Khi thầy cô trở thành bạn đồng hành của học trò

Thứ ba, 19/11/2024 15:09 (GMT+7)

Nhân ngày 20-11, câu chuyện của các thầy cô ở trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên càng khiến chúng ta yêu quý những người đưa đò thầm lặng.

Khi thầy cô trở thành bạn đồng hành của học trò- Ảnh 1.

Thầy Phạm Hữu Hảo và cô Nguyễn Thị Bích Vân - Ảnh: NVCC

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 là dịp để xã hội tri ân những người đưa đò thầm lặng. Không chỉ đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức, nhiều thầy cô còn là người đồng hành với học trò trong cuộc sống.

Cô giáo ở Gia Lai: xắn tay lo cơm nước để học sinh yên tâm ôn thi

Cô Nguyễn Thị Bích Vân hiện là tổ trưởng tổ Hành chính - tổng hợp, giáo viên kiêm bí thư Đoàn Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai.

Sở dĩ một mình cô "đóng" nhiều vai là vì trung tâm ít người, đa phần giáo viên thỉnh giảng.

Khi thầy cô trở thành bạn đồng hành của học trò- Ảnh 2.

Cô Vân (bìa phải) trẻ trung, gần gũi với học trò - Ảnh: NVCC

Người dân Mang Yang chủ yếu là đồng bào Ba Na. Những đứa trẻ ở đây sinh ra trong nghèo khó, hễ nghe có việc kiếm ra tiền là nghỉ học đi làm, thầy cô phải đến nhà vận động. Đặc biệt, nhiều em gái đã và đang là nạn nhân của nạn tảo hôn.

"Với các em ở trung tâm, học hết ba năm cấp 3 là cả một sự nỗ lực. Mỗi năm, tôi và đồng nghiệp tuyển sinh đầu vào khoảng 60-70 bạn, đến lớp 12 chỉ còn tầm 20 bạn" - cô Vân chia sẻ.

Vừa là giáo viên, vừa là bí thư Đoàn trung tâm, cô Vân rất gần gũi, thấu hiểu học trò. "Người lớn đôi khi còn không chịu nổi áp lực tiền bạc, huống hồ gì các bạn. Nhiều bạn đang đi học đã trở thành trụ cột gia đình" - cô tâm sự.

Cũng vì hiểu rõ hoàn cảnh các em, nên cô Vân và đồng nghiệp ở trung tâm luôn hết lòng hỗ trợ. Mỗi năm, cứ đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, thầy cô gần như bỏ hết việc nhà, dồn lực lo cho học trò.

Các em được tập hợp về trung tâm ôn thi, nghỉ ngơi tại chỗ, thầy cô lo cơm nước đầy đủ.

Đến ngày thi, thầy cô chở học trò lên tận điểm thi, mua đồ ăn sáng cho các bạn, ngồi chờ các bạn thi xong.

Chính sự yêu thương, đồng hành đó đã giúp các bạn có thêm động lực học hành. Đinh H'Toan (lớp 12) khoe rằng mình vừa được học nghề, vừa được tạo điều kiện tham gia nhiều hoạt động.

Ngày H'Toan đi nhận học bổng Vì tương lai Việt Nam của Mực Tím, cô Vân chính là người đồng hành, đưa bạn từ Mang Yang lên Pleiku.

Khi thầy cô trở thành bạn đồng hành của học trò- Ảnh 4.

Các bạn học sinh khối 12 chụp ảnh kỷ niệm cùng thầy cô Trung tâm GDNN - GDTX huyện Mang Yang trong ngày tổng kết năm học 2023-2024 - Ảnh: NVCC

Nhiệt huyết của thầy giáo trẻ ở Thanh Hóa

Thầy Phạm Hữu Hảo hiện là giáo viên ngữ văn kiêm phó bí thư Đoàn Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. 

Khi thầy cô trở thành bạn đồng hành của học trò- Ảnh 5.

Chân dung thầy giáo trẻ Phạm Hữu Hảo - Ảnh: NVCC

Nói về cơ duyên gắn bó với nghề giáo, thầy Hảo chia sẻ: "Lúc đi thực tập, đứng trên bục giảng, tôi cảm nhận được sự vô tư, đáng yêu của học trò. Các em cũng dành sự quan tâm cho giáo viên của mình. Tự nhiên tôi thấy hạnh phúc và có động lực gắn bó với công việc này".

Tháng 9-2023, thầy Hảo về công tác tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Vĩnh Lộc. "Là giáo viên trẻ, không phải người địa phương, lại được phân công làm giáo viên chủ nhiệm nên tôi rất lo lắng" - thầy Hảo tâm sự.

Thầy giáo trẻ dành thời gian tìm hiểu hoàn cảnh từng bạn trong lớp. Trường hợp nào khó quá thì nhờ đồng nghiệp người địa phương hỗ trợ. 

Có lần, thầy Hảo gọi điện, trò chuyện với phụ huynh gần 2 tiếng đồng hồ để hiểu hơn về tính cách, lực học của học sinh.

Để học sinh hứng khởi, chủ động trong tiết học ngữ văn, thầy Hảo nỗ lực tìm tòi, học hỏi phương pháp dạy mới. Như phần kiểm tra đầu giờ, thay vì đọc hay viết câu hỏi lên bảng, thầy tổ chức cho các bạn trả lời trên phần mềm plickers (quét mã câu trả lời).

Khi thầy cô trở thành bạn đồng hành của học trò- Ảnh 6.

Tiết học ngữ văn của thầy Hảo sôi nổi nhờ ứng dụng công nghệ - Ảnh: NVCC

"Nhờ sử dụng công nghệ trong công tác giảng dạy, nội dung được truyền tải đến học sinh một cách sinh động. Mỗi tiết học đều mang lại niềm vui, hứng khởi cho cả thầy và trò" - thầy Hảo bật mí.

Kiêm nhiệm vai trò phó bí thư Đoàn trung tâm, thầy Hảo nhiệt tình tham mưu tổ chức nhiều hoạt động bổ ích, thu hút học sinh. Thuộc thế hệ cuối 9x nên thầy rất hiểu tâm lý, mong muốn của học trò gen Z.

Những ngày hội hướng nghiệp, những ngày thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, tuyên truyền kỹ năng được tổ chức thường xuyên. Chính những hoạt động này đã giúp các em nâng cao kỹ năng mềm, trở nên năng động, tự tin hơn rất nhiều.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: