Căng cơ - dấu hiệu cơ bắp bạn đang quá tải!

avatar Bác sĩ ĐỖ MINH TUẤN

Thứ năm, 23/11/2023 16:20 (GMT+7)

Hầu như teen nào cũng từng nếm trải cảm giác căng cơ. Đó có thể là một buổi sáng bạn thức dậy với chiếc cổ cứng đơ hay đêm đang ngủ thì bị chuột rút khó chịu. Làm thế nào để ứng phó?

Căng không chừa cơ nào

Cơ bắp thường co lại khi làm việc, giãn ra khi hết việc. Căng cơ là tình trạng cơ vẫn co lại bất chấp, kéo dài nhiều giờ, thậm chí là nhiều ngày. Mọi cơ bắp trên cơ thể đều có thể là nạn nhân căng cơ như cơ cổ, gáy, lưng, đùi, bụng, bẹn...

Triệu chứng cơ bản nhất của căng cơ bao gồm “combo”: đau, cứng cơ, hạn chế cử động, đôi khi kèm sưng bầm, chóng mặt, đau đầu. Do đó, căng cơ còn được gọi là cứng cơ hay đau cơ. Co thắt cơ (tức chuột rút) là đỉnh điểm của căng cơ.

Căng cơ không nguy hiểm, thường diễn ra trong khoảng một tuần nhưng lại kéo theo nhiều phiền toái về sinh hoạt, học hành, vui chơi...

Căng cơ không nguy hiểm nhưng kéo theo nhiều phiền toái - Minh họa: Freepik

Căng cơ không nguy hiểm nhưng kéo theo nhiều phiền toái - Minh họa: Freepik

Cơ làm gì… căng vậy?

Có nhiều nguyên nhân khiến một bắp cơ cứ co mà không chịu giãn như:

* Căng thẳng: sẽ gây áp lực lên hệ thần kinh, rồi gây áp lực lên mạch máu cơ bắp, sinh căng cơ.

* Tư thế xấu, vận động quá đà... cũng gây căng cơ không kém. Đây là lỗi khiến teen bị căng cơ nhiều nhất.

* Lỗi tư thế như ngủ cong lưng, ngoẹo cổ, đứng ngồi xiêu vẹo, nhấc vật nặng không đúng cách.

* Thể dục thể thao không đúng cách cũng gây căng cơ, hầu hết từ lỗi “fast & furious” như: động tác, cường độ sai, lặp đi lặp lại một động tác, tập nhắm đúng một loại cơ bắp.

* Bệnh nền: rối loạn trương lực, lupus, parkinson, xơ hóa, chèn ép thần kinh... cũng khiến người bệnh bị căng đau cơ triền miên: ngủ cũng đau, không động tới móng tay cũng đau.

Xử trí căng cơ thế nào?

Hầu hết căng cơ nhẹ, thường chỉ chịu trận khoảng một tuần là khỏi. Hầu hết chỉ cần xử lý cơ bản nhất. Ngược lại, nếu căng cơ nặng (quá 7 ngày không thuyên giảm), chuột rút nặng, có dấu hiệu rách cơ (đau dữ dội, bầm tím)... phải đến cơ sở y tế giải nguy ngay.

Sơ cứu RICE

Xử lý căng cơ cũng giống như chấn thương, bắt đầu với sơ cứu. Phác đồ RICE chuyên sơ cứu chấn thương phần mềm có thể dùng cho căng cơ rất tốt.

Rest (nghỉ ngơi): nghỉ cơ hoặc nhóm cơ “bệnh binh”. nghỉ cả gói cơ thể,

Ice (chườm đá): đá, túi chườm, không chườm trực tiếp chườm bằng túi đựng vào cơ. Chườm 10 - 15 phút/lần, mỗi lần cách nhau 60 phút.

Compression (băng ép): băng y tế đều được miễn không băng thun, quá chặt.

Elevation (kê cao vị trí chấn thương): đặt “nạn nhân” ở vị trí cao hơn tim, nhất là khi nằm.

Sau sơ cứu RICE, tùy bệnh nặng nhẹ mà có thể dùng thuốc giảm đau (acetaminophen, ibuprofen), chườm nóng, uống thuốc giãn cơ, corticoid chống viêm, vật lý trị liệu... Tuy nhiên, khi uống thuốc nên theo toa bác sĩ. Hiếm khi căng cơ phải lên bàn mổ, trừ ca nặng thường dính tới chấn thương, rách cơ, bệnh nền sẵn.

Khi tình hình căng cơ tạm ổn cần tập lại sớm bằng các bài tập giãn cơ nhẹ vài lần trong ngày. Cả khi bị nặng, không nên để cơ lười biếng quá lâu sẽ không tốt cho sức khỏe của chúng khi lành lặn.

Phòng ngừa căng cơ

Phần lớn căng cơ thường bất ngờ ập đến, do vậy việc phòng ngừa, tránh bị động rất quan trọng.

* Bồi bổ cho bắp cơ từ bên trong với chế độ ăn giàu canxi, magie (cải xanh, bina, đậu các loại, củ cải trắng, bí đỏ, yến mạch, hạt mè, cá, tôm, sữa...), vitamin B (thịt đỏ, hải sản, ngũ cốc, trứng...), uống đủ nước.

* Kiểm soát tư thế từ sinh hoạt đến thể dục thể thao, tránh mọi tư thế xấu. Không ngồi một chỗ quá lâu, nếu ngồi lâu cần thỉnh thoảng xoay vòng chân, tay chịu lực.

* Nâng vật nặng đúng cách: lưng thẳng, gập gối nâng bằng hai chân, không vặn xoắn.

* Mang giày dép vừa chân.

Cẩm nang an toàn

Luôn nhẹ nhàng, không đột ngột, khởi động trước, không dùng đi dùng lại một cơ bắp, bù nước đầy đủ...

Luôn có những mối nguy bất ngờ khiến ta vô phương chống đỡ như té ngã, nhoài người cứu “dế yêu” rơi khỏi bàn... Tuy nhiên, với thế ngủ ngoẹo cổ, ngủ trên gối nhấp nhô - thủ phạm căng đau cổ thịnh hành của teen - hoàn toàn có thể phòng ngừa được.

Bài tập chữa lành cho cơ

Có nhiều bài tập soạn riêng giúp giãn cơ, qua đó sửa chữa tư thế sai chúng ta mắc phải. Dưới đây là một bài tập đề xuất, có thể tập ngay trên bàn học, trên giường ngủ, hợp với teen hay lười.

* Cuộn vai: đứng, nâng vai về phía tai, lăn vai về sau, theo vòng tròn tưởng tượng.

* Thả ngực: nâng hai cánh tay lên ngang vai, lòng bàn tay hướng ra trước, dần đẩy hai tay ra sau trong khi kéo hai bả vai lại với nhau.

* Kim tự tháp: một chân ra trước một chân ra sau, cúi người sao cho hông vuông góc chiều thẳng đứng, đặt hai tay lên lưng dưới, rướn người về trước xa đến có thể trong khi vẫn giữ hông vuông góc.

* Nắm chặt khuỷu tay: ngồi trên hai chân gập lại, siết hai bả vai lại với nhau, ra sau và hơi xuống dưới, nắm khuỷu tay phải bằng tay trái và khuỷu tay trái bằng tay phải.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: