Gen Z bây giờ: bật chế độ ‘không làm phiền’ trên điện thoại cả ngày?

Thứ ba, 12/11/2024 14:55 (GMT+7)

Một bài đăng trên Threads về thói quen bật “Không làm phiền” cả ngày của gen Z nhanh chóng gây sốt, thu hút hàng ngàn lượt thích và bình luận.

Gen Z bây giờ: bật chế độ ‘không làm phiền’ trên điện thoại cả ngày?- Ảnh 1.

Bật chế độ "Không làm phiền" toàn thời gian đang là xu hướng của gen Z? - Ảnh minh họa tạo bởi AI

Vừa qua, một bài đăng trên nền tảng Threads của một bạn trẻ về thói quen bật chế độ "Không làm phiền" (Do Not Disturb) trên iPhone toàn thời gian, chứ không chỉ khi đi ngủ hay cần không gian cá nhân, đã nhanh chóng nhận được gần 100.000 lượt xem, hơn 4.000 lượt thích và hàng trăm bình luận thể hiện sự đồng tình chỉ sau 1 ngày đăng tải.

Những bình luận dưới bài đăng cho thấy đây không phải là câu chuyện của riêng ai. Từ học sinh, sinh viên đến người trẻ đi làm, nhiều người đều đồng cảm với xu hướng này và chia sẻ thói quen giống nhau, thậm chí còn coi đó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của họ.

Vậy điều gì đã khiến việc bật "Không làm phiền" trở thành trào lưu của người trẻ?

Gen Z bây giờ: bật chế độ ‘không làm phiền’ trên điện thoại cả ngày?- Ảnh 2.

Bài đăng của một bạn nữ gen Z về thói quen bật chế độ "Không làm phiền" trên điện thoại thu hút đông đảo sự quan tâm - Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH

Gen Z bây giờ: bật chế độ ‘không làm phiền’ trên điện thoại cả ngày?- Ảnh 3.
Gen Z bây giờ: bật chế độ ‘không làm phiền’ trên điện thoại cả ngày?- Ảnh 4.

Nhiều bạn trẻ thể hiện sự thích thú với tính năng này - Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH

Lý do chọn "không làm phiền" phổ biến từ gen Z

1. Tránh cảm giác bị động từ thông báo liên tục

Trung Quân (20 tuổi, sinh viên Trường đại học FPT TP.HCM) chia sẻ: "Mình cảm thấy rất thoải mái khi bật chế độ ‘Không làm phiền’ suốt cả ngày, không phải lo lắng vì các tin nhắn từ nhóm học tập hay công việc cứ đổ dồn dập đến. Việc tự chọn thời điểm kiểm tra tin nhắn giúp mình không còn cảm giác bị thúc giục hay căng thẳng. Đây là cách mình tự bảo vệ tâm lý, mình chỉ muốn đọc tin nhắn khi bản thân sẵn sàng".

Thật vậy, không chỉ riêng Quân, hiện nay nhiều bạn trẻ cho rằng tiếng thông báo từ các nhóm chat học tập, làm việc đang trở thành "gánh nặng" hơn là một công cụ liên lạc.

Với họ, âm thanh tin nhắn không còn đơn thuần là tín hiệu của sự kết nối, mà lại dễ trở thành nguyên nhân gây mất tập trung và căng thẳng. Vì vậy, việc bật "Không làm phiền" là một cách để duy trì sự bình tĩnh, giúp họ chủ động hơn trong việc xử lý công việc và thông tin cá nhân.

2. Thói quen mang lại cảm giác "bình yên"

Một số bạn trẻ bật "Không làm phiền" để giữ sự yên tĩnh cho bản thân, giúp tránh những gián đoạn không cần thiết trong các hoạt động như học tập hay làm việc. Với họ, đây là cách bảo vệ tâm trạng và nâng cao năng suất.

"Một số ngày, mình bật ‘Không làm phiền’ toàn thời gian để tập trung hơn vào việc học. Bởi tiếng thông báo của điện thoại rất dễ làm mình bị ngắt mạch tư duy, phải mất thời gian lấy lại trạng thái tập trung. Chế độ này giúp mình không bị gián đoạn khi cần ôn tập trước những ngày kiểm tra, thi cử quan trọng" - Trâm Anh (học sinh lớp 10 tại quận 5, TP.HCM) thổ lộ.

3. Yếu tố thẩm mỹ

Một lý do nghe có vẻ "không liên quan" nhưng lại khá phổ biến là do các bạn trẻ yêu thích biểu tượng mặt trăng của chế độ này. Họ cho rằng biểu tượng nhỏ bé này tạo điểm nhấn độc đáo, giúp màn hình khóa điện thoại trông đặc biệt, xinh xắn hơn.

Tuy nghe có vẻ khá kỳ lạ, nhưng đối với một số người, trải nghiệm thẩm mỹ cũng là một yếu tố quan trọng khi sử dụng công nghệ.

Gen Z bây giờ: bật chế độ ‘không làm phiền’ trên điện thoại cả ngày?- Ảnh 5.

Biểu được mặt trăng xinh xắn được nhiều bạn trẻ yêu thích - Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH

Thực tế, bình luận trong bài đăng cũng cho thấy nhiều bạn trẻ bật "Không làm phiền" không hoàn toàn chỉ vì công dụng. Họ mở chế độ này suốt ngày để biểu tượng mặt trăng luôn hiển thị, nhưng vẫn tùy chỉnh cho phép nhận thông báo từ một số ứng dụng mạng xã hội, nhắn tin và cuộc gọi quan trọng.

4. Xây dựng ranh giới trong kết nối số

Đối với một số bạn trẻ khác, bật chế độ "Không làm phiền" cả ngày giúp họ duy trì một ranh giới rõ ràng giữa công việc, học tập, mạng xã hội và cuộc sống cá nhân.

Cụ thể, chế độ này giúp họ tách biệt "hai thế giới", cho phép tập trung vào những điều quan trọng trong những khoảng thời gian riêng tư, tránh bị quá tải thông tin. Họ chỉ kết nối khi thật sự cần thiết, từ đó duy trì sự kiểm soát tốt hơn trong thời đại số hóa.

"Mình cảm thấy bật chế độ ‘Không làm phiền’ cả ngày giúp mình giữ được ranh giới và sự cân bằng giữa thế giới ảo và cuộc sống thật. Khi bật chế độ này, mình chỉ nhận thông báo từ những người hoặc ứng dụng thực sự quan trọng.

Nhờ vậy, mình có thể tập trung vào những việc cần làm mà không bị phân tâm, cũng không bị cảm giác ‘ngợp’ khi thông báo từ mạng xã hội cứ liên tục ập đến", Thiều Quang (24 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết.

Khi "Không làm phiền" cũng đồng nghĩa với không kết nối

Dù mang lại nhiều lợi ích, song xu hướng này cũng không tránh khỏi những nhược điểm. Cụ thể, việc đặt trạng thái "Không làm phiền" suốt ngày đôi khi khiến các bạn trẻ rơi vào tình huống "đứng ngoài cuộc".

Một số bạn cho rằng dù yêu thích sự yên tĩnh và không gian riêng, nhưng điều này cũng làm họ bỏ lỡ nhiều cơ hội kết nối với bạn bè, gia đình.

Thậm chí, một số bạn còn cảm thấy lấn cấn vì có thể bị xem là thờ ơ hoặc thiếu quan tâm. Bởi không ít lần, khi quay trở lại kiểm tra điện thoại, họ nhận ra mình đã bỏ qua hàng loạt tin nhắn từ những người thân yêu.

Gen Z bây giờ: bật chế độ ‘không làm phiền’ trên điện thoại cả ngày?- Ảnh 7.

Đừng để "Không làm phiền" trở thành không quan tâm, không kết nối - Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH

Bạn Bích Ngọc (sinh viên năm nhất Trường đại học Công nghiệp TP.HCM) chia sẻ: "Mình nhiều lần đã bỏ lỡ những cuộc gọi quan trọng của gia đình hoặc tin nhắn từ bạn bè, đôi khi là cả những cuộc hẹn, sự kiện do không thấy thông báo. Có lần mình quên luôn ngày kỷ niệm quan trọng với bạn thân vì chế độ này khiến mình không nhận được nhắc nhở".

Đây có lẽ là một trong những vấn đề cần cân nhắc, để không biến "Không làm phiền" trở thành không quan tâm. Có lẽ đôi khi, chúng ta vẫn cần một khoảng kết nối đủ để đừng lỡ mất những điều quan trọng bên ngoài chiếc điện thoại.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: