Cần làm gì ngay khi bị đau họng, khô môi, sưng móng?

Thứ bảy, 16/11/2024 10:18 (GMT+7)

Đau họng viêm rát khó chịu, môi bị bong tróc nứt nẻ dù uống nhiều nước; móng bị sưng khiến đi lại khó khăn… là những phiền toái mà teen thỉnh thoảng hay gặp.

Cần làm gì ngay khi bị đau họng, khô môi, sưng móng?- Ảnh 1.

Minh họa do AI thực hiện

Hỏi: Mỗi lần mình uống món gì có đá, ba mẹ lại la mình uống đá lạnh sẽ bị đau họng dẫn đến viêm họng. Tuy nhiên, mình nghe nói chỉ là nước đá kém vệ sinh, chứ nước đá nhà làm thì không sao?

Hữu Khang (Châu Thành, Tiền Giang)

Đáp: Đá lạnh không trực tiếp gây viêm họng mà qua gián tiếp: nhiệt độ lạnh làm suy yếu miễn dịch, chống lưng cho vi khuẩn và vi rút, giảm lượng máu đến họng, qua đó đe dọa khả năng tự vệ của họng. Như vậy, yếu tố then chốt là nhiệt độ lạnh.

Đó là chưa kể, vi khuẩn hay vi rút gây viêm họng không cần phải “quá giang” đá bẩn mà đã phục sẵn xung quanh. Từ những phân tích trên thì cách phòng và chữa viêm họng có liên quan yếu tố đá lạnh đó là uống nước ấm, ăn thức ăn ấm là được.

Hỏi: Mình bị viêm họng, ho rất dữ dội, nuốt thức ăn rất đau, cổ họng rát buốt. Có cách nào làm dịu cổ họng nhanh không ạ?

Hoàng Dũng (Bình Phước)

Đáp: Viêm là thủ phạm chính gây đau rát, khó nuốt tại họng, chưa kể những thủ phạm ăn theo như: thời tiết hanh khô, không khí ô nhiễm, khói thuốc lá, tác nhân dị ứng... Ho nhiều cũng vô tình góp sức gây đau rát họng.

Theo đó, muốn chữa đau họng phải kết hợp nhiều cách, gồm giảm viêm: súc họng (bằng nước muối ấm, thuốc xịt họng, thuốc uống như paracetamol, ibuprofen), làm ẩm (uống nước ấm, trà thảo mộc, xông hơi nước nóng, máy tạo ẩm), làm trơn (kẹo ngậm dịu họng như menthol, eucalyptus, mật ong), tránh chất kích thích (thuốc lá, cồn, cà phê), đồ ăn nhẹ dễ nuốt và hạn chế nói chuyện.

Lưu ý, đây chỉ là phác đồ giảm đau rát họng, không phải toa thuốc điều trị viêm họng chính. Khi bị nặng, bạn cần thiết phải uống thêm kháng viêm, kháng sinh để hỗ trợ điều trị tốt hơn.

Hỏi: Môi mình vẫn bị khô và nứt nẻ dù uống rất nhiều nước. Điều này khiến mình khá tự ti. Liệu mình có bệnh gì không?

Khôi Nguyên (TP. HCM)

Đáp: Thủ phạm gây khô môi nhiều vô kể, không riêng gì lười uống nước bạn ạ. Hơn nữa, môi không có tuyến mồ hôi nên cấp ẩm qua thức uống không trực tiếp tới môi.

Theo đó ngừa và trị khô môi phải ra tay cùng lúc từ hai hướng: từ ngoài vào và từ trong ra. Bạn cần uống đủ nước, tránh cà phê, dưỡng ẩm môi (dầu dừa, dầu ô liu, son dưỡng môi), giữ ẩm trong nhà, bảo vệ môi khi ra ngoài (son dưỡng SPF, khăn quàng, mũ rộng vành), tránh thói quen xấu (liếm môi, nói nhiều), dinh dưỡng cân đối, bổ sung vitamin B, E, kẽm và dùng sản phẩm chăm sóc môi phù hợp...

Môi khô nứt đôi khi là sản phẩm phụ của một căn bệnh, có khi khá đáng sợ như tiểu đường, bệnh tuyến giáp, bệnh sjögren (giảm tuyến nước bọt, nước mắt), lupus, chàm, viêm da cơ địa.

Phân biệt không khó, nếu bạn đã dùng hết các chiêu kể trên mà môi vẫn khô như cũ thì nhiều khả năng đứng sau là một chứng bệnh. Lúc này, bạn phải đi khám và chữa căn bệnh ấy thì môi mới khỏi được.

Hỏi: Gót chân mình lúc nào cũng sần sùi khó coi. Mình phải thường xuyên bóc bỏ lớp da sần nhưng được một thời gian lại đâu vào đấy. Giúp mình trị với!

Thu Thủy (Tiền Giang)

Đáp: Gót chân sần sùi là tác phẩm của khô da, nấm da, áp lực (chạy nhảy nhiều), giày dép sai cỡ, bỏ bê chăm sóc da gót, thiếu vitamin A, E, khoáng chất (kẽm) và bệnh liên quan (vảy nến, tiểu đường).

So với các bộ phận khác trên cơ thể, gót chân thường bị “ngó lơ” chăm sóc nên dễ sinh bệnh. Có nhiều cách giúp gót chân “sang xịn mịn” trở lại, bắt đầu bằng việc muôn thuở là dưỡng ẩm da (kem có ure, axit salicylic, dầu dừa, dầu ô liu), loại bỏ tế bào da chết (ngâm chân nước ấm hoặc pha thêm muối epsom, kem tẩy nếu cần), đi giày dép đúng cỡ, thêm miếng lót giày để giảm chấn, mặt nạ gót chân (mật ong + đậu phộng)... Để tránh rối, bạn chỉ cần nhớ bí kíp căn cơ chống sần gót chân là làm mềm da.

Hỏi: Khóe móng mình lâu lâu lại sưng đau, mang giày dép rất khó chịu. Mình cắt hoài nhưng vẫn đau, làm sao bây giờ?

Thịnh Vinh (quận 3, TP.HCM)

Đáp: Thủ phạm số một gây sưng đau khóe móng là chứng viêm quanh móng (paronychia), sau đó là chấn thương, móng mọc ngược, nấm móng, săn sóc móng kém (chân trần, chân ướt), thiếu vitamin và khoáng chất...

Chữa khóe móng viêm thì tùy độ nặng, có thể cần tới thuốc (kháng sinh, kháng viêm, kháng nấm) cùng các phương pháp giảm nhẹ (băng tạm, nặn mủ, cắt khóe).

Giống như gót chân, móng thường bị bỏ bê, nên cần để tâm săn sóc móng từ sớm, tránh nước tới chân mới nhảy. Bạn cắt móng chân đúng cách (cắt thẳng, mài móng theo đường bo tròn), mang giày dép thoải mái, tránh móng tiếp xúc hóa chất mạnh, vệ sinh kỹ càng, đủ dinh dưỡng và khoáng chất.

Hỏi: Sau trận cảm, mình thường ho có đàm kéo dài, cổ vướng víu vô cùng khó chịu. Làm thế nào nhanh khỏi ạ?

Bảo Nhi (Tân An, Long An)

Đáp: Không chỉ cảm lạnh mà hầu hết các bệnh hô hấp đều có thể gặp tình trạng ho có đàm sau khi khỏi bệnh. Đa phần đây là triệu chứng bình thường, bởi những cơn ho lúc này nhằm loại bỏ nốt những tàn dư (tổ chức viêm, đàm, vi khuẩn) sót lại.

Ho sau khi dứt bệnh có thể do tổn thương nặng, chậm lành khiến đường hô hấp còn vướng víu. Hiếm hơn, cơn ho đàm hậu kỳ này là sản phẩm của một đợt nhiễm trùng thứ phát khác, khi cơ thể còn yếu ớt.

Hướng xử trí những cơn ho “hiệp phụ” này tùy tình hình. Nếu là tàn dư thì để yên cho cơ thể làm nốt việc, chỉ phụ thêm bằng cách uống đủ nước, giữ ẩm không khí, ngậm kẹo hoặc thuốc xịt dịu họng, súc họng, thuốc trị ho cây nhà lá vườn (mật ong, bạc hà, gừng); tránh khói thuốc, không khí ô nhiễm, vận động nhẹ.

Thuốc trị ho và loãng đàm có thể dùng nếu cơn ho gây khó chịu, nhưng với liều lượng giảm nhẹ, bởi đây chỉ là những cơn ho rơi rớt.

Hẳn nhiên, nếu cơn ho “mùa hai” này kéo dài, nặng lên và không vẻ gì là động tác làm nốt việc của cơ thể thì nên coi và điều trị chúng như một đợt bệnh hô hấp mới, tức cũng có thể phải đến cơ sở y tế gần nhất.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: