Công tắc khoa học 2024: Đầy hứa hẹn với chuỗi hoạt động tập huấn mở đầu

Thứ bảy, 19/10/2024 11:21 (GMT+7)

Hai ngày tập huấn đã giải đáp những thắc mắc trong quá trình chuẩn bị của các thầy cô và mở ra hành trình đầy hứa hẹn của dự án Công tắc khoa học 2024.

Công tắc khoa học 2024: Đầy hứa hẹn với chuỗi hoạt động tập huấn mở đầu- Ảnh 1.

Thầy cô các trường hào hứng tham gia hoạt động khởi động tại buổi tập huấn - Ảnh: HOÀI THƯƠNG

Trong hai ngày 17 và 18-10, tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), 30 giáo viên đến từ 5 trường THCS trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã tham gia tập huấn “Đồng kiến tạo”. Đây là hoạt động khởi động cho chương trình Công tắc khoa học 2024.

Dự án Công tắc khoa học do Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU), Bayer Việt Nam và Khối ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ phối hợp thực hiện.

Dự án là một phần của sáng kiến hỗ trợ giáo dục khoa học toàn cầu Making Science Make Sense (MSMS) với mục tiêu giúp học sinh Việt Nam tiếp cận thường xuyên, nâng cao kiến thức và phẩm chất khoa học một cách hiệu quả hơn.

Công tắc khoa học 2024: Đầy hứa hẹn với chuỗi hoạt động tập huấn mở đầu- Ảnh 2.

Nhóm các nhà khoa học của Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) thực hành sáng tạo trò chơi trong dạy học - Ảnh: HOÀI THƯƠNG

Tại các buổi tập huấn, các thầy cô cùng các nhà khoa học và công tác viên đã tham gia hoạt động nhóm dưới nhiều hình thức tương tác sinh động. Người tham gia được củng cố thêm sự am hiểu của mình về cách tổ chức và dạy khoa học theo hướng trực quan sinh động cho học sinh.

Thông qua việc phối hợp triển khai dự án tại các trường học trên địa bàn tỉnh, chúng tôi mong muốn thúc đẩy việc giáo dục khoa học tự nhiên một cách hiệu quả cho học sinh và truyền cảm hứng sáng tạo cho các các em, những chủ nhân tương lai, những nhà khoa học, kỹ sư, chuyên gia công nghệ tương lai của đất nước.
Thầy Nguyễn Phương Toàn (phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang)

Ngoài ra, nội dung tập huấn còn giúp các thầy cô, các nhà khoa học và các công tác viên nắm bắt một số kỹ thuật để truyền tải thông tin khoa học dưới hình thức nghệ thuật trình diễn và trò chơi.

Công tắc khoa học 2024: Đầy hứa hẹn với chuỗi hoạt động tập huấn mở đầu- Ảnh 3.

Thầy cô tham gia các thử thách trong trò chơi "Biệt đội nước mắt" do OUCRU thiết kế - Ảnh: HOÀI THƯƠNG

Công tắc khoa học 2024: Đầy hứa hẹn với chuỗi hoạt động tập huấn mở đầu- Ảnh 4.

Thầy cô Trường THCS Thị trấn Chợ Gạo thảo luận phát thảo ý tưởng trò chơi mang tên "Siêu nhân xà phòng" dựa trên nội dung các cấu phần tạo nên động lực cho một trò chơi - Ảnh: HOÀI THƯƠNG

Đặc biệt, trong số các nội dung tập huấn, ba nội dung Lồng ghép trò chơi trong dạy họcẨn dụ ý niệm và Kể chuyện - Storytelling trong viết kịch bản đã mang đến những gợi ý cụ thể cho các thầy cô trong việc chuẩn bị tiết mục trình diễn trong Ngày hội khoa học sắp tới.

Sau thời gian tập huấn, thầy Nguyễn Văn Bé Tư (phó hiệu trưởng Trường THCS Tân Hiệp) cho biết: "Tôi tâm đắc nhất phần Ẩn dụ ý niệm khoa học. Việc truyền đạt dưới hình thức các mô hình hóa đã đưa những khái niệm trừu tượng, khó hiểu trở nên dễ hiểu hơn cho học sinh, đưa khoa học về gần gũi với thực tiễn cuộc sống."

Ngoài ra, thầy Tư chia sẻ dự án Công tắc khoa học năm nay có ý nghĩa quan trọng đối với học sinh và nhà trường trong việc giáo dục về tầm quan trọng và sự gắn kết giữa con người, động vật và môi trường cho học sinh. 

Trong thời gian tới, thầy Tư dự kiến sẽ nhanh chóng triển khai đến hội đồng sư phạm nhà trường và học sinh về dự án, đồng thời, tổ chức các hoạt động thi vẽ tranh, diễn kịch và kể chuyện theo chủ đề của chương trình năm nay.

Công tắc khoa học 2024: Đầy hứa hẹn với chuỗi hoạt động tập huấn mở đầu- Ảnh 6.

Nhóm Công tác viên thanh niên của OUCRU tham khảo nội dung trong cuốn sách "Một sức khỏe" để sáng tạo trò chơi - Ảnh: HOÀI THƯƠNG

Nói về hoạt động tập huấn cho giáo viên trong dự án Công tắc khoa học 2024, anh Vũ Duy Thanh (phó Phòng Kết nối khoa học với công chúng và cộng đồng, trưởng nhóm Kết nối khoa học trường học) cho biết hoạt động là nhân tố quan trọng trong chương trình năm nay.

Anh Thanh cùng ban tổ chức cũng hy vọng ngày hội khoa học sắp tới sẽ góp phần thúc đẩy thêm sự yêu thích của học sinh THCS ở Tiền Giang đối với khoa học, giúp các bạn cũng hiểu rõ hơn về giá trị và lợi ích của khoa học trong học tập và cuộc sống hằng ngày.

Công tắc khoa học 2024: Đầy hứa hẹn với chuỗi hoạt động tập huấn mở đầu- Ảnh 7.

Anh Vũ Duy Thanh (phó Phòng Kết nối khoa học với công chúng và cộng đồng, Trưởng nhóm Kết nối khoa học trường học) chia sẻ trong phần cuối buổi tập huấn - Ảnh: HOÀI THƯƠNG

Năm nay, dự án Công tắc khoa học được tổ chức với hai hoạt động là hội thi trình diễn khoa học “Một sức khỏe” và ngày hội khoa học “Một sức khỏe”. 

Cụ thể, đối với hội thi trình diễn khoa học, học sinh THCS sẽ lựa chọn các nội dung khoa học có trong sách “Một sức khỏe”. Sau đó, học sinh thi trình diễn một tiết mục văn hóa, văn nghệ trước toàn trường (tiểu phẩm kịch, ca hát, hò vè, đọc rap,… có thể kết hợp nhiều hình thức khác nhau trong một bài trình diễn) với thời lượng tối đa là 30 phút.

Tương tự đối với trò chơi khoa học, học sinh cũng lựa chọn các nội dung khoa học có trong sách “Một sức khỏe” và thiết kế 2 trò chơi tìm hiểu khoa học. Khi thiết kế trò chơi, học sinh cần lưu ý các yếu tố: tên trò chơi, mục đích - ý nghĩa, thời lượng (15 phút/lượt chơi), hình thức (cá nhân/đội nhóm), cách thức trò chơi, đạo cụ và vật dụng hỗ trợ.

Ngoài ra, trong bộ tiêu chí chấm điểm còn có điểm dành cho hoạt động truyền thông. Cụ thể, đối với cả hai nội dung, bên cạnh tiết mục trình diễn và trò chơi thiết kế, các nhóm cần thực hiện một sản phẩm truyền thông (bài viết ngắn, video, poster) để giới thiệu về bài thi.

Sản phẩm truyền thông sẽ được giới thiệu trên Mực Tím Online (muctim.tuoitre.vn) để độc giả bình chọn bằng cách thả tim + like dưới bài viết trong thời gian 1 tuần trước Ngày hội khoa học.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: