Chọn hướng, chọn giờ và những kiêng kỵ trong xuất hành, khai bút đầu năm

avatar HOÀI PHƯƠNG

Thứ bảy, 10/02/2024 07:56 (GMT+7)

Người xưa có câu ‘đầu xuôi đuôi lọt’, đầu năm xuất hành đúng hướng thì cả năm vạn sự hanh thông, khai bút đúng chữ sẽ vẹn toàn như ý.

Giảng viên Nguyễn Hiếu Tín khai bút đầu năm - Ảnh: NVCC

Giảng viên Nguyễn Hiếu Tín khai bút đầu năm - Ảnh: NVCC

Thầy Nguyễn Hiếu Tín - giảng viên Trường đại học Tôn Đức Thắng, TP.HCM - cho biết xuất hành và khai bút đầu năm mang ý nghĩa cầu mong, ước vọng được xuất phát điểm may mắn.

Câu chữ khai bút được cát tường, để người viết có được điều tốt lành. Sau đó, mang may mắn đến cho người thân (khi thăm viếng), cộng đồng và xã hội, gắn kết được mối quan hệ thân thiết với mọi người xung quanh thông qua niềm tin may mắn, tốt lành.

Xuất hành, khai bút đầu năm là khởi đầu quan trọng

Theo thầy Nguyễn Hiếu Tín, trước đây mỗi lần một tuổi bắt đầu với Tết đến, người Việt có nhiều phong tục mang tính khởi đầu cho một năm mới thuận lợi, may mắn, như xông đất, xuất hành, khai bút…

Xuất hành là bước đi khởi đầu đầu tiên trong năm, nên rất quan trọng đối với người xưa, thậm chí xuất hành phải xem ngày đoán giờ, hướng đi.

Tương tự, khai bút đầu năm, người xưa gọi là "minh niên khai bút", nghĩa là năm mới sẽ khởi đầu của trí tuệ nên viết chữ nào, câu gì để gửi gắm thông điệp, ước vọng tốt đẹp, thuận lợi cho cả năm.

"Mỗi năm xuân chỉ đến có một lần và trong một năm cũng chỉ xuất hành, khai bút một lần khi xuân đến.

Những lần xuất hành, cầm bút sau không còn là xuất hành, khai bút nữa. 

Do đó, đối với tiền nhân, xuất hành, khai bút là thiêng liêng, phải thực hiện với tất cả sự trịnh trọng, tâm thành.

Ngày nay, phong tục xuất hành hầu hết đối tượng nào cũng chú trọng, bởi lẽ liên quan đến việc đi lại, thăm viếng người thân" - thầy Nguyễn Hiếu Tín cho biết thêm.

Đối với khai bút đầu năm thường liên quan đến nghề viết, văn nhân, thi sĩ, học sinh, nhân viên văn phòng…

Khai bút đầu năm rất quan trọng đối với người cầm bút - Ảnh: NVCC

Khai bút đầu năm rất quan trọng đối với người cầm bút - Ảnh: NVCC

Xuất hành đầu năm cần chọn hướng, chọn giờ

Quan niệm xưa cho rằng ngày mùng 1 Tết chính là thời điểm trời đất giao hòa, là ngày đầu tiên của năm mới nên được coi là đại cát.

Khi xuất hành đầu năm, ngoài việc chọn hướng còn cần chọn đúng giờ tốt để cả năm được may mắn, nhiều tài lộc.

Căn cứ theo nhiều tài liệu, năm 2024 mùng 1 Tết năm Giáp Thìn, hướng Đông Bắc là hướng thần may mắn (hỷ thần), hướng Đông Nam là hướng tài thần. 

Đây được xem là hướng tốt đẹp nhất trong ngày.

Ngày mùng 2 Tết, hướng hỷ thần là hướng Tây Bắc, tài thần là hướng Đông Nam.

Ngày mùng 3 Tết, hỷ thần là hướng Tây Nam, tài thần là hướng Đông Nam.

Nên xuất hành đầu năm với một tâm trạng tốt, nếu xuất hành ở đền chùa nên cầu phúc thay vì cầu tài lộc, nên nói lời ái ngữ, nên làm những việc tốt. Đặc biệt tâm thiện lành, thực hành tiết kiệm, không lãng phí. Hướng xuất hành cần phù hợp với gia chủ, chọn ngày giờ đẹp.
Giảng viên Nguyễn Hiếu Tín

Khai bút đầu năm thường từ mùng 2 Tết

Các nhà nho, thầy đồ, xem lịch, chọn ngày giờ tốt, thắp hương thành kính và khấn vái trước bàn thờ, rồi lấy giấy hoa tiên đã dành sẵn, rồi mài thỏi mực mới, khai bút đầu xuân.

Tương tự các phong tục khác, mọi thứ trong năm mới cần phải thiêng liêng, chỉn chu nhất nên mỗi người sẽ tự chọn cho mình thời điểm thích hợp nhất để khai bút đầu năm.

"Thường việc khai bút sẽ diễn ra vào ngày mùng 2 Tết hoặc các ngày khác tùy theo điều kiện của mỗi người.

Để việc khai bút có phần hiệu quả, người khai bút sẽ chọn cây bút mới, tờ giấy màu đỏ, tượng trưng cho sự may mắn, tâm thành, cầu mong sự may mắn" - Nguyễn Hiếu Tín cho hay.

Với những dòng chữ đầu năm, văn nhân đem ý nguyện lồng vào nét mực, gửi mong mỏi trong một bài thơ, đặt tâm sự trong từng câu đối.

Những câu viết thường là những lời chúc tốt lành cho bản thân, gia đình và bè bạn.

Thường sẽ viết chữ Phúc, Lộc, Bình an, Hạnh phúc, "Phúc sinh phú quý gia đình thịnh", "Tân niên vạn phúc, Kính chúc phát tài"…

Những câu chữ may mắn, ý nghĩa để khởi đầu cho một chương mới, tràn đầy năng lượng tích cực và hy vọng cho một hành trình phía trước.

Những kiêng kỵ trong xuất hành, khai bút đầu năm

Người Việt xưa có quan niệm trong ba ngày Tết, dù có đi đâu đến chiều tối phải về. Ý nghĩa của phong tục này là kiêng có đi mà không có về.

Tuy nhiên, trong thời hiện đại, có nhiều giá trị thay đổi, phạm vi, không gian văn hóa khác xưa, nên việc xuất hành có thể là những chuyến đi du lịch dài ngày, nên điều kiêng kỵ này sẽ không phù hợp.

Có thể xuất hiện điều kiêng kỵ mới, đó là không nên uống rượu bia trong lúc xuất hành, tâm trạng xấu… điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến mình mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội.

Đối với khai bút, dĩ nhiên kiêng kỵ viết những nội dung dung tục, tầm thường, chữ viết không được trang nhã, viết cho có, trên những chất liệu giấy cũ, xấu, bút cùn… Như vậy sẽ ảnh hưởng đến mỹ cảm, thái độ về văn tự trong những ngày đầu năm mới.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: