Khi bị đau mắt đỏ, tuyệt đối tránh những điều này!

avatar Bác sĩ ĐỖ MINH TUẤN

Thứ tư, 27/09/2023 13:30 (GMT+7)

Theo Sở Y tế TP.HCM, những ngày gần đây, số ca đau mắt đỏ đang có chiều hướng gia tăng, nhất là ở các trường học.

Đau mắt đỏ là tên dân gian của bệnh viêm kết mạc. Có nhiều nguyên nhân gây đau mắt đỏ, từ vi khuẩn, virus đến dị ứng. Tuy nhiên, đau mắt đỏ đa phần do virus enterovirus, adenovirus. Trong đó, adenovirus là virus cảm lạnh nên đau mắt đỏ còn có biệt danh là “cảm lạnh mắt”.

Đau mắt đỏ không được điều trị đúng cách, bệnh để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Giảm khó chịu khi đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ thường tự khỏi trong 7 - 14 ngày. Lúc này, bạn chỉ cần làm cho mắt đỡ khó chịu bằng cách rửa mắt với nước muối sinh lý, nước cất, nhỏ nước mắt nhân tạo, chườm lạnh... Trong đau mắt đỏ, quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa, không cho bệnh lây lan.

Bệnh đau mắt đỏ để lại nhiều hậu quả nếu không được điều trị đúng cách - ẢNH MINH HỌA

Bệnh đau mắt đỏ để lại nhiều hậu quả nếu không được điều trị đúng cách - ẢNH MINH HỌA

3 điều cần biết về thuốc nhỏ mắt

• Thuốc co mạch làm giảm đỏ mắt nhanh nên rất được lòng người bệnh. Tuy nhiên, nếu dùng kéo dài sẽ khiến đỏ mắt thêm. Và khi dùng tốt nhất phải có toa bác sĩ.

Kháng sinh (thuốc nhỏ, thuốc mỡ bôi mắt) dùng cho đau mắt đỏ vi khuẩn, còn mắt đỏ virus thì không cần dùng, trừ khi cần ngừa trước bội nhiễm.

Đa phần đau mắt đỏ là do virus nhưng các bác sĩ vẫn cho thuốc nhỏ kháng sinh là vì ngừa bội nhiễm. Phải có chuyên môn mới nhìn ra mắt đỏ là do vi khuẩn hay virus, có nguy cơ bội nhiễm hay không. Tóm lại, dùng kháng sinh phải có sự “gật đầu” của bác sĩ, không nên tự ý.

• Corticoid giảm triệu chứng đau mắt đỏ nhanh nhưng thuốc này có nhiều tác dụng phụ đáng ngại. Với những ca đau mắt đỏ không biến chứng thì không nên dùng.

Hầu hết đau mắt đỏ sẽ tự khỏi. Thế nên mọi can thiệp, kể cả thuốc nhỏ, cần tránh quá tay. Nếu không thật cần thiết thì không dùng bởi có thể biến bệnh nhẹ thành nặng, nhất là bội nhiễm. Chẳng hạn nếu chườm lạnh bằng khăn ẩm không sạch sẽ khiến mắt bệnh rước thêm nhiễm trùng oan.

Đau mắt đỏ - quan trọng nhất là chống lây lan

Với đau mắt đỏ, chống lây lan quan trọng không kém chữa trị. Nếu lơ là, bệnh này có thể thành dịch, làm “tê liệt” công việc, vui chơi, học hành.

• Ngừa cho mắt còn lại

Nếu cả hai mắt cùng bị bệnh thì mức khó chịu, việc chữa trị và thời gian nghỉ bệnh tăng gấp đôi. Đau cùng lúc hai mắt cũng tăng nguy cơ bội nhiễm và biến chứng.

Để ngăn virus lây từ mắt bệnh sang mắt lành cần tuân thủ nguyên tắc: hạn chế dụi mắt, sờ mặt, thay vỏ gối, ga giường... thường xuyên.

Mọi vật dụng, nhất là thuốc nhỏ phải dùng riêng cho mỗi mắt, chọn loại dùng một lần là tốt nhất. Mọi thao tác cần hết sức tránh cọ quẹt, va chạm với mắt bên cạnh.

• Nếu người “tiếp xúc gần” đau mắt đỏ

Nếu trong nhà, trong lớp có người đau mắt đỏ thì bạn có nguy cơ bị lây rất cao. Tuy nhiên, vẫn có cách phòng bị. Bạn nên giữ khoảng cách, không đụng chạm. Virus đau mắt đỏ chuyển từ người bệnh sang người lành theo hai ngả: chạm trực tiếp dịch tiết mắt hoặc trung gian qua vật dụng dính virus.

Cụ thể trò A bị lây từ trò B theo các kịch bản: A chạm tay vào mặt, mắt, mũi của B rồi sờ lên mặt, dụi lên mắt mình; A chạm hay cầm phải vật dụng, nhất là vật dụng dùng cho mắt (khăn giấy, khẩu trang, mắt kính...) hoặc nắm tay B.

Việc chúng ta sờ mặt hay dụi mắt thường diễn ra vô thức, điều này giải thích việc đau mắt đỏ lan nhanh dù đã ra sức phòng tránh.

Đau mắt đỏ có thể lây qua đâu?

Đau mắt đỏ có thể lây qua giọt bắn (dịch mũi, họng, dịch mắt chảy xuống họng), lây từ động tác hắt hơi, xì mũi, nói to của người bệnh gửi tới người lành. Khăn, bàn tay dính dịch xì mũi, hắt hơi... cũng là nguồn lây bệnh.

Ngoài ra, khi đến nơi công cộng, việc sử dụng chung nắm cửa, cần gạt toilet, vòi xịt, lau bảng, cầm sách thư viện, để tay lên mặt bàn... cũng có thể bị lây bệnh bởi đây là những bề mặt có thể truyền virus.

Hồ bơi và chăn ga gối nệm là môi trường “quá giang” lý tưởng cho virus đau mắt đỏ. Nên tránh lui tới hồ bơi trong lúc dịch đang hoành hành. Học trò ở nội trú cũng có nguy cơ lây nhiễm rất cao, thế nên bạn cần phải cẩn thận đề phòng.

Phòng tránh đau mắt đỏ, hãy rửa tay thường xuyên

Virus đau mắt đỏ hiện diện ở nhiều nơi, phải nói là... “thiên la địa võng”. Cách phòng tránh tốt nhất là rửa tay: rửa bằng nước sạch, xà phòng, dung dịch sát khuẩn... Ngoài rửa tay, chai rửa tay khô từ thời COVID-19 rất hữu ích trong thời điểm này. Bạn nên để sẵn một chai trong cặp đi học.

Virus không lây qua ánh nhìn. Tuy nhiên, kính râm cực kỳ hữu dụng khi bị đau mắt đỏ. Kính râm vừa giảm khó chịu, chống dụi mắt cho người bệnh, vừa làm màn chắn chống lây lan cho người khác.

Tóm lại, bạn chỉ cần làm tốt cẩm nang: rửa tay + giữ khoảng cách + tránh đụng chạm là được.

Ăn gì để ngừa và chữa đau mắt đỏ

Với virus, chế độ ăn cho đau mắt đỏ vẫn tập trung các mục tiêu: tăng cường miễn dịch, giảm khó chịu và giảm thời gian bệnh.

Theo đó thực đơn cho những người bị đau mắt đỏ đề xuất gồm rau xanh (cải xanh, bó xôi, bi na, súp lơ...), quả mọng giàu vitamin C (cam, quýt, bưởi, dâu tây, nho, việt quất...), vitamin A (cà rốt, ớt chuông), thịt, trứng, cá giàu omega-3 (cá hồi, cá thu, cá mòi), uống đủ nước, vệ sinh thân thể tốt.

Cần tránh xa đồ nóng, đồ cay, món có mùi hăng nặng và mọi chất kích thích (bia rượu, cà phê, gia vị hăng).


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: