Chuyện chi tiêu của sinh viên: những chi phí tưởng nhỏ mà ngốn tiền bất ngờ

Thứ bảy, 12/10/2024 09:42 (GMT+7)

Bên cạnh phí sinh hoạt cố định hàng tháng, cuộc sống sinh viên có những chi phí ẩn tốn kém không ngờ.

Chuyện chi tiêu của sinh viên: những chi phí tưởng nhỏ mà ngốn tiền bất ngờ- Ảnh 1.

Chi tiêu luôn là vấn đề được nhiều tân sinh viên quan tâm - Ảnh: LAM THUYÊN

Tự quản lý tài chính, chi tiêu cá nhân là một trong những thử thách "khó nhằn" với nhiều sinh viên trong cuộc sống tự lập.

Đó cũng là câu chuyện của bạn Hoàng Long (sinh viên năm 1 của Trường Đại học Tài Nguyên và Môi Trường TP.HCM).

Sau hơn một tháng sinh sống tại TP.HCM, Long bắt đầu cảm thấy lo lắng khi tiền sinh hoạt tăng cao do phát sinh nhiều khoảng chi phí không ngờ - mà chủ yếu là tiền ăn uống và mua sắm đồ dùng cá nhân. 

Vậy đâu là những khoản chi sinh viên cần dự trù để tránh bị động? 

Dưới đây là những gợi ý giúp tân sinh viên có thể lên kế hoạch chi tiêu hợp lý:

Tiền điện, nước và các chi phí khác khi thuê trọ

Tiền thuê trọ luôn là khoản chi tiêu chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi phí sinh hoạt của sinh viên. Tuy nhiên, không ít tân sinh viên chỉ tập trung vào tiền thuê nhà mà quên mất các khoản chi phí phát sinh kèm theo như tiền điện, nước, Internet hay phí gửi xe.

Theo bạn Trần Huế Trân (sinh viên năm 5 Trường Đại học Y Dược Cần Thơ) chia sẻ, mỗi tháng bạn sẽ phải chi thêm từ 200 đến 300 ngàn đồng cho các khoản phí này.

Dù số tiền đã giảm đáng kể nhờ ở ghép cùng bạn bè nhưng vào mùa nóng, nhu cầu sử dụng máy lạnh, quạt tăng cao, tiền điện có thể nhảy vọt tới 400 ngàn đồng. 

Do đây là các chi phí thiết yếu và khó cắt giảm hoàn toàn nên Huế Trân luôn dự trù một khoản để đối phó các trường hợp này. 

Ngoài ra, bạn còn thường xuyên theo dõi chỉ số tiêu thụ điện, nước, thực hiện tắt các thiết bị khi không sử dụng và tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên ban ngày để tiết kiệm. 

Chi phí ăn uống

Tương tự như tiền trọ, chi phí ăn uống là một trong những khoản thiết yếu chiếm phần lớn phí sinh hoạt mà sinh viên cần tính toán cẩn thận ngay từ đầu. 

Bạn Nguyễn Song Ngân (sinh viên năm 4 Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho biết tùy vào cách sinh hoạt và nơi học tập mà số tiền dành cho việc ăn uống mỗi tháng có thể chênh lệch khá lớn.

Chuyện chi tiêu của sinh viên: những chi phí tưởng nhỏ mà ngốn tiền bất ngờ- Ảnh 3.

Dù ăn bình dân nhưng các bữa ăn của Song Ngân vẫn phải đảm bảo đủ chất - Ảnh: SONG NGÂN

Là một sinh viên đang sinh sống tại ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM, chi phí ăn uống của bạn mỗi tháng chỉ khoảng 2,5 triệu đồng, tương đương với 25 - 30 ngàn đồng cho một bữa ăn vì tại đây có nhiều các quán ăn bình dân phù hợp túi tiền sinh viên.

Ngược lại,với những sinh viên học tại trung tâm thành phố như bạn Nguyễn Quế Hương (sinh viên năm 4 Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), chi phí ăn uống hàng tháng có thể cao hơn nhiều.

"Một bữa ăn ở quán tốn ít nhất 50 ngàn đồng nên mình thường tự nấu ăn để tiết kiệm. Dù vậy, mỗi tháng mình vẫn phải mất ít nhất 4 triệu cho việc ăn uống," Quế Hương nói thêm. 

Cả hai bạn đều đồng tình rằng số tiền này không cố định do có những tháng bận rộn và phải ăn uống ở ngoài nhiều hơn. Vì vậy, khoản phát sinh cho tiền ăn mỗi tháng có thể lên đến 500.000 đồng. 

Chi phí đi lại

Để tiết kiệm chi phí này, nhiều sinh viên sử dụng phương tiện công cộng như xe buýt. Dù vậy phương tiện này thường chỉ thuận tiện cho các bạn ở trọ gần trường. 

Với những bạn sống xa trường như bạn Dương Linh Tùng (sinh viên năm 3 Trường Đại học Văn Lang) xe máy vẫn là lựa chọn tiện lợi nhất vì có thể chủ động về thời gian.

Đổi lại, chi phí khi di chuyển bằng xe máy sẽ cao hơn nhiều. Bởi bên cạnh chi phí đổ xăng mỗi tuần, khoảng 150 ngàn đồng, số tiền này có thể tăng cao nếu tuần đó bạn di chuyển nhiều. 

Ngoài ra, việc hư hỏng khi sử dụng xe máy là không thể tránh khỏi. Vì vậy, Linh Tùng còn phải để một khoản tiền để chuẩn bị cho các tình huống bất ngờ hoặc bảo dưỡng định kỳ giúp xe chạy bền hơn. 

Tài liệu học tập

Bên cạnh chi phí sinh hoạt, chi phí cho tài liệu học tập cũng quan trọng không kém.

Bạn Nguyễn Kỳ Duyên (sinh viên năm 6 Trường Đại học Y Dược Cần Thơ) cho biết mỗi năm bạn sẽ chi khoảng 1 triệu đồng cho tài liệu học tập của tất cả môn học, chưa kể dụng cụ học tập. 

Nếu muốn tiết kiệm, bạn có thể mua lại tài liệu của sinh viên khoá trên hoặc sử dụng bản photo trong điều kiện trường cho phép. 

Chi phí sinh hoạt khác

Ngoài những chi phí bắt buộc trên, việc mua sắm online hay ngồi cà phê cũng là khoản tốn kém trong chi phí sinh hoạt của nhiều bạn trẻ.

Là một người đam mê mua sắm, Song Ngân phải dành hẳn một khoản dự trù cho hạng mục này. Cô bạn cũng thường xuyên thích ngồi quán cà phê làm bài hay trò chuyện với bạn bè, đây là một khoản chi tiêu không nhỏ. 

Vì vậy, việc lập ra quỹ dự phòng là một giải pháp hữu ích giúp Song Ngân trong những lúc khó khăn. Số tiền này không cố định và tùy thuộc vào tình hình chi tiêu hàng tháng, nhưng bạn luôn để ra ít nhất 500 ngàn đồng.

Tuy nhiên, cô bạn cũng nhận thức rằng quỹ dự phòng không phải là vô hạn. Do đó, sau nhiều lần tiêu xài quá tay, Song Ngân đã quyết định lập kế hoạch chi tiêu cụ thể song song việc lập quỹ dự phòng để tiêu xài phù hợp với số tiền sinh hoạt hiện có. 

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: