Xà phòng tiêu diệt 'quái vật' siêu tí hon thế nào?

Thứ hai, 01/01/2024 20:27 (GMT+7)

Hằng ngày, chúng ta dùng xà phòng để rửa tay và tắm gội. Có bao giờ bạn thắc mắc, vì sao xà phòng có thể tẩy sạch các vết bẩn không?

Vì sao xà phòng lại cần thiết?

Để nói về sự cần thiết của xà phòng, ta cần nói qua về sự mỏng manh của da. Là lớp ngoài cùng của cơ thể con người, da luôn là nơi trú ngụ và ẩn náu của rất nhiều vi sinh vật gây bệnh mà chúng ta vô tình chạm phải trong cuộc sống hằng ngày.

Xà phòng tiêu diệt 'quái vật' siêu tí hon thế nào?- Ảnh 1.

Ảnh từ Internet

Bàn tay là một ví dụ điển hình. Trong sinh hoạt, ta chạm vào nhiều nơi và bị dính vi khuẩn, virus.

Đặc biệt, hắt hơi, ho và đi vệ sinh là những cách mà vi khuẩn và virus dễ dính vào tay nhất.

Từ đó, bàn tay lại giúp “những vị khách không mời” này chu du khắp nơi trên cơ thể chúng ta và cả môi trường xung quanh nữa.

Nếu da chúng ta bị thương, những vi sinh vật này còn có thể xâm nhập vào bên trong cơ thể và gây bệnh. Vì thế, rửa tay là một trong những cách tốt nhất để phòng ngừa.

Vi sinh vật quá nhỏ để ta nhìn thấy, nhưng không có nghĩa là không thể rửa sạch.

Tuy nhiên, rửa tay với nước thường không loại được vết bẩn hay bất kỳ vi khuẩn, virus nào, vì nước tinh khiết thường không có tính tẩy sạch.

Xà phòng mới chính là vũ khí vô cùng lợi hại, giúp ta tiêu diệt được những tên “quái vật” cứng đầu đó!

Xà phòng tẩy sạch bằng cách nào?

Sự kỳ diệu của xà phòng đến từ tính chất “lưỡng long hợp thể” của nó, được cấu thành từ một loại phân tử đặc biệt bao gồm hai đầu: (1) đầu ưa nước (kỵ chất béo) đến từ gốc kiềm phân cực - sẵn sàng hòa tan trong nước và (2) đuôi kỵ nước (ưa chất béo) đến từ một chuỗi hydrocarbon dài không phân cực - sẵn sàng hòa tan với chất béo.

Vì thế, xà phòng được biết đến như một chất nhũ hóa giúp kết hợp hai chất thường không tan được vào nhau như nước và dầu.

Vết bẩn có thể bám dính trên da phần nhiều là do những phân tử kỵ nước. Tương tự, lớp vỏ bên ngoài của rất nhiều vi khuẩn và virus thường là lớp màng lipid (chất béo).

Khi rửa tay bằng xà phòng, đuôi kỵ nước sẽ bám chặt hơn vào vết bẩn, trong khi đầu ưa nước sẽ bị đẩy ra xa khỏi chúng.

Điều này tạo nên một cấu trúc hình cầu bao quanh vết bẩn (gọi là micelle). Khi rửa với nước, micelle sẽ gắn với nước và trôi đi, trả lại sự trong sạch cho đôi tay.

Đối với vi khuẩn, nhiều đuôi kỵ nước của xà phòng sẽ gắn chặt vào lớp màng của chúng và tương tác với nhau như những chiếc búa thần kỳ để phá banh lớp màng ngoài này, khiến vi khuẩn bị tiêu diệt.

Những thành phần bên trong và bên ngoài của vi khuẩn sẽ tạo thành micelle với xà phòng và bị nước rửa trôi đi.

Bạn đã thấy xà phòng xịn đét chưa nào? Nhớ rửa tay và tắm gội thường xuyên với xà phòng để bảo vệ sức khỏe nhé!

Dự án Công tắc Khoa học được thực hiện bởi Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford - OUCRU; Công ty Bayer Việt Nam và Ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ của báo Tuổi Trẻ.


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: