Thuốc kháng sinh và những "tuyệt chiêu" diệt vi khuẩn

avatar TS. NGUYỄN VĨNH TRUNG & ThS. DƯƠNG VÂN ANH

Thứ bảy, 28/10/2023 20:59 (GMT+7)

Kháng sinh là hợp chất do vi khuẩn, vi nấm hoặc thực vật tiết ra nhằm tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển của các vi sinh vật khác để tự vệ trước sự xâm lấn của kẻ thù.

Nguồn gốc thuốc kháng sinh

Năm 1928, tại bệnh viện St. Mary của nước Anh, bác sĩ Alexander Fleming trong một lần vô tình để đĩa môi trường nuôi cấy vi khuẩn gây bệnh Staphylococcus bị nhiễm một loại nấm mốc có trong không khí.

Ông thấy loại nấm mốc này tiết ra một chất có khả năng diệt vi khuẩn gây bệnh và đây chính là nguồn gốc ra đời của Penicillin - kháng sinh đầu tiên được phát hiện trên thế giới. Phát minh này là bước ngoặt rực rỡ cho nền y học thế giới và cho cả nền văn minh nhân loại đấy!

Thuốc kháng sinh và những "tuyệt chiêu" diệt vi khuẩn - Ảnh 1.

Minh họa: FREEPIK

Kháng sinh là gì?

Kháng sinh là hợp chất do vi khuẩn, vi nấm hoặc thực vật tiết ra nhằm tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển của các vi sinh vật khác để tự vệ trước sự xâm lấn của kẻ thù.

Con người đã sử dụng các hợp chất đó để tạo nên thuốc kháng sinh trị bệnh và đã thành công cứu sống rất nhiều mạng người.

Hiện tại trên thế giới có hơn 100 loại kháng sinh và y học vẫn không ngừng nghiên cứu tìm tòi phát triển thêm.

Kháng sinh có tác dụng gì?

Kháng sinh dùng để điều trị các bệnh lý gây ra do vi khuẩn, ví dụ như: viêm phế quản, viêm phổi, viêm ruột, nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng máu, bệnh lao...

Các bệnh lý như cảm cúm, đậu mùa, thủy đậu, viêm gan B, C thường gây ra bởi virus, nên việc dùng thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng.

Kháng sinh có “tuyệt chiêu” gì để diệt vi khuẩn?

Kháng sinh khi được sử dụng thì sẽ tìm đến vi khuẩn và tấn công chúng để kìm hãm sự sinh trưởng hoặc tiêu diệt vi khuẩn. Kháng sinh có thể tấn công vi khuẩn bằng cách sau:

1. Tấn công lớp cấu trúc bảo vệ của vi khuẩn

Kháng sinh sẽ ức chế tổng hợp vách tế bào khiến vi khuẩn không thể sản xuất được vách tế bào. Vi khuẩn mang tế bào không có vách, vừa không thể sinh sản được, vừa dễ bị tiêu diệt. Hoặc kháng sinh sẽ gây rối loạn chức năng màng tế bào của vi khuẩn. Khi màng tế bào yếu thì sẽ không bảo vệ được vi khuẩn nữa.

Hiểu một cách đơn giản, kháng sinh sẽ tấn công vào lớp áo của vi khuẩn. Vi khuẩn cũng như chúng ta vậy đó, không có quần áo để mặc hoặc quần áo quá mỏng manh chẳng đủ giữ ấm thì đương nhiên chúng sẽ phải “tém” lại, không thể “tác oai tác quái” rồi đúng không?

2. Ngăn chặn khả năng sinh sản của vi khuẩn

Kháng sinh tác động vào vật chất di truyền của vi khuẩn (bao gồm ADN và ARN). ADN không thể nhân đôi khiến tế bào của vi khuẩn không thể phân chia và tiếp tục sinh sản được.

3. Ngăn chặn sản xuất protein ở vi khuẩn

Kháng sinh tác động vào Ribosom làm ức chế quá trình sinh tổng hợp protein của vi khuẩn. Lúc này, các phân tử protein không được hình thành hoặc được tổng hợp nhưng mất đi hoạt tính sinh học vốn có. Thiếu đi protein, vi khuẩn không thể sinh trưởng và phát triển được. 

Nghe cũng giống như con người bị suy dinh dưỡng thì tất nhiên là yếu xìu, chẳng thể quậy phá gì rồi đúng không bạn?

Lưu ý

Kháng sinh không hề làm việc “đa-zi-năng” đâu. Mỗi loại kháng sinh chỉ tác động lên một vị trí nhất định trong thành phần cấu tạo của vi khuẩn và ảnh hưởng đến một khâu nhất định trong các phản ứng sinh học khác nhau của tế bào vi khuẩn mà thôi.

Nếu không có kháng sinh, thế giới này đã có thể rất khác đó bạn. Tỉ lệ tử vong vì bệnh do vi khuẩn gây ra sẽ nhiều hơn, ngay cả một vết thương nhỏ cũng có thể dẫn đến chết người vì nhiễm trùng.

Bạn thấy kháng sinh thần kỳ và cần thiết thế nào cho cuộc sống của chúng ta chưa? Tuy vậy, khi sử dụng kháng sinh, chúng ta cần tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ, bạn nhé!

Những thông tin trên nằm trong dự án Công tắc khoa học. Đây là dự án được thực hiện bởi Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford - OUCRU; Công ty Bayer Việt Nam và Ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ của báo Tuổi Trẻ.

Công tắc Khoa học sẽ giúp bạn tiếp cận những kiến thức khoa học với góc nhìn gần gũi, sinh động, hài hước, dễ hiểu.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: