Thứ sáu, 01/12/2023 10:44 (GMT+7)

Việc đầu tiên em bé làm khi vừa được sinh ra là gì bạn biết không? Là khóc đó! Thế mà em bé lại không thể rơi nước mắt cho đến khi được khoảng 1 tháng tuổi. Vậy nên, bạn đừng ngạc nhiên khi thấy em bé nào vừa chào đời cũng gào to ơi là to nhưng tuyệt nhiên không có giọt nước mắt chảy ra!

Nước mắt từ đâu sinh ra?

Nước mắt được sinh ra từ các tuyến có hình như hạt hạnh nhân nằm dưới mi mắt, gọi là tuyến lệ.

Thực ra ta không chỉ khóc vì buồn hay vì đau đâu, nước mắt cũng sẽ rơi khi có tác nhân nào đó kích thích vào mắt như bụi, hơi cay hoặc ngáp. 

Khi đó, nước từ tuyến lệ sinh ra sẽ theo các ống dẫn nhỏ dưới mi mắt đổ vào mắt, làm ướt mắt. 

Sau đó, nước mắt sẽ đến khóe mắt và chảy vào lệ đạo nằm trong góc mắt kéo dài đến cạnh mũi. Lệ đạo gồm có lệ quản, túi lệ và kết thúc bằng ống lệ mũi. 

Sau khi nước mắt đến ống lệ mũi sẽ chảy vào họng nên đôi lúc chúng ta cảm nhận được vị của nước mắt hoặc nước nhỏ mũi. 

Nếu nước mắt nhiều quá không chảy kịp vào lệ đạo thì nó sẽ trào ra ngoài thành dòng mà chúng ta gọi là nước mắt.

Bí mật của nước mắt- Ảnh 2.

Ảnh minh họa: FREEPIK

Mang tên “nước mắt” nhưng nước không phải tất cả đâu nha. Nó chiếm phần lớn thể tích trong nước mắt nhưng vẫn còn một phần nhỏ nữa gồm muối, khoáng, dầu, một số protein và dịch nhầy đó!

Nước mắt để làm gì?

Về mặt khoa học, chúng ta sẽ luôn có một lượng nước mắt nhất định để làm cho mắt ướt, từ đó giúp nhìn thấy mọi vật. 

Lượng nước mắt này được tạo ra khi chớp mắt, vậy nên nếu bạn đọc sách hay sử dụng máy vi tính lâu thì nhớ chớp mắt thường xuyên nha. Mắt bị khô lâu ngày có thể dẫn đến mù đấy!

Ngoài ra, nước mắt còn giúp ta rửa sạch bụi, khử độc và diệt khuẩn, giữ cho đôi mắt luôn khỏe mạnh. Còn khi chúng ta buồn, khóc sẽ giúp đỡ buồn hơn vì trong nước mắt có một số enzyme làm xoa dịu nỗi buồn đó bạn.

Công tắc Khoa học sẽ giúp bạn tiếp cận những kiến thức khoa học khó nhằn với góc nhìn gần gũi, sinh động và hài hước, khiến mọi thứ trở nên dễ hiểu bất ngờ.

Dự án Công tắc Khoa học được thực hiện bởi Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford - OUCRU; Công ty Bayer Việt Nam và Ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ của báo Tuổi Trẻ.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: