Ăn rau sống, thức ăn lề đường khiến teen có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng nào?

Thứ sáu, 22/11/2024 18:16 (GMT+7)

Thanh thiếu niên là đối tượng nguy cơ hàng đầu với giun sán. Chúng là ký sinh trùng sống nhờ vào cơ thể vật chủ để lấy dinh dưỡng, thậm chí gây hại cho vật chủ.

Ăn rau sống, thức ăn lề đường khiến teen có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng nào?- Ảnh 1.

Nhiễm giun sán khiến teen luôn cảm thấy mỏi mệt, mất ngủ... - Minh họa do AI thực hiện

Trong số giun sán thịnh hành như giun tròn (giun đũa/tóc/kim/ móc) và sán (dây/lá gan/lá phổi) thì bộ ba giun đũa, giun kim và giun móc “ưu ái” tuổi mới lớn hơn cả.

3 đường đi chủ yếu của giun sán

Giun sán chui vào vật chủ “ăn chực” qua 3 đường: tiêu hóa (thức ăn hay uống nước nhiễm giun hoặc trứng, ăn sống), qua da (giun móc chui qua da chân) và trực tiếp (tay dính giun kim và đưa lên miệng).

Tuổi mới lớn dễ bị giun sán “ghé thăm” do thói quen ăn quà vặt, ăn quán xá đường phố, vệ sinh cá nhân kém, chân trần và tiếp xúc tập thể. Những bạn bị dính sán lãi dễ bị dị nghị là ở dơ, kém vệ sinh. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, cả khi bạn siêu sạch sẽ nhưng có thói quen ăn đồ sống thì vẫn không thoát.

Triệu chứng báo hiệu giun sán đã “ghé thăm”

Khi lọt vào được vật chủ, giun sán (tùy loại) sẽ “tự giới thiệu” qua các triệu chứng: tiêu hóa (đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón), ngứa hậu môn (giun kim), chán ăn và sụt cân (giun đũa “trấn lột” dinh dưỡng), thiếu máu (giun tóc, giun móc), ho và khó thở (ấu trùng giun đi lạc lên phổi...).

Những triệu chứng này nặng nhẹ tùy số lượng và thời gian cư trú của giun trong cơ thể. Trong giai đoạn “chân ướt chân ráo” giun mới vào, các triệu chứng thường mờ nhạt.

Từ khó chịu đến đổ bệnh

Khi chúng ta bị đám “khách trọ” xấu tính này làm phiền, nhẹ thì gây khó chịu, nặng thì làm tổn hại sức khỏe, có khi nghiêm trọng.

Riêng tuổi teen, “thiệt hại” do đám giun đũa, giun kim gây ra thường là: suy dinh dưỡng, thiếu máu, chậm phát triển, mất giấc ngủ (ngứa) và hành vi (khó chịu, cáu gắt), giảm miễn dịch và cả những tổn hại do giun/trứng/ ấu trùng đi lạc (tắc ruột, tắc mật, viêm gan, tổn thương và viêm phổi, viêm não, suy kiệt, thiếu máu trầm trọng, chậm phát triển...).

Nhiễm giun sán có thể “bé xé ra to” từ thể chất đến tinh thần, kể cả tử vong.

Nhận diện và phát hiện

Ngoài nhận diện qua triệu chứng thì giun sán còn có thể bị “tóm cổ” qua xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, siêu âm, X quang. Nhiều teen tá hỏa khi biết bị giun “xâm nhập bất hợp pháp” qua một xét nghiệm tình cờ.

Tiễn khách không mời

Điều trị giun sán tập trung vào các loại thuốc tẩy giun (Albendazole, Mebendazole, Praziquantel). Bởi vì tính “đại trà” của giun sán nên thuốc tẩy giun còn được dùng định kỳ 6 tháng/lần, nhất là đối tượng nguy cơ cao.

Tẩy giun theo lịch còn ngắt mức tích lũy của giun sán, qua đó giảm nhẹ triệu chứng và biến chứng nặng. Người ta gọi vui tẩy giun định kỳ là “chích ngừa giun sán”. Ngoài thuốc, bạn còn cần bù đắp dinh dưỡng, thiếu máu, vệ sinh cá nhân tốt...

Phòng giun hơn chữa giun

Với giun sán thì quan trọng nhất vẫn là “phòng giun hơn chữa giun”. Dựa theo các đường đột nhập của giun sán, kế hoạch phòng ngừa cơ bản gồm:

* Giữ vệ sinh cá nhân (rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh), cắt móng tay (trứng giun hay ẩn náu), quần áo sạch và thay đồ lót hàng ngày (chặn giun kim).

* Ăn uống vệ sinh: Nói không với rau sống hoặc mọi thực phẩm chưa nấu chín, nước chưa qua xử lý, hàng quán kém vệ sinh, tránh tiếp xúc đất bẩn (giày dép, rửa tay và chân), xét nghiệm giun và tẩy giun định kỳ. Trong đó, tẩy giun thường kỳ phải đặt hẳn lên hàng đầu.

Xem qua “chương trình hành động” này có thể nhận ra phòng giun sán không quá khó, trong đó “vệ sinh tốt” là từ khóa chủ chốt. Thực tế thì nắm thóp được đường xâm nhập là ngừa được đám ký sinh xấu bụng này.

Nhắc lại, giun sán không chỉ lẻn vào đường ăn uống mà còn qua da và qua tiếp xúc cận kề.

Những hiểu lầm tai hại về giun sán

Quanh đám giun sán xuất hiện nhiều nhầm lẫn, có khi buồn cười và khá tai hại.

* Đầu tiên, nhiễm giun sán không chỉ do “ăn ở kém vệ sinh”, không phải “bệnh thường quy” của người ở nông thôn. Thực tế, bệnh ký sinh trùng này không “chê” dân thành phố, thậm chí giới thượng lưu.

* Ngộ nhận “người lớn không cần tẩy giun, chỉ trẻ em mới dễ nhiễm”.

* Hiểu sai “chỉ cần tẩy giun một lần là đủ” mở đường đám giun sán tác oai tái quái.

* Sau cùng ngộ nhận chết người “giun sán không quá nguy hiểm”.


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: