Về Củ Chi học lịch sử qua mô hình sân khấu thể nghiệm

Thứ hai, 16/12/2024 12:13 (GMT+7)

Đất thép – vở diễn được thể hiện qua mô hình sân khấu lịch sử thể nghiệm, vừa được công diễn vào tối 15-12 tại Nhà truyền thống huyện Củ Chi (TPHCM).

Về Củ Chi học lịch sử qua mô hình sân khấu thể nghiệm- Ảnh 1.

Các diễn viên trong vở diễn Đất thép - Ảnh: VIỆT HÙNG

Sân khấu thể nghiệm mới lạ

Đất thép kể về Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Rành (Tám Rành). Mẹ Rành có 8 người con và 2 người cháu là liệt sĩ. 

Ngoài câu chuyện về mẹ Rành, vở diễn còn khắc họa những trăn trở, suy tư của những người lính trẻ, của những nữ du kích, nói lên tình cảm của người dân Củ Chi dành cho bộ đội...

Điểm đặc biệt của Đất thép là toàn bộ diễn viên đều là những người không chuyên. Họ là cán bộ, viên chức nhà nước, giáo viên, có cả những anh nông dân chân lấm tay bùn, chị bán quán giải khát ở bến xe… cùng tham gia diễn xuất. Kể cả những nhân viên hậu đài, âm thanh cũng là người dân Củ Chi.

Đạo diễn Lê Quý Dương cho biết, ông không chọn diễn viên chuyên nghiệp bởi cần sự chân chất, mộc mạc của người dân Củ Chi.

"Tất cả diễn viên đều là người Củ Chi. Chỉ có họ mới hiểu, mới yêu và có tình cảm với mảnh đất "Đất Thép thành đồng" này. Dĩ nhiên, là diễn viên không chuyên nên việc tập luyện, biểu diễn diễn hơi mất thời gian một chút, tuy nhiên, khi xem họ diễn, tôi rất hài lòng. Họ diễn bằng cái tâm, bằng tình cảm thực sự mà chưa chắc các diễn viên chuyên nghiệp có được".

Về Củ Chi học lịch sử qua mô hình sân khấu thể nghiệm- Ảnh 3.

Bạn Võ Tiên Ân trong vai Hai Lép - Ảnh: VIỆT HÙNG

Bạn Võ Tiên Ân - người thủ vai Hai Lép - tiết lộ: "Công việc hằng ngày của tôi là trồng củ mì và chăn bò, có biết diễn xuất là gì đâu. Thấy Trung tâm Văn hóa huyện đăng bảng tuyển diễn viên, tôi đăng ký ai, ai ngờ được tuyển. 

Đạo diễn Lý Quý Dương nói thầy tuyển tôi vì ngoại hình tôi khá giống với nhân vật Hai Lép, đặc biệt giọng nói "rặt" chất Củ Chi".

Lan tỏa tinh thần yêu nước đến nhiều bạn trẻ

Theo chia sẻ của chị Nguyễn Nhật Tiến (giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao truyền thông huyện Củ Chi), việc thực hiện mô hình sân khấu thể nghiệm này nhằm giáo dục, lan tỏa cho các bạn trẻ hiểu thêm về lịch sử.

Chị cũng cho biết khâu thiết kế sân khấu, âm thanh khá phức tạp nên tạm thời Đất thép chỉ diễn được tại Nhà truyền thống Củ Chi.

Về Củ Chi học lịch sử qua mô hình sân khấu thể nghiệm- Ảnh 4.

Những nữ du kích Củ Chi do các diễn viên không chuyên đảm nhận - Ảnh: VIỆT HÙNG

Về Củ Chi học lịch sử qua mô hình sân khấu thể nghiệm- Ảnh 5.

Không gian xem kịch rất gần với khán giả tạo cảm xúc chân thật - Ảnh: VIỆT HÙNG

Sắp tới lãnh đạo huyện sẽ tạo điều kiện cho vở diễn được quảng bá rộng rãi hơn bằng cách tổ chức diễn cho các đoàn khách tham quan, các đơn vị, đoàn thể...

Đầu năm 2025, vở diễn sẽ được bán vé cho khán giả. Cụ thể, giá vé là 95k (học sinh, sinh viên), 175k (công dân Việt Nam) và 220k (khách nước ngoài). 

"Sau khi trừ chi phí, toàn bộ doanh thu của vở Đất thép sẽ được dành cho quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" chăm lo cho các gia đình chính sách trên địa bàn huyện" – chị Nhật Tiến cho biết thêm.

Hiện tại, vở Đất thép đang được diễn vào 19h tối thứ bảy và chủ nhật hàng tuần tại Nhà truyền thống huyện Củ Chi (số 1A tỉnh lộ 8, khu phố 1, thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi TP.HCM)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: