10 dấu hiệu cho biết bạn nghiện mạng xã hội và cách hóa giải

Thứ bảy, 15/06/2024 09:00 (GMT+7)

Nhiều bạn có thể không ăn sáng, không ngủ trưa nhưng không thể không lướt TikTok, Facebook, YouTube...Đó là hội chứng nghiện mạng xã hội.

10 dấu hiệu cho biết bạn nghiện mạng xã hội và cách hóa giải- Ảnh 1.

Nhiều bạn vừa ăn cơm vừa lướt mạng - đó là biểu hiện nghiện mạng xã hội - Tranh minh họa được thực hiện bằng AI

Dần dần, các bạn trở nên phụ thuộc vào các thiết bị điện tử này. Nếu không được sử dụng, có bạn cảm thấy bứt rứt, khó chịu, đứng ngồi không yên. Bạn đã nghiện mạng xã hội nặng, trở thành “nô lệ” của nó lúc nào không hay.

Hậu quả của nghiện mạng xã hội, nghiện game

Các nhà khoa học cảnh báo rằng nghiện mạng xã hội và nghiện game là một chứng nghiện khó cai và khó điều trị vì nó được hình thành từ thói quen sử dụng thiết bị điện tử không hợp lý trong một thời gian dài.

Nghiện mạng xã hội và game online là tình trạng người chơi dành quá nhiều thời gian sử dụng các ứng dụng này, cảm giác khó chịu không yên khi không được sử dụng. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều khía cạnh trong cuộc sống hàng ngày cũng như ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất, tinh thần của chúng ta.

• Ở mức độ nhẹ thì bỏ ăn uống, rối loạn giấc ngủ, thị lực suy giảm, học hành sa sút.

• Mức độ nặng hơn thì trở nên gắt gỏng, cáu bẳn, nổi nóng hoặc đờ đẫn.

• Nghiêm trọng hơn nữa là trầm cảm, loạn thần, bị ảo giác chi phối, không kiểm soát được hành vi, lời nói của mình. Nhiều vụ trộm cắp, cướp giật, cố ý gây thương tích đều xuất phát từ mong muốn có tiền chơi game hoặc do bắt chước làm theo nhân vật trên game, trên mạng xã hội.

• Đặc biệt, việc đắm chìm trong thế giới ảo quá nhiều sẽ khiến bạn tách biệt với thế giới thực, giảm tương tác xã hội. Ngoài ra, tính cách của bạn có thể dần bị ảnh hưởng theo nhân vật game hoặc vô thức bắt chước lời nói, điệu bộ của những người chúng ta hay theo dõi trên mạng xã hội.

Có không ít “game thủ” đã bị đột quỵ ngay trên bàn chơi game vì chơi liên tục nhiều ngày liền mà không nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý.

10 dấu hiện của nghiện mạng xã hội, nghiện game

Nếu bạn có từ 2 dấu hiệu trong số 10 dấu hiệu sau đây trở lên thì bạn có thể trở thành “con nghiện” mạng xã hội, game online rồi đấy:

1. Việc làm đầu tiên của bạn sau khi thức dậy là kiểm tra mạng xã hội, tài khoản game online.

2. Khi ăn cơm hoặc đi vệ sinh, bạn cũng cầm theo điện thoại. Trước khi đi ngủ cũng phải dùng điện thoại.

3. Bạn cảm thấy bứt rứt khó chịu khi không được sử dụng mạng xã hội hay chơi game online.

4. Bạn truy cập mạng xã hội với tần suất vài phút một lần; thường xuyên kiểm tra tin nhắn, bình luận, lượt thích của hình ảnh, video, trạng thái vừa đăng lên mạng xã hội; cảm thấy buồn khi không có ai bình luận về cập nhật của bạn trên mạng xã hội, không đạt lượt thích như mong đợi.

5. Bạn vào mạng xã hội hoặc chơi game liên tục không nghỉ từ 3 giờ/ngày trở lên và có xu hướng muốn tăng thêm thời gian sử dụng.

6. Bạn không kiểm soát được thời gian vào mạng xã hội hoặc chơi game (dù muốn chơi với khoảng thời gian ít hơn nhưng không thể làm được theo ý muốn đó).

7. Bạn không duy trì được chế độ sinh hoạt điều độ hàng ngày, ăn ngủ thất thường, vệ sinh cá nhân cũng không thực hiện vì còn mải chơi game, vào mạng xã hội.

8. Bạn không quan tâm đến công việc hay thú vui nào khác ngoài việc chơi game hoặc vào mạng xã hội, bỏ bê mối quan hệ xung quanh như gia đình và bạn bè.

9. Bạn lơ là, xao nhãng việc học tập, không cảm thấy hứng thú với việc học và không tập trung học. Trong giờ học, bạn vẫn lén vào mạng xã hội hoặc chơi game. Bạn không làm bài tập về nhà, thậm chí trốn học để chơi game. Kết quả học tập sa sút, yếu kém.

10. Khi có một cảm xúc khó chịu hoặc gặp phải tình huống không hay, bạn thường chơi game hoặc xem thông tin mạng xã hội để che giấu đi những cảm xúc này. Bạn đắm chìm vào thế giới ảo trong game và trên mạng xã hội để không phải đối diện với những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống.

Làm thế nào để không bị nghiện mạng xã hội, nghiện game?

10 dấu hiệu cho biết bạn nghiện mạng xã hội và cách hóa giải- Ảnh 3.

Dành thời gian tương tác với mọi người hoặc tập thể dục là một trong những cách để “cai” mạng xã hội và game - Tranh minh họa được thực hiện bằng AI

Để không biến mình trở thành “nô lệ” của smartphone, bạn hãy:

1. Lập một kế hoạch sinh hoạt và học tập khoa học. Ngoài thời gian sử dụng internet vào mục đích học tập, bạn không nên vào mạng quá 2 giờ/ ngày.

2. Không tự lập tài khoản mạng xã hội riêng khi bạn chưa đủ tuổi. Đa phần các mạng xã hội hiện nay yêu cầu người dùng phải từ đủ 13 tuổi trở lên mới được phép lập tài khoản.

3. Tự đặt một số quy tắc và tự giác thực hiện, như: không sử dụng thiết bị điện tử khi ăn, khi đi vệ sinh, khi chuẩn bị đi ngủ; không sử dụng điện thoại khi đang nói chuyện với người khác.

4. Lựa chọn trò chơi và thông tin phù hợp với lứa tuổi.

5. Rèn thói quen đọc sách giấy thay vì xem video trên mạng xã hội hoặc chơi game.

6. Dành ít nhất 30 phút/ngày để tập thể dục hoặc chơi môn thể thao bạn yêu thích.

7. Tham gia các hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ sở thích, các trò chơi vận động.

8. Gặp gỡ, trò chuyện với bạn bè ngoài đời thực.

Bạn hãy luôn tự nhủ rằng: Thế giới game và mạng xã hội tuy hấp dẫn nhưng đó chỉ là thế giới ảo. Nó sẽ lôi bạn xuống vực thẳm nếu bạn không biết cách sử dụng thông minh và an toàn. Hãy dành thời gian sống hết mình trong thế giới thực - nơi có gia đình, thầy cô, bạn bè luôn yêu thương và đồng hành cùng chúng ta!

Ths. NGUYỄN HẢI ANH - Chuyên gia về bảo vệ trẻ em, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD).

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: