Chuyên gia tâm lý 'bóc' 5 câu văn mẫu trong thao túng tâm lý tình cảm

Thứ sáu, 16/05/2025 16:57 (GMT+7)

Nhận biết dấu hiệu thao túng tâm lý và cách bảo vệ bản thân để giữ sự tự do, cân bằng trong các mối quan hệ tình cảm.

Chuyên gia tâm lý 'bóc' 5 câu văn mẫu trong thao túng tâm lý tình cảm- Ảnh 1.

Thao túng tâm lý là một hình thức lạm dụng tinh vi - Ảnh: MINH HỌA BỞI AI

“Anh sợ em buồn nên anh mới giấu”, “Em là người phù hợp nhất với anh”… Những câu nói tưởng chừng ngọt ngào, cảm động ấy liên quan đến drama tình cảm của một người nổi tiếng đang trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội. Nhưng nếu bỏ qua vỏ bọc của “sự quan tâm”, “vì yêu”, “vì sợ mất em”… liệu chúng ta có nhận ra đây là những mẫu câu kinh điển trong thao túng tâm lý tình cảm?

Dưới góc nhìn của các nhà tâm lý học, đây không phải chuyện riêng của người nổi tiếng.

Bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân nếu không nhận ra văn mẫu đang được dùng để kiểm soát mình.

Thế nào là thao túng tâm lý trong tình yêu?

Theo thạc sĩ Nguyễn Trần Phước (chuyên gia tâm lý, nhà sáng lập Văn phòng ứng dụng Khoa học tâm lý Psycare, thao túng tâm lý (psychological manipulation) là một hình thức lạm dụng tinh vi. 

Trong đó, người thao túng cố tình kiểm soát hành vi, cảm xúc và suy nghĩ của người khác bằng các chiến thuật như ngụy biện, điều khiển cảm xúc, kích động tinh thần.

Trong tình yêu, hành vi thao túng thường xuất phát từ nhu cầu kiểm soát, giữ quyền lực hoặc trục lợi cá nhân mà bỏ qua cảm xúc và ranh giới cá nhân của đối phương.

Thao túng không chỉ xảy ra giữa người yêu, vợ chồng, mà còn có thể xuất hiện trong các mối quan hệ gia đình, bạn bè hoặc công việc.

Ví dụ điển hình về thao túng tâm lý trong tình yêu là làm đối phương nghi ngờ chính mình: “Em lúc nào cũng nhạy cảm quá. Anh có làm gì sai đâu, em đang tưởng tượng ra thôi, anh chưa bao giờ lầm lỗi với em.

Thực tế, có thể người kia đang che giấu hành vi sai trái của bản thân, nhưng khiến đối phương cảm thấy chính mình đang có vấn đề.

Chuyên gia tâm lý 'bóc' 5 câu văn mẫu trong thao túng tâm lý tình cảm- Ảnh 2.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Trần Phước chia sẻ về thao túng tâm lý - Ảnh: NVCC


5 mẫu câu kinh điển của người thao túng trong tình yêu

Phân tích từ thạc sĩ Nguyễn Trần Phước (chuyên gia tâm lý, Nhà sáng lập Văn phòng ứng dụng Khoa học tâm lý Psycare)

1. “Anh sợ em ghen nên mới giấu”

→ Chiến thuật thao túng: Đảo ngược trách nhiệm (reverse manipulation)

Câu nói tưởng như là lời xin lỗi này thực chất lại mang hàm ý chuyển lỗi: biến hành vi giấu giếm thành hành động vì yêu.

Đây là một dạng thao túng cảm xúc phổ biến, trong đó người nói lợi dụng nỗi sợ ghen tuông của đối phương để hợp lý hóa sự không trung thực.

Theo phân tích từ tâm lý học xã hội, chiến thuật này khiến người bị thao túng cảm thấy tội lỗi vì chính phản ứng của mình, từ đó giảm khả năng phản kháng và tiếp tục dung túng hành vi sai trái.

2. “Anh chỉ tâm sự với cô ấy vì cô đơn”

→ Chiến thuật thao túng: Hợp lý hoá hành vi vượt ranh giới (rationalization)

Nghe có vẻ là một lời giải thích đơn giản, nhưng thực chất câu nói này đang biện minh cho hành vi thân mật không phù hợp với người thứ ba.

Thay vì thừa nhận sai lầm, người nói tìm cách làm nhẹ mức độ nghiêm trọng bằng cách đổ lỗi cho hoàn cảnh cô đơn. 

Điều này không chỉ khiến đối phương hoài nghi chính bản thân mình, mà còn dần làm mờ ranh giới đúng – sai trong mối quan hệ. 

Về lâu dài, nó duy trì sự kiểm soát và tránh bị quy kết trách nhiệm.

3. “Không có em, anh sẽ không có ngày hôm nay” / “Anh chỉ có gia đình và em thôi”

→ Chiến thuật thao túng: Gây áp lực bằng sự phụ thuộc cảm xúc (emotional blackmail)

Dưới lớp vỏ của lời cảm ơn hoặc thổ lộ chân tình là một dạng thao túng cảm xúc rất tinh vi. Người nói đánh vào lòng biết ơn hoặc nỗi sợ chia ly của đối phương để tạo áp lực duy trì mối quan hệ. 

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Trần Phước, kiểu nói này dễ khiến người nghe cảm thấy nếu rời đi, họ sẽ phá huỷ tinh thần của người kia.

Sự lệ thuộc bị nuôi dưỡng dần dần, khiến người bị thao túng sống trong cảm giác tội lỗi và mất dần khả năng đưa ra quyết định sáng suốt cho bản thân.

Chuyên gia tâm lý 'bóc' 5 câu văn mẫu trong thao túng tâm lý tình cảm- Ảnh 3.

Nhận biết hành vi thao túng tâm lý - Ảnh: MINH HỌA BỞI AI

4. “Giá trị của em rất cao, em không cần ghen với ai cả”

→ Chiến thuật thao túng: Phủ nhận cảm xúc bằng cách tâng bốc (emotional invalidation disguised as praise)

Thay vì nhìn nhận sự tổn thương hay ghen tuông là phản ứng tự nhiên, người thao túng lại đưa ra lời tâng bốc để đánh lạc hướng và khiến đối phương cảm thấy mình đang làm quá.

Theo phân tích tâm lý, điều này khiến nạn nhân mất dần khả năng tin vào cảm xúc và trực giác của bản thân - một trong những vũ khí quan trọng để tự bảo vệ mình trong các mối quan hệ.

5. “Nếu anh không yêu em thì còn yêu ai được nữa?”

→ Chiến thuật thao túng: Tạo cảm giác duy nhất để củng cố sự phụ thuộc (dependency manipulation)

Nghe có vẻ đầy lãng mạn, nhưng thực chất câu nói này tạo ra áp lực cảm xúc rất lớn. 

Người bị thao túng sẽ dễ mang cảm giác mình là người duy nhất có thể cứu rỗi người kia, từ đó dần từ bỏ quyền được rút lui hay đòi hỏi sự tôn trọng trong mối quan hệ.

 Đây là kiểu thao túng cổ điển nhằm xây dựng sự lệ thuộc một chiều, khiến đối phương trở thành nô lệ cảm xúc và đánh mất khả năng tự chủ.

Làm sao để nhận ra bạn đang bị thao túng tâm lý?

Trong các mối quan hệ tình cảm, dù là nam hay nữ, thao túng tâm lý thường xuất hiện dưới dạng những lời nói mang tính ẩn dụ hoặc ngụy biện nhằm tạo sự lệ thuộc và làm giảm khả năng phản kháng của người bị ảnh hưởng. 

Cụ thể với các dấu hiệu nhận biết:

- Thường xuyên cảm thấy hoang mang, nghi ngờ bản thân sau khi tiếp xúc với người đó.

- Cảm giác bị kiểm soát, mất tự do trong suy nghĩ và hành động.

- Luôn cảm thấy có lỗi hoặc cho rằng mình luôn làm sai.

- Dần bị cô lập khỏi bạn bè, người thân và khó kiểm soát cảm xúc.

Cách bảo vệ bản thân khỏi thao túng tâm lý

- Thiết lập ranh giới cá nhân: Hiểu rõ bản thân và khẳng định quyền tự chủ về cảm xúc, suy nghĩ và hành vi. Từ chối những hành vi xâm phạm hoặc kiểm soát quá mức để bảo vệ sức khỏe tâm lý và duy trì sự bình đẳng trong mối quan hệ.

- Duy trì khoảng cách an toàn và sự riêng tư: Điều chỉnh mức độ tiếp xúc phù hợp, tránh để mình bị lệ thuộc hoặc bị kiểm soát. Khoảng cách hợp lý giúp cân bằng mối quan hệ và bảo vệ không gian riêng tư cá nhân.

- Xây dựng mạng lưới hỗ trợ vững chắc: Giữ liên hệ thường xuyên với bạn bè, gia đình hoặc chuyên gia tâm lý để nhận được sự đồng hành, chia sẻ và góc nhìn khách quan giúp tăng sức mạnh tinh thần.

- Giao tiếp rõ ràng và chủ động: Học cách truyền đạt cảm xúc và nhu cầu một cách minh bạch, sử dụng kỹ năng giao tiếp không bạo lực để xây dựng mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng và thấu hiểu.

- Chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất: Thực hiện các hoạt động như thư giãn, tập thể dục và nghỉ ngơi hợp lý để nâng cao sức bền tâm lý và duy trì trạng thái cân bằng cho cơ thể.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: