Hồi hộp bất an do thi cử căng thẳng, cơ thể mệt mỏi phải làm sao?

Thứ năm, 04/01/2024 21:18 (GMT+7)

Khi căng thẳng thi cử, làm việc nặng quá sức, cơ thể mệt mỏi, gặp các biến động lớn về tâm lý… tụi mình thường có cảm giác hồi hộp, bất an.

Hồi hộp gây nhiều phiền toái cho tụi mình, chưa kể dễ nhầm lẫn với những bệnh khác, nhất là bệnh tim.

Triệu chứng của hồi hộp

Hồi hộp là cảm giác khi tim đập khác thường, đa phần là nhịp tim nhanh. Dễ hiểu thì nhịp tim nhanh sinh ra hồi hộp.

Ngoài nhịp tim lộn xộn, hồi hộp có thể có thêm chóng mặt, thở dốc, đổ mồ hôi, hoảng hốt, căng cơ, thậm chí ngất xỉu...

Hồi hộp bất an do thi cử căng thẳng, cơ thể mệt mỏi phải làm sao?- Ảnh 1.

Khi hồi hộp, tim bạn sẽ đập nhịp khác thường - Minh họa: FREEPIK

Tim đánh lô tô do đâu?

Thành phần gây rối nhịp tim nhiều vô kể, được chia thành hai nhóm:

* Không do tim: Căng thẳng, vận động quá sức, nội tiết (kinh nguyệt, thai nghén), sốt, mất máu, cường giáp, trào ngược dạ dày thực quản, kích thích (rượu, thuốc lá, cocaine, amphetamine), hạ đường huyết, thuốc (kháng sinh, huyết áp, hen suyễn, tuyến giáp...) và chứng rối loạn lo âu.

* Do tim: Rung nhĩ, nhịp nhanh thất, ngoại tâm thu thất, rối loạn thần kinh tim... Tựu trung mọi bệnh tình của tim đều sinh ra nhịp tim bất ổn.

Phân biệt dựa trên yếu tố “không do tim” và “do tim” phần nào giúp phân định độ nguy hiểm của hồi hộp. Phần lớn những hồi hộp không do tim gây ra thường không đáng lo.

Căng thẳng, lo lắng là nguyên nhân hàng đầu gây ra hồi hộp. Căng thẳng được cơ thể xem như một cuộc tấn công. 

Khi đó, cơ thể sẽ kích hoạt đối phó, trong đó có lệnh cho tim tăng co bóp, tăng nhịp nhằm nhanh đưa máu đến các tuyến đầu. Cơ chế này giải thích cho hầu hết những nguyên nhân sinh ra hồi hộp.

Phân biệt hồi hộp và phát hoảng

Hoảng hốt sinh hồi hộp, nhưng hồi hộp lại gây hoảng hốt. Nhiều bạn hoảng hốt vì cảm thấy trống ngực đập liên hồi, thở gấp, nhói ngực, lo mình mắc bệnh tim.

Hồi hộp đa phần không có hại, nhưng “tác dụng phụ” này lại khiến nó làm hỏng việc. Ví dụ như cơn hồi hộp trước giờ thi: sự lo lắng khiến tim đập nhanh, rồi đến lượt trống ngực đánh khiến sĩ tử bị phân tâm, trí não cứng đờ, tay chân run rẩy, từ đó dẫn đến cái kết là không làm tốt bài thi.

Nhìn ra điểm này sẽ giúp teen tránh bị hồi hộp hù dọa quá mức, nhất là tránh được hậu quả từ nó. Hồi hộp mất kiểm soát có thể gây nguy hiểm nhất là lúc chạy xe, làm việc với độ cao, nhiệt, điện...

Hồi hộp có nặng có nhẹ

Đa phần hồi hộp không gây hại, không di chứng, tuy nhiên bạn cần phải nhìn ra độ nặng nhẹ của nó.

Nếu hồi hộp kéo dài vô cớ kèm theo khó thở, hụt hơi, đau ngực, choáng váng, ngất xỉu... là dấu hiệu cảnh báo cho thấy quả tim bạn đang bất ổn. Lúc này bạn cần phải gặp ngay bác sĩ.

Phân biệt hồi hộp và rối loạn lo âu

Cũng cần phân biệt giữa hồi hộp và rối loạn lo âu (anxiety disorder). Rối loạn lo âu là một rối loạn tâm lý mà lo âu đạt đỉnh điểm.

Chứng rối loạn lo âu khiến cơn hồi hộp nặng nề hơn. Nếu không phân biệt đúng, chẩn đoán nhầm sẽ khiến rối loạn lo âu chậm được điều trị có thể gây hậu quả khó lường.

May là phân biệt hai kiểu lo âu này không khó: rối loạn lo âu là kiểu lo mãn tính, lo bóng lo gió không cần lý do.

Ngăn chặn cơn hồi hộp

Điều trị thường chỉ được tính đến với các cơn hồi hộp có bệnh, nhất là bệnh tim, còn lại đa phần chỉ cần xử trí tối thiểu. Chỉ cần thay đổi lối sống, phòng ngừa là được.

Nếu xác định con tim không có lỗi (đo điện tâm đồ, siêu âm tim bình thường) thì đối phó với hồi hộp không khó:

* Xử trí tức thì (hữu ích với sĩ tử teen):

- Ho mạnh, rửa mặt nước lạnh, hít thở sâu (hít vào chậm giữ 3 - 5 giây, thở ra từ từ 5 - 8 giây), nghiệm pháp valsalva (bịt tai, ngậm miệng, ép hơi ra mạnh nhưng không cho hơi ra). Valsalva có thể nguy hiểm với người bệnh tim sẵn, tốt nhất không rành thì không làm.

- Tổ chức lại lối sống.

* Tinh thần lạc quan, thư giãn tối đa, nói không stress.

* Tự chủ với giao tiếp xã hội, mạng xã hội, thế giới kỹ thuật số.

* Ăn uống: hoa quả, rau xanh, vitamin, khoáng chất và chất xơ. Tránh muối, đồ ngọt, đồ lên men, thực phẩm chế biến sẵn.

* Không dùng chất kích thích (bia rượu, thuốc lá...).

* Không thức khuya, ngủ đủ, dứt điểm khó ngủ, ngủ ngáy, chứng ngưng thở lúc ngủ.

* Thể dục thể thao: đi bộ, xe đạp, yoga...

Một số thuốc có thể giúp nhịp tim trở về bình thường. Một số trường hợp bị chứng hồi hộp quá nặng, mà lại gặp phải những kỳ thi quan trọng teen có thể tạm dùng thuốc, tuy nhiên phải có hướng dẫn của bác sĩ.


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: