Ấm áp mô hình cơm treo của chủ quán 2k1 ở Hóc Môn

Thứ năm, 30/05/2024 21:10 (GMT+7)

Sau khi khởi nghiệp với quán cơm tấm, bạn Thành Công (sinh năm 2001, huyện Hóc Môn) còn triển khai mô hình 'cơm treo' nghĩa tình.

Thành Công và thùng cơm treo đặt trước quán cơm tấm của mình - Ảnh: NGỌC NGÂN

Thành Công và thùng cơm treo đặt trước quán cơm tấm của mình - Ảnh: NGỌC NGÂN.

Khởi nghiệp kết hợp khởi tâm

Trước cửa quán cơm tấm Thanh Niên tại đường Nguyễn Ảnh Thủ (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) có một chiếc thùng giữ nhiệt màu đỏ chứa những hộp cơm sườn nóng hổi. Bên trên thùng là dòng chữ: "Cơm treo" gửi đến cô chú khó khăn, mở lên nếu có hãy lấy một phần.

Như vậy người già neo đơn, trẻ em bán vé số hay bất kì ai khó khăn đều có thể ghé vào lấy một phần cơm miễn phí tại đây. Đó là mô hình "cơm treo" của bạn Thành Công. Bạn cũng chính là chủ nhân của tiệm cơm tấm Thanh Niên này.

Năm 2023, Thành Công cùng một người bạn kết hợp mở quán cơm tấm. Quán cơm được đặt tên là Thanh Niên theo đúng như tinh thần tuổi trẻ của cả hai.

Không chỉ khát khao khởi nghiệp với quán cơm. Thành Công còn mong muốn sử dụng sức trẻ của mình để giúp đỡ những người yếu thế khó khăn hơn nhưng chưa biết sẽ làm gì.

Ấm áp mô hình cơm treo của chủ quán 2k1 ở Hóc Môn- Ảnh 2.

Thành Công khởi nghiệp với quán cơm tấm - Ảnh: NGỌC NGÂN.

Tháng 4 vừa qua Thành Công biết đến mô hình "cà phê treo". Với ý tưởng này Công mạnh dạn triển khai mô hình "cơm treo" ngay tại quán cơm của mình.

"Cơm treo" hoặc "cà phê treo" là hình thức khách đến quán ăn hoặc uống có thể trả tiền dư cho một phần hoặc nhiều phần ăn. Chủ quán có thể giữ phần tiền đó lại để gửi tặng các suất ăn hoặc uống cho những người khó khăn đến sau.

Thành Công chia sẻ: "Nguyên thuỷ của hình thức này, khi ai khó khăn đến quán và hỏi ở đây có phần 'cơm treo' nào không. Nếu có quán mới làm và gửi tặng họ.

Nhưng mình sợ cô chú ngại không dám vào hỏi nên mình chủ động làm sẵn các phần 'cơm treo' và đặt trước quán. Ai cần, nhìn thấy sẽ ghé vào lấy".

Cơm treo chỉn chu từ hình thức đến giá cả

Để các phần "cơm treo" nóng sốt ngon miệng hơn, Thành Công chủ động chuẩn bị sẵn thùng giữ nhiệt thật sạch sẽ và bỏ vào. Trong quán Công cũng khéo léo treo thêm một tấm bảng nhỏ với nội dung: "Đêm nay các em và cô chú khó khăn sẽ không sợ đói nữa vì đã có phần cơm treo của bạn" để kêu gọi mọi người cùng góp sức tặng cơm treo.

Vì hình thức "cơm treo" chỉ mới được Công triển khai khoảng một tháng gần đây, còn nhiều mới lạ, chưa được nhiều người biết đến nên đôi khi các suất cơm treo khách tặng còn ít.

"Có ngày mình nhận được 5, 6 phần cơm treo của khách. Có ngày hơn 10 phần thậm chí có ngày gần 20 phần, nhưng cũng có ngày không có. Dù nhận nhiều hay ít nhưng mỗi ngày quán Thanh Niên cũng tự bỏ vào 7 phần để tặng cho bà con khó khăn", Thành Công chia sẻ.

Ấm áp mô hình cơm treo của chủ quán 2k1 ở Hóc Môn- Ảnh 4.

Mỗi ngày Công cũng sẽ tự chuẩn bị 7 phần cơm để tặng cô chú khó khăn - Ảnh: NVCC.

Công cho biết thêm, trước khi mở ra mô hình "cơm treo", quán cơm Thanh Niên cũng đã trích ra khoảng 6, 7 phần cơm mỗi ngày để tặng. Đây không phải là những phần cơm bán còn dư, tất cả đều làm cơm nóng hổi đúng như các suất cơm bán cho khách.

Thành Công nhớ lại: "Ngày xưa khi đứng bán cơm, thấy cô chú bán vé số, nhặt ve chai đi ngang, mình hay hỏi cô chú ăn cơm không, quán mời. Bây giờ có mô hình 'cơm treo' rồi nên quán để sẵn cơm vào thùng luôn".

Thêm một điều đặc biệt, các phần cơm Công bán cho khách ăn thường có giá 35 đến 50 ngàn đồng. Tuy nhiên mỗi suất "cơm treo" Công chỉ lấy giá vốn 20 ngàn đồng. Tuy không lời nhưng Công mong muốn lan toả để mọi người góp sức cho "cơm treo" nhiều hơn.

Ấm áp mô hình cơm treo của chủ quán 2k1 ở Hóc Môn- Ảnh 5.

Các cô chú khó khăn có thể đến lấy "cơm treo" - Ảnh: NGỌC NGÂN.

Công nhớ lại quán có một vị khách quen, đó là bà lão bán vé số bị liệt tay. Trước đó bà từng bị nhiều quán ăn xua đuổi, không cho người bán vé số vào. Khi đến quán Thanh Niên, bà chần chừ trước thùng "cơm treo".

Thấy vậy Công bước ra giải thích và gửi tặng bà ngay một phần. Vì biết bà liệt một tay nên việc mở hộp cơm sẽ khó khăn hơn. Những lần sau bà đến quán, Công chủ động làm sẵn một đĩa cơm để bà ăn ngay tại chỗ.

"Hiện nay có khoảng 4, 5 cô chú lớn tuổi quen mặt mỗi ngày đến để nhận 'cơm treo'. Có em nhỏ thèm cơm tấm đã lâu nhưng không dám xin phụ huynh mua. Nhờ có các suất 'cơm treo' này mà em mới được ăn một phần cơm đủ đầy, đã thèm. Mình hi vọng mô hình cơm treo này sẽ được nhân rộng ở nhiều nơi", Thành công chia sẻ.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: