4 phương pháp học giúp bạn giảm bớt áp lực mùa thi

Thứ bảy, 11/05/2024 09:57 (GMT+7)

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 (2024 - 2025) và kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2024 đang đến gần. Nếu bạn cảm thấy quá áp lực khi ôn luyện, hãy thử áp dụng những phương pháp dưới đây nhé!

4 phương pháp học giúp bạn giảm bớt áp lực mùa thi- Ảnh 1.

Bước vào mùa thi cử, nhiều teen cảm thấy quá tải, sức khỏe thể chất và tinh thần đều giảm sút - Tranh minh họa bởi AI.

Ma trận Eisenhower - phương pháp học giúp bạn quản lý thời gian hiệu quả

Ma trận này được đặt tên theo tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower. Đây là phương pháp quản lý thời gian hiệu quả bằng cách dựa trên tiêu chí khẩn cấp và độ quan trọng.

Để áp dụng ma trận Eisenhower, bạn chỉ cần:

- Lập danh sách việc cần làm. Hãy ghi lại tất cả các công việc, nhiệm vụ hoặc mục tiêu bạn cần hoàn thành trước khi chính thức bước vào kỳ thi.

- Xếp những việc cần làm trong danh sách vào 4 góc phần tư.

1. Góc phần tư thứ nhất (màu đỏ) - tập hợp những việc khẩn cấp và quan trọng

Góc phần tư này chứa những việc cần "giải quyết ngay", thường chiếm 15 - 20% quỹ thời gian. Nếu không làm những việc trong góc này, bạn sẽ nhận về hậu quả rõ ràng và ảnh hưởng đến mục tiêu dài hạn. Ví dụ: ôn tập để thi đánh giá năng lực, điền hồ sơ thi...

2. Góc phần tư thứ hai (màu xanh dương) - tập hợp những việc quan trọng, không khẩn cấp

Góc phần tư này chứa những việc cần "sắp xếp lịch trình", chiếm khoảng 60 - 65% thời gian. Những nhiệm vụ trong góc này ảnh hưởng đến mục tiêu dài hạn nhưng không cần bạn phải thực hiện ngay. Ví dụ: giải đề thi thử các môn Toán, Văn, Anh...

3. Góc phần tư thứ ba (màu xanh lá cây) - tập hợp những việc khẩn cấp nhưng không quan trọng

Góc phần tư này chứa những việc có thể "ủy thác", chiếm 10 - 15% quỹ thời gian để hoàn thành. Những nhiệm vụ trong góc này không ảnh hưởng đến mục tiêu dài hạn. Ví dụ: săn vé giá rẻ để du lịch sau khi thi xong...

4. Góc phần tư thứ tư (màu vàng) - tập hợp những việc không khẩn cấp, không quan trọng

Những nhiệm vụ trong góc này thậm chí có thể cản trở việc hoàn thành mục tiêu của bạn, vì vậy chúng có thể được "xóa bỏ", hoặc chỉ nên chiếm 5% quỹ thời gian. Ví dụ: lướt mạng xã hội, tụ tập tán gẫu...

4 phương pháp học giúp bạn giảm bớt áp lực mùa thi- Ảnh 3.

Bạn có thể thử xây dựng một ma trận Eisenhower cho riêng mình - Ảnh: ĐHT

Kỹ thuật Pomodoro - phương pháp giúp bạn chống lại sự xao nhãng, gián đoạn

Phương pháp quản lý thời gian Pomodoro (Pomodoro Technique) được sáng tạo và phát triển bởi Francesco Cirillo.

Trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm kỹ thuật, Francesco Cirillo sử dụng một kiểu đồng hồ có hình dạng quả cà chua. Sau khi thành công, ông dùng luôn cụm từ "Pomodoro" để đặt tên cho kỹ thuật này.

Để áp dụng kỹ thuật Pomodoro, bạn cần thực hiện các bước sau:

- Bước 1: Chọn một công việc bất kỳ mà bạn cần làm. Dù là việc to hay việc nhỏ, bạn cũng nên dành trọn sự tập trung và năng lượng để làm nó. Ví dụ: trong ngày hôm nay, bạn sẽ giải hết đề thi thử môn tiếng Anh.

- Bước 2: Đặt báo thức với khoảng thời từ 20 - 25 phút (tương đương với 1 Pomodoro). Bạn có thể sử dụng bất kỳ loại đồng hồ báo thức nào, không nhất thiết phải là đồng hồ hình quả cà chua.

- Bước 3: Tập trung làm việc (giải đề) trong khoảng thời gian quy định. Tuyệt đối không để ngoại cảnh tác động đến bản thân, trừ trường hợp khẩn cấp hoặc nguy hiểm.

- Bước 4: Khi hoàn thành 1 Pomodoro, bạn hãy nghỉ ngơi trong 5 phút và học cách tận hưởng khoảng thời gian quý giá này. Bạn có thể uống nước, ăn chút đồ lót dạ, đi bộ một vòng hoặc nghe một bản nhạc.

- Bước 5: Quay lại thực hiện Pomodoro tiếp theo. Sau khi thực hiện thành công 4 Pomodoro, bạn có thể nghỉ dài hơn (từ 10 đến 30 phút tùy vào tình trạng mỗi người).

Có 2 điều bạn phải lưu ý: Một, không có cái gọi là một nửa hay 80% Pomodoro, chỉ có 1 Pomodoro hoàn chỉnh mà thôi. Hai, bạn phải nghỉ ngơi sau khi hoàn thành 1 Pomodoro, đừng cố "lấn" sang Pomodoro tiếp theo.

4 phương pháp học giúp bạn giảm bớt áp lực mùa thi- Ảnh 4.

Thử áp dụng kỹ thuật Pomodoro để chống lại sự gián đoạn nhé! - Ảnh: ĐHT

Phương pháp Kaizen - giúp bạn tiến bộ từ những thay đổi nhỏ nhất

Kaizen là phương pháp quản lý xuất phát từ Nhật Bản, có nghĩa là "cải tiến liên tục" mọi khía cạnh của công việc và tổ chức.

Để áp dụng phương pháp Kaizen, bạn có thể thực hiện theo trình tự sau:

- Giai đoạn đầu tiên: tìm hiểu thực trạng, xác định nguyên nhân gốc rễ. Ví dụ: bạn có thói quen ngủ dậy muộn, nhưng lịch thi sắp tới đòi hỏi bạn phải dậy sớm để di chuyển (vì nhà xa địa điểm thi). Nguyên nhân ngủ dậy muộn bắt nguồn từ việc bạn hay xem phim đến 1, 2 giờ sáng.

- Giai đoạn thứ hai: xây dựng kết hoạch hành động và thực hiện bước Kaizen đầu tiên. Ví dụ: tập thói quen đi ngủ sớm, thức dậy sớm từ bây giờ đến lúc thi chính thức. Từ ngày mai, bạn sẽ đi ngủ trước 23h và thức dậy lúc 5h30.

- Giai đoạn thứ ba: chia nhỏ hành động. Ngủ trước 11 giờ và thức dậy lúc 5h30 tạm xem là mục tiêu dài hạn. Trước mắt, bạn phải tập đi ngủ sớm hơn 10 - 15 phút so với khung giờ hiện tại. Bước Kaizen đầu tiên phải nhỏ đến mức hầu như bạn không nhận thấy bất kỳ sự khác biệt nào, có như thế bạn mới không áp lực.

- Giai đoạn thứ tư: theo dõi thói quen một cách chặt chẽ và xem xét sự tiến bộ thường xuyên. Sau một tuần, hãy để ý xem mình đi ngủ và thức dậy lúc mấy giờ nhé.

Lưu ý: Phương pháp Kaizen được cá nhân hóa để thay đổi suốt đời, tùy hoàn cảnh của mỗi người. Đừng ép mình theo khuôn khổ của người khác, cũng đừng thất vọng nếu bản thân tiến bộ quá chậm nhé!

4 phương pháp học giúp bạn giảm bớt áp lực mùa thi- Ảnh 5.

Hãy trân trọng những tiến bộ của bạn thân, dù chỉ là tiến bộ nhỏ - Tranh minh họa bởi AI

Phương pháp Kanban cá nhân - giúp bạn quản lý các việc cần làm

Ý tưởng Kanban cá nhân (Personal Kanban) được hình thành bởi Jim Benson và Tonianne DeMaria Barry. Đây là một hệ thống đơn giản giúp bạn quản lý công việc cần làm.

Phương pháp Kanban cá nhân giúp bạn tránh làm quá nhiều việc cùng lúc, có cái nhìn nhanh chóng, trực quan đối với công việc của mình.

Phương pháp Kanban có hai nguyên tắc chính: trực quan hóa công việc và giới hạn khối lượng công việc đang làm.

Bạn có thể bắt đầu áp dụng Kanban cá nhân theo cách sau: sắp xếp danh sách công việc vào "bảng công việc cá nhân", đặt nó ở nơi dễ thấy, tốt nhất là ngay bàn học. Tổ chức danh sách đó thành 3 cột: "TO DO", "DOING" và "DONE".

4 phương pháp học giúp bạn giảm bớt áp lực mùa thi- Ảnh 6.

Bạn có thể mua một tấm bảng nhỏ, dán những tờ giấy ghi chú lên để dễ di chuyển giữa các cột - Ảnh: ĐHT

- Cột "TO DO" chứa tất cả những công việc bạn dự định làm trong tuần này. Ví dụ: giải 60 câu trắc nghiệm Toán, viết một bài nghị luận xã hội, học 20 từ vựng tiếng Anh. Khi bắt đầu thực hiện việc gì đó, bạn kéo nó sang cột "DOING". Nhớ ghi chú thời điểm bắt đầu nhé!

- Cột "DOING" chính là việc bạn đang thực hiện tại thời điểm hiện tại.

- Khi làm xong việc, bạn kéo nó sang cột "DONE", nhớ ghi chú ngày giờ kết thúc để dễ đánh giá về sau.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: