7 cách giúp bạn vượt qua cảm xúc tiêu cực

Chủ nhật, 11/05/2025 09:38 (GMT+7)

Chán nản, buồn bã, thất vọng… là những cảm xúc tiêu cực mà ai cũng có thể trải qua. Quan trọng là bạn phải biết cách quản lý chúng.

7 cách giúp bạn vượt qua cảm xúc tiêu cực- Ảnh 1.

Cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành vi và cách chúng ta nhìn nhận bản thân - ẢNH DO AI TẠO

Cảm xúc tiêu cực là gì?

Cảm xúc tiêu cực là những trạng thái tâm lý khiến chúng ta cảm thấy buồn bã, tức giận, thất vọng, tủi thân hoặc lo âu.

Những cảm xúc này có thể xuất hiện trong thời gian ngắn hoặc kéo dài, ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành vi và cách chúng ta nhìn nhận bản thân.

Các dấu hiệu của cảm xúc tiêu cực

Cảm xúc tiêu cực kéo dài có thể gây ra những biểu hiện sau:

* Tâm trạng thất thường: Bạn cảm thấy dễ buồn, cáu gắt hoặc thu mình lại.

* Mất động lực: Bạn không còn hứng thú với những hoạt động yêu thích trước đây.

* Cảm thấy vô dụng: Bạn luôn tự trách bản thân, nghĩ rằng mình không đủ tốt.

* Ngủ quá nhiều hoặc mất ngủ: Giấc ngủ của bạn bị ảnh hưởng bởi những suy nghĩ tiêu cực.

* Ăn uống thất thường: Bạn cảm thấy chán ăn hoặc ăn uống vô tội vạ.

* Nghĩ đến việc bỏ cuộc: Bạn có suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống, thậm chí muốn biến mất khỏi cuộc đời này.

Cảm xúc tiêu cực xuất hiện do đâu?

Cảm xúc tiêu cực đến từ nhiều nguyên nhân:

* Áp lực học tập: Điểm số, bài kiểm tra, kỳ vọng từ gia đình và thầy cô có thể khiến bạn cảm thấy căng thẳng.

* Xung đột với bạn bè: Cảm giác bị cô lập, cãi nhau với bạn thân, bị bắt nạt hoặc không có ai để tâm sự.

* Mâu thuẫn gia đình: Khi ba mẹ không hiểu bạn, có kỳ vọng quá cao hoặc ba mẹ thường xuyên cãi vã, chỉ trích lẫn nhau.

* So sánh bản thân với người khác: Nhìn thấy người khác giỏi hơn, đẹp hơn, nổi tiếng hơn trên mạng xã hội có thể khiến bạn cảm thấy tự ti.

* Mất mát hoặc thất bại: Chia tay bạn thân, mất đi người thân hoặc thất bại trong một kỳ thi quan trọng.

Cách lướt qua cảm xúc tiêu cực đây!

Nếu bạn cảm thấy mình có dấu hiệu của cảm xúc tiêu cực, hãy thử những cách sau:

1. Nói ra cảm xúc của mình

Giữ cảm xúc tiêu cực trong lòng chỉ khiến chúng tệ hơn. Hãy tìm một người bạn tin tưởng, đó có thể là bạn thân, ba mẹ, thầy cô hoặc chuyên gia tâm lý để chia sẻ. Đừng sợ bị phán xét, vì ai cũng có những lúc yếu đuối.

2.Tránh so sánh bản thân với người khác

Bạn đừng nên so sánh mình với người khác vì mỗi người đều là một người đặc biệt. Ai cũng có những điểm mạnh, điểm yếu. Bạn chỉ cần cố gắng trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình là được.

3. Học cách chấp nhận và tha thứ

Cuộc sống không phải lúc nào cũng theo ý muốn. Nếu bạn mắc lỗi hoặc thất bại, hãy chấp nhận điều đó và xem như một bài học cho mình thay vì tự trách móc, dằn vặt bản thân.

4. Chăm sóc bản thân

Ăn uống đầy đủ, tập thể dục, ngủ đủ giấc và dành thời gian cho những sở thích giúp bạn cảm thấy tâm trạng tốt hơn. Đừng để bản thân bị cuốn vào vòng xoáy của suy nghĩ tiêu cực mà quên chăm sóc sức khỏe.

5. Viết ra những suy nghĩ của bạn

Ghi lại cảm xúc của mình trong nhật ký hoặc blog cá nhân sẽ giúp bạn nhìn nhận rõ hơn những gì đang xảy ra và tìm cách giải quyết chúng. Hoặc ít nhất bạn cũng cảm thấy tâm trạng bớt nặng nề hơn.

6. Dành thời gian hoạt động thể chất

Khi cảm thấy căng thẳng, hãy thử các bài tập hít thở sâu hoặc thiền để giúp cơ thể và tâm trí bình tĩnh lại. Mỗi ngày bạn nên dành ít nhất 30 phút vận động thể chất như: đi bộ, chạy, đạp xe, đánh cầu lông, bơi...

7. Tìm kiếm sự giúp đỡ

Nếu cảm xúc tiêu cực kéo dài và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, đừng ngần ngại tìm sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý hoặc người lớn mà bạn tin tưởng.

Ba mẹ có thể làm gì để giúp con vượt qua cảm xúc tiêu cực?

Ba mẹ là người yêu thương con nhất, nhưng đôi khi không nhận ra con mình đang gặp vấn đề. Dưới đây là cách ba mẹ có thể nhận biết và hỗ trợ con.

1. Nhận biết dấu hiệu bất thường ở con:

* Con có xu hướng ít nói, thu mình lại, không còn hứng thú với những thứ từng thích.

* Hay cáu gắt, dễ xúc động hơn bình thường.

* Kết quả học tập giảm sút hoặc có dấu hiệu mất ngủ, chán ăn.

* Thường xuyên than phiền về cuộc sống, có suy nghĩ bi quan.

2. Cách giúp con vượt qua:

* Lắng nghe và không phán xét: Đôi khi con chỉ cần một người để tâm sự mà không sợ bị la mắng, chỉ trích.

* Hỏi han nhẹ nhàng: Đừng ép con nói ra ngay, hãy để con cảm thấy an toàn trước khi chia sẻ.

* Tạo không gian an toàn: Hãy đảm bảo rằng con biết mình luôn có ba mẹ bên cạnh.

* Hướng dẫn con cách giải tỏa căng thẳng: Khuyến khích con tập thể dục, đọc sách, vẽ tranh hoặc làm những gì khiến con vui.

* Nếu cần, hãy tìm chuyên gia: Nếu con có dấu hiệu trầm cảm nghiêm trọng, ba mẹ không nên tự giải quyết mà cần tìm đến chuyên gia tâm lý.

Cảm xúc tiêu cực không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối mà là một phần của cuộc sống. Ở một khía cạnh nào đó, chính cảm xúc tiêu cực sẽ giúp bạn nhận thức sâu sắc hơn về bản thân và các mối quan hệ xung quanh, đồng thời là dấu hiệu cho thấy bạn cần phải thay đổi để tìm lại sự cân bằng.

Quan trọng nhất là bạn không được để cảm xúc tiêu cực chi phối cuộc sống của mình. Hãy học cách đối mặt, vượt qua và mạnh dạn tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết.

Hãy nhớ rằng bạn không cô đơn vì luôn có những người yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ bạn!

Ths. NGUYỄN HẢI ANH - Chuyên gia về bảo vệ trẻ em, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: