẻ, thúc giục bạn quan tâm, mong muốn được tìm hiểu sâu hơn về các kỹ thuật, chiến thuật trong quân sự.

Thủ khoa ngành văn học Trường đại học Sư phạm TP.HCM: học song ngành vì muốn 'văn võ song toàn'- Ảnh 3.
Thủ khoa ngành văn học Trường đại học Sư phạm TP.HCM: học song ngành vì muốn 'văn võ song toàn'- Ảnh 4.

Trung Hiếu trong bộ đồng phục của ngành giáo dục quốc phòng - an ninh - Ảnh: NVCC

Hiếu nói thêm, tuy bắt đầu ngành học thứ hai khá muộn, nhưng đến hiện tại bạn vẫn vô cùng hài lòng về quyết định đó. 

Đầu năm học, khi phải học song song hai ngành cùng lúc, bạn cân bằng bằng cách ưu tiên cho văn học nhiều hơn. 

Cụ thể, bạn không "bỏ bê" ngành giáo dục quốc phòng - an ninh, nhưng chỉ tập trung học đúng chương trình đào tạo, không học vượt, học quá sức để dành "tổng lực" cho ngành học sắp tốt nghiệp.

Hiện tại khi đã tốt nghiệp ngành văn học, Hiếu sẽ dành nhiều thời gian và sức lực hơn cho ngành học thứ hai ở trường sư phạm. 

Dự định gần nhất, bạn muốn tiếp tục học lên thạc sĩ chuyên ngành văn học Việt Nam để hiện thực hóa ước mơ trở thành giảng viên văn học. Ngành giáo dục quốc phòng - an ninh vừa là sở thích, vừa có thể là "nghề tay trái" trong tương lai của cậu bạn.

Dành hơn 4 năm cho 1 đề tài nghiên cứu khoa học

Chia sẻ về một môn học mà bạn ấn tượng nhất trong thời gian học tập tại Trường đại học Sư phạm TP.HCM, Trung Hiếu tâm sự đó là quá trình bạn thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học Xây dựng công cụ hỗ trợ sinh viên học lý thuyết văn học dân gian từ sách Văn học dân gian Việt Nam.

Sản phẩm của quá trình nghiên cứu gồm một quyển sổ tay thuật ngữ văn học dân gian Việt Nam, một trang web tra cứu thuật ngữ và một văn bản tổng thuật (tóm tắt) giáo trình Văn học dân gian Việt Nam của các tác giả Đinh Gia Khánh (chủ biên), Chu Xuân Diên.

Theo lời của Trung Hiếu, đề tài đó có thể xem như là "một môn học dài hạn, số tín chỉ của môn học ấy là vô hạn và lượng kiến thức cũng không thể nào đếm xuể được".

Hiếu giải thích, thông thường, một đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên sẽ kéo dài trong vòng tối đa một năm. Tuy nhiên, Hiếu dùng tận 4 năm học tập tại trường để thực hiện dự án của mình.

Trung Hiếu kể ý tưởng của đề tài xuất hiện từ khi bạn còn là sinh viên năm nhất. Đến học kỳ 1 năm cuối, cậu bạn mới đăng ký đề tài nghiên cứu với trường. Khi ấy, dự án đã đi được khoảng 90% chặng đường.

Đề tài của Hiếu hoàn thành trước khi bạn chính thức tốt nghiệp chưa đến một năm, và giành được giải ba sinh viên nghiên cứu khoa học cấp khoa.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: