Chuyện về người thầy 10 năm dạy phổ cập ở Củ Chi

Thứ tư, 20/11/2024 08:25 (GMT+7)

Hơn 10 năm gắn bó, thầy Huỳnh Vĩnh Lộc (34 tuổi, ngụ tại Củ Chi) luôn trăn trở làm sao để mọi người có cái nhìn tích cực hơn về lớp học phổ cập.

Thầy giáo 10 năm dạy phổ cập ở Củ Chi - Thực hiện: HÀ LINH - LAM THUYÊN

Hành trình dài để gắn bó với nghề giáo

Thiếu 0,35 điểm để trúng tuyển vào ngành sư phạm Ngữ văn, Trường đại học Sư phạm TP.HCM, thầy Huỳnh Vĩnh Lộc (Củ Chi) tưởng như đã khép lại ước mơ theo đuổi công việc dạy học. 

Chuyện về người thầy 10 năm dạy phổ cập ở Củ Chi- Ảnh 1.

Thầy Huỳnh Vĩnh Lộc trên bục giảng - Ảnh: HOÀI THƯƠNG

Khi đó, thầy Lộc xét nguyện vọng 2 và theo học tại Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM. Đôi lần, thầy Lộc nhen nhóm ý định thi lại đại học nhưng lại thôi vì chưa có đủ có dũng khí.

Cũng trong thời gian này, ba thầy đột ngột ngã bệnh và mất chỉ trong vòng 21 ngày. 

Trước khi mất, ông bảo muốn thầy đi học Sư phạm lại. "Lúc đó tôi cũng chưa hứa. Nhưng khi ba mất rồi, tôi mới quyết tâm và quyết định thi lại." - thầy Lộc kể.

Lần thi lại đó, thầy Lộc đã đậu vào khoa đã đặt nguyện vọng 1 năm xưa. Tốt nghiệp ra trường, thầy Lộc về làm việc tại Củ Chi là cán bộ Huyện Đoàn huyện Củ Chi. 

Mong muốn được đứng trên bục giảng, thầy Lộc đăng ký thi viên chức. 

May mắn lại một lần nữa chưa mỉm cười khi kết quả không như mong đợi. Con đường đi dạy học phải đóng lại, thầy Lộc tạm gác lại mong muốn bấy lâu.

Chuyện về người thầy 10 năm dạy phổ cập ở Củ Chi- Ảnh 3.

Thầy Huỳnh Vĩnh Lộc không bỏ cuộc sau những lần thất bại - Ảnh: HÀ LINH

Bẵng đi một thời gian, mong muốn thử đi dạy vẫn chưa nguôi ngoai. Thầy bèn báo cáo với lãnh đạo của đơn vị về mong muốn thi lại viên chức và được ủng hộ.

Thầy Lộc kể vẫn còn nhớ rõ ngày đầu đứng trước cổng Trường THPT Tân Thông Hội (huyện Củ Chi), thầy đã đấu tranh tư tưởng rất lâu giữa một bên là được làm giáo viên, một bên là tiếp tục công việc hiện tại. Dằn xé rất nhiều và thầy đã bước vào trường.

Sau thời gian ngắn dạy ngữ văn tại trường, thầy Lộc được rút về làm phó bí thư Huyện Đoàn Củ Chi. Không từ bỏ nghề giáo, thầy trao đổi với cô tổ trưởng để không dạy phổ thông nhưng vẫn dạy phổ cập tại trường.

Với thầy Lộc, được đi dạy không chỉ là một sự báo hiếu cho cha. Mà hành trình đó còn gắn với những nỗ lực không ngừng nghỉ theo đuổi lý tưởng, theo đuổi ước mơ.

Những tiết học văn ít chép bài, học từ cuộc sống

“Ít chép bài, ít trả bài” là điểm đặc biệt của những tiết văn do thầy Lộc dạy. Thầy tự nhận mình là người "cổ xúy" cho các bạn hãy viết những điều mà mình suy nghĩ và hãy trả lời bằng chính những câu chuyện thật nhất.

Với chương trình giáo dục phổ thông 2018, cùng với sự hỗ trợ của các thầy cô dạy phổ thông về giáo án, thầy Lộc cũng luôn tìm cách lồng ghép những câu chuyện cuộc sống vào các chủ đề văn học.

Trong buổi học tối ngày 19-11, thầy giới thiệu với cả lớp chủ đề "Khát khao đoàn tụ" trong chương trình ngữ văn lớp 11. Mỗi thành viên trong lớp có thời gian trả lời các câu hỏi: “Mình muốn gặp lại ai?”, “Bao lâu chưa gặp?”, “Ký ức về người đó?”, “Điều gì muốn nói?”, “Có thể gặp lại người đó không?”.

Chuyện về người thầy 10 năm dạy phổ cập ở Củ Chi- Ảnh 4.

Các thành viên trong lớp học phổ cập - Ảnh: HÀ LINH

Các thành viên trong lớp lần lượt đứng lên và kể về những người ông, người bà, cha mẹ, bạn bè… đã lâu không gặp hoặc không thể gặp lại. Những giọt nước mắt đã rơi khi các thành viên nhắc về những người thân, những ký ức đẹp và về ước mong được đoàn tụ.

Bạn Phùng Thị Thúy Di (17 tuổi, quê Sóc Trăng) là thành viên của lớp học và đã theo học được 2 tháng nay. Với bạn, buổi học hôm nay cảm xúc hơn mọi khi. “Chủ đề gia đình, người thân đúng ý với những người đi học phổ cập như tụi em. Rất là ý nghĩa.” - Di chia sẻ.

Chuyện về người thầy 10 năm dạy phổ cập ở Củ Chi- Ảnh 5.

Phùng Thị Thúy Di đọc bài làm của mình cho cả lớp cùng nghe - Ảnh: HOÀI THƯƠNG

Trước cả lớp, Thúy Di chia sẻ bản thân đã xa nhà khá lâu. Bởi vậy, bạn rất muốn được về nhà đoàn tụ với gia đình.

Thúy Di kể bạn đã lên Củ Chi làm việc từ khi học hết lớp 10. “Hồi đó, em tính đi làm thêm hè thôi mà thấy làm có tiền quá nên bỏ học một năm. Sau đó, thấy tiếc quá, lại ham học nữa nên quyết định đi học lại.” - Thúy Di nói.

Sau giờ học, Di bảo phải về để vào ca làm phục vụ. Nói về thầy Lộc, Di ấn tượng về thầy là một người rất dễ thương và hòa đồng. “Trong các tiết học, thầy thường chia sẻ về bản thân, những điều thầy đã trải qua và những điều hay trong cuộc sống.” - Di cười và kể.

Nguyễn Hồng Hải Dương (25 tuổi) cũng có chung suy nghĩ với Thúy Di. Anh cho biết: "Ít khi nào mà có một môn học được nói về chính mình thay vì bài học. Kể về nỗi nhớ gia đình thì mình chưa bao giờ thấy tiết học nào có."

Chuyện về người thầy 10 năm dạy phổ cập ở Củ Chi- Ảnh 6.

Anh Nguyễn Hồng Hải Dương còn ấn tượng với tiết học của thầy Lộc vì không đặt nặng vấn đề điểm số - Ảnh: HOÀI THƯƠNG

Anh Dương cũng thừa nhận lúc trước anh khó tập trung vào bài học. Những đối với tiết của thầy Lộc, anh tập trung được và thấy khá vui.

Cũng trong tiết văn của thầy Lộc, anh Dương hân hoan kể mình đã có lần đầu tiên được tuyên dương vì viết hay. Đó giờ chỉ viết theo những gì mình nghĩ nên anh rất vui. 

Từ một người trước đây có phần khúm núm, rụt rè, qua lớp của thầy Lộc, anh Dương tự tin hơn không chỉ trong lớp học mà cả khi làm những công việc bên ngoài.

Học sinh đến lớp bằng tấm lòng thì thầy cô cũng dạy bằng tất cả tấm lòng

Từ ngày đầu bén duyên với nghề giáo đến nay, thầy Lộc dạy lớp phổ thông khoảng 1,5 năm. Trong khi đó, thời gian gắn bó với dạy phổ cập của thầy cũng đã hơn 10 năm.

Những ngày đầu dạy lớp phổ cập, khi có những học sinh có tuổi gần gấp đôi mình, thầy Lộc bối rối chẳng biết xưng hô ra sao.

Nhớ lại những ngày đó, thầy Lộc cùng các thầy cô khác nhận được 15.000 đồng/tiết. Những năm sau, mức lương này nâng lên một chút thành 40.000 đồng/tiết. Dù vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, theo thầy Lộc, mức này trở thành 0 đồng bởi đây là quy định chung.

Dạy phổ cập trở thành một trách nhiệm của giáo viên. Nhưng riêng với thầy Lộc, dù không phải giáo viên chính thức của trường nhưng đó là "sự lựa chọn". 

Bởi vậy, thầy Lộc cũng như các giáo viên khác đều mong học sinh sẽ đến lớp bằng tất cả tinh thần vì thầy cô phổ cập luôn dạy bằng cả tấm lòng.

Chuyện về người thầy 10 năm dạy phổ cập ở Củ Chi- Ảnh 7.

Là trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Củ Chi, dạy phổ cập là một sự lựa chọn và thầy Lộc luôn cố gắng sắp xếp thời gian để hoàn thành tốt trách nhiệm này - Ảnh: HOÀI THƯƠNG

Trong những năm dạy học, thầy nhớ có lần có bạn hỏi: “Em học phổ cập thì có tốt nghiệp cấp 3 và thi vào sư phạm không?” thầy bảo là vẫn được. Hai năm sau, có một bạn thi đậu vào ngành Sư phạm mầm non thật.

Và cũng chính nhờ những lứa học trò như vậy mà thầy càng tự tin để nói rằng "học phổ cập không phải học cho có, mà nếu chúng ta cố gắng thì chúng ta vẫn có thể đậu đại học và đạt được ước mơ của mình được."

Càng gắn bó với các lớp phổ cập, thầy Lộc càng muốn thay đổi suy nghĩ về học sinh học phổ cập là quậy hay học chưa tốt. 

Nhất là từ khi chuyển từ dạy phổ thông qua dạy phổ cập, thầy tâm sự càng thấy thương các lớp phổ cập vì các bạn thiệt thòi rất nhiều. 

“Nhiều người nói do các bạn lựa chọn. Nhưng mà không, tôi cảm nhận là do hoàn cảnh chứ không phải do các bạn.”

Chuyện về người thầy 10 năm dạy phổ cập ở Củ Chi- Ảnh 8.

Các học sinh lớp năm ngoái thầy Lộc dạy đến hỏi thăm và tặng quà nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 - Ảnh: HOÀI THƯƠNG

Lớp học thầy đang dạy có tổng số 28 thành viên. Trong đó, phần nhiều là công nhân xa quê, ban ngày không thể đi học. Một nhóm khác là các bạn có hoàn cảnh gia đình khó khăn. 

Anh Nguyễn Dương Hoàng Bá (22 tuổi) trở lại học sau thời gian 5,6 năm nghỉ học vì gia đình khó khăn. Hiện đang làm việc tại một quán ăn, anh nói: “Bây giờ có tiền nên học lại. Nếu được mình muốn học hết cấp 3 và thi vào trường cao đẳng, đại học nếu có thể.” 

Ngoài ra, theo thầy Lộc, nhiều thành viên vì độ tuổi, có bạn nghỉ học lâu nên ngại. Hoặc cũng có bạn không vào được các trường THPT hoặc Trung tâm giáo dục thường xuyên nên buộc phải đi học phổ cập.

Nhưng dù vì lí do gì thì với thầy, những thành viên của lớp phổ cập đều rất ngoan và chăm học. 

Chuyện về người thầy 10 năm dạy phổ cập ở Củ Chi- Ảnh 9.

Thầy Huỳnh Vĩnh Lộc cùng món quà là chiếc bánh kem và thư tay do các lớp gửi tặng - Ảnh: HÀ LINH

Cũng vì vậy, thầy Lộc luôn mong các bạn được đối xử như học sinh phổ thông. Từ khoảng năm 2016, 2017, thầy đã tự chủ động trang bị máy chiếu cho lớp để tiết học thêm sinh động.

Trăn trở lớn nhất của thầy Lộc bây giờ chính là làm sao mọi người có cái nhìn khác đi về lớp phổ cập và những người đang có nhu cầu học sẽ mạnh dạn vượt mặc cảm để viết tiếp con đường chinh phục tri thức của riêng mình.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: