Có nên đi học thêm hay không?

Thứ năm, 13/03/2025 15:20 (GMT+7)

Học thêm - cụm từ quá quen thuộc với chúng mình ngày nay. Nhưng đằng sau những buổi học kéo dài ấy, bạn học thêm vì muốn giỏi hơn hay sợ thua kém?

Có nên đi học thêm hay không?- Ảnh 1.

Rất nhiều bạn học sinh bị áp lực bởi điểm số và thành tích - Ảnh minh họa bởi AI

Chúng mình học ở trường trung bình từ 6 - 8 tiết/ngày nhưng với nhiều bạn, câu chuyện học tập chưa dừng lại khi tiếng trống tan trường vang lên.

Ngay sau đó, một cuộc đua mới bắt đầu: từ trường học về nhà, ăn vội bữa cơm rồi lại lao ngay vào lớp học thêm. Thậm chí, nhiều bạn đi từ cổng trường qua thẳng lớp học thêm với ổ bánh mì mua vội giữa đường. Những buổi học thêm kéo dài đến tận tối đã trở thành thói quen của học trò hiện nay.

Nỗi sợ 'mất kiến thức' từ đâu mà có? 

Bạn Bảo Vy (lớp 8 Trường Tây Úc, quận 3) chia sẻ: “Hiện mình học thêm 4 môn, 8 buổi/tuần, gồm: 3 buổi toán, 2 buổi văn, 2 buổi Khoa học tự nhiên và 1 buổi tiếng Anh, mỗi buổi khoảng 90 phút”.

Cô TT (mẹ của bạn HQ, quận Gò Vấp) cho biết: “Con của cô cũng đang học thêm 3 môn: toán, tiếng Anh và Khoa học tự nhiên. HQ muốn học thêm để vững kiến thức hơn vì sợ nếu không học thêm rất khó theo kịp bài và dễ bị mất gốc”.

+ Kiến thức quá lớn

Chương trình học hiện nay có lượng kiến thức khá lớn, đặc biệt là các môn toán, văn, Tiếng Anh, Khoa học tự nhiên. Nếu không theo sát từ đầu, chỉ cần một chút lơ là, nhiều bạn có thể bị “hổng” kiến thức. Và khi đã “hổng”, các bạn cảm thấy khó khăn trong việc tiếp thu bài mới, dẫn đến tâm lý hoang mang, sợ “mất gốc”.

Bạn Như Ý (lớp 7 Trường THCS Hoàng Văn Thụ, quận 10) kể: “Mình từng lơ là môn toán trong một học kỳ, đến lúc ôn lại thì phát hiện ra có quá nhiều thứ mình không hiểu. Khi lên lớp mới, bài giảng ngày càng khó, khiến mình cảm giác như lạc lõng”.

+ Áp lực điểm số

Bảng điểm đôi khi không chỉ phản ánh năng lực học tập mà còn gắn liền với sự kỳ vọng của ba mẹ, thầy cô. Không đạt điểm cao đồng nghĩa với việc cảm thấy thua kém bạn bè, bị khiển trách hoặc đánh giá thấp. Chính vì vậy, nhiều bạn chọn học thêm để “chạy đua” với điểm số.

Bảo Vy chia sẻ thêm: “Điểm số lúc nào cũng là áp lực đối với mình. Mình học thêm là do bản thân tự nguyện vì muốn nâng cao kiến thức và điểm số. Học thêm giúp mình tiếp cận kiến thức từ nhiều thầy cô khác nhau, từ đó thích nghi tốt hơn với các phương pháp giảng dạy khác nhau”.

+ Sợ bị bỏ lại phía sau

Trong một lớp học, nếu ai cũng học thêm, liệu bạn có dám là người duy nhất không học? Đây là suy nghĩ của rất nhiều học sinh hiện nay.

Khi thấy bạn bè xung quanh ai cũng đi học thêm, có thể vô tình bạn sẽ cảm thấy hoang mang, sợ mình thua kém, sợ mình bị tụt lại. Và thế là bạn cũng lao vào học thêm dù chưa chắc bản thân thực sự cần.

Bạn Quế Ngọc (lớp 8 Trường THCS Trương Vĩnh Ký, quận Tân Bình) thẳng thắn bày tỏ: “Mình học thêm Tiếng Anh chỉ vì sợ không theo kịp bạn bè nên dù không thích vẫn phải đi học”.

Nếu một ngày chúng mình không học thêm thì sao?

Bạn Đông Trúc (lớp 8 Trường Tây Úc, quận 3) chia sẻ: “Mình không học thêm mà dành thời gian cho những hoạt động yêu thích như chơi bóng đá và guitar điện. Chỉ cần tập trung nghe giảng trên lớp và tự học ở nhà, mình vẫn nắm chắc bài và đạt kết quả tốt”.

Học thêm không phải là con đường duy nhất để học tốt, quan trọng là tụi mình có chiến lược học tập đúng đắn. Cô T.H (giáo viên môn toán THCS, quận 3) cho biết, chỉ cần có phương pháp đúng, học sinh vẫn có thể học tốt mà không cần học thêm.

Dưới đây là những lời khuyên của cô có thể giúp chúng mình đẩy lùi những nỗi lo thường gặp:

Nếu sợ mất gốc?

“Mất gốc không phải do không học thêm mà do bạn chưa tận dụng tốt thời gian học trên lớp”, cô T.H chia sẻ. Để khắc phục, các bạn hãy:

* Chú ý nghe giảng và ghi chú cẩn thận thay vì chép bài một cách máy móc.

* Nếu không hiểu bài, đừng ngại giơ tay hỏi ngay hoặc nhờ thầy cô giảng lại sau giờ học.

* Chia nhỏ kiến thức và ôn tập theo từng ngày, tránh để dồn nén sát kỳ thi mới học.

Nếu bị áp lực điểm số?

“Điểm số không quyết định tất cả, quan trọng là bạn có tiến bộ mỗi ngày hay không”, cô T.H nhấn mạnh. Để bớt căng thẳng, các bạn nhớ ngay công thức “3 không”:

* Không so sánh bản thân với người khác. Hãy tự tin và tập trung vào việc cải thiện chính mình.

* Không xem điểm số là tất cả. Điểm số chỉ là thước đo tại một thời điểm, không phản ánh toàn bộ khả năng của bạn.

* Không để áp lực làm tụi mình kiệt sức. Luôn duy trì tinh thần thoải mái, vì khi tâm lý tốt, tụi mình sẽ học hiệu quả hơn.

Nếu lo không theo kịp bạn bè?

“Học nhóm là một phương pháp tuyệt vời”, cô T.H gợi ý. Khi học cùng nhau, tụi mình không chỉ hiểu bài nhanh hơn mà còn có cơ hội trao đổi, giải thích cho nhau, giúp kiến thức dễ nhớ hơn. Một nhóm học tập hiệu quả nên có:

* Bạn giỏi môn đó để hướng dẫn những phần khó.

* Bạn có cùng trình độ để cùng luyện tập, giúp nhau tiến bộ.

* Lịch học rõ ràng để tránh sa đà vào “tám” chuyện.

Có nên đi học thêm hay không?- Ảnh 3.

Các bạn tranh thủ học nhóm trong giờ giải lao trên lớp - Ảnh: TUYẾT NHI

Chúng mình đều có quyền lựa chọn. Học thêm hay không, đó hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu và mong muốn của bản thân.

Nếu học thêm giúp bạn hiểu bài hơn, đó là lựa chọn tốt. Nhưng nếu chỉ học vì áp lực hay sợ thua kém, hãy cân nhắc phương pháp khác phù hợp hơn.

Học không chỉ để thi cử mà còn để hiểu biết, để phát triển bản thân. Vì vậy, hãy chọn cách học khiến tụi mình cảm thấy vui vẻ, thoải mái và hiệu quả nhất nhé!

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: