Vì sao gọi là phường Bảy Hiền, phường Nhiêu Lộc, phường Cầu Ông Lãnh?

Chủ nhật, 27/07/2025 10:11 (GMT+7)

Đằng sau tên gọi của phường, xã tại TP.HCM như phường Bảy Hiền, xã Bà Điểm,... là cả một câu chuyện lịch sử thú vị!

Vì sao gọi là phường Bảy Hiền, phường Nhiêu Lộc, phường Cầu Ông Lãnh?- Ảnh 1.

Phường Nhiêu Lộc được gắn bảng tên tại trụ sở mới vào sáng 28-6 - Ảnh: BÙI NHI

Sau sáp nhập, TP.HCM hiện có 168 đơn vị hành chính cấp phường, xã. Trong đó, có khoảng 10 phường, xã được đặt theo các danh nhân, nhân vật lịch sử hoặc những cái tên dân gian mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử lâu đời ở địa phương như phường Bảy Hiền, phường cầu Ông Lãnh, phường Nhiêu Lộc...

Nguồn gốc tên gọi phường Bảy Hiền, phường Nhiêu Lộc, phường Thủ Đức

Phường Bảy Hiền được hình thành từ việc sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường 10, phường 11 và phường 12 (quận Tân Bình). 

Trong đó, Bảy Hiền là tên của một đại điền chủ được người dân nơi đây kính trọng vì thường xuyên giúp đỡ người nghèo. "Bảy" là cách gọi thứ tự trong gia đình Nam Bộ, còn "Hiền" là tên thật hoặc biệt danh.

Ngoài ra, tên Bảy Hiền còn gắn liền với ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình cũ), giao lộ nổi tiếng của TP.HCM gắn với các trục đường Trường Chinh, Cách Mạng Tháng Tám, Hoàng Văn Thụ, Lý Thường Kiệt.

Phường Nhiêu Lộc hình thành từ toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường 9, phường 11, phường 12 và phường 14 (quận 3).

Nhiều ý kiến cho rằng "Nhiêu" là tước vị một chức quan thời triều Nguyễn, "Lộc" là tên của một người (Đặng Lộc). 

Ông là người đã bỏ công sức, tiền của sửa sang lại hệ thống kênh rạch, khơi thông dòng chảy ra sông Sài Gòn, nhằm phục vụ giao thương, giúp dân chúng đi lại dễ dàng nên được người dân đặt tên cho con kênh Nhiêu Lộc.

- Phường Thủ Đức hình thành từ toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các phường Bình Thọ, Linh Chiểu, Trường Thọ, một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Linh Tây và phần còn lại của phường Linh Đông.

Thủ Đức được cho là tên hiệu của ông Tạ Dương Minh, người có công lao với vùng đất này thời mới khai hoang lập ấp khoảng năm 1679 - 1725.

Ông Lãnh và Bà Điểm cũng là tên của hai phường, xã mới

Vì sao gọi là phường Bảy Hiền, phường Nhiêu Lộc, phường Cầu Ông Lãnh?- Ảnh 2.

Gian hàng trái cây chợ cầu Ông Lãnh - Ảnh: NAM PHƯƠNG

- Phường Cầu Ông Lãnh được hình thành từ toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các phường Nguyễn Cư Trinh, Cầu Kho, Cô Giang và phần còn lại của phường Cầu Ông Lãnh.

Cái tên Ông Lãnh được đặt cho cầu Ông Lãnh bắc ngang kênh Bến Nghé, nối liền quận 1 và quận 4 cũ của TP.HCM). 

Học giả Trương Vĩnh Ký, một trong 18 nhà bác học thế giới thế kỷ 19 cho rằng, Ông Lãnh là vị lãnh binh tên Nguyễn Ngọc Thăng (1798-1866), võ tướng nhà Nguyễn thời vua Tự Đức. Ông thuộc thế hệ tham gia chiến đấu chống Pháp đầu tiên của Nam Kỳ.

Ngoài ra tên gọi này cũng gắn liền với chợ Cầu Ông Lãnh, một khu chợ đầu mối trái cây và hải sản sầm uất từ cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, hoạt động suốt ngày đêm, tập trung nhiều ghe thuyền vào đổ hàng.

- Xã Bà Điểm hình thành từ toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã Xuân Thới Thượng, Trung Chánh và Bà Điểm. 

Theo học giả Trương Vĩnh Ký thì Bà Điểm cùng với Bà Rịa, Bà Chiểu, Bà Quẹo, Bà Hom là 5 bà vợ của một viên lãnh binh, người đã xây cầu ông Lãnh. Ông đã lập ra 5 ngôi chợ, giao cho mỗi bà cai quản một nơi.

Ở Nam Bộ nói chung và TP.HCM nói riêng, nhiều địa danh hình thành theo lối gọi tên dân gian hoặc gắn với các nhân vật có công khai phá, buôn bán hay gìn giữ vùng đất.

Khi vùng đất phát triển thành thành phố, thị trấn, người ta giữ lại cái tên cũ như một cách tri ân lịch sử. Mỗi cái tên ẩn chứa một câu chuyện lịch sử nằm giữa lòng đô thị nhộn nhịp.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: