Muốn từ chối mà không dám nói, phải làm sao?

Thứ bảy, 26/10/2024 11:07 (GMT+7)

Đây là những tình huống khó xử mà bạn bè đã gặp phải và được chuyên gia tư vấn cách gỡ rối. Hình như có nhiều bạn cũng rơi vào trường hợp này lắm nha!

Muốn từ chối mà không dám nói, phải làm sao?- Ảnh 1.

Minh họa được thực hiện bằng AI

* Em và bạn ấy chơi vui vẻ với nhau. Tuy nhiên, bạn có tật hay mượn tiền xong lại không tự giác trả. Bạn mượn, không cho thì em thấy ngại. Vậy em nên làm cách nào để từ chối bạn?

(Gia Bảo, lớp 6, TP.HCM)

- Trước hết, em hãy tìm hiểu xem bạn mượn tiền của em để sử dụng vào mục đích gì? Bạn dùng để mua đồ dùng cần thiết (sách vở, dụng cụ học tập, đồ ăn sáng...) hay để tiêu xài vào những sở thích cá nhân (ăn quà vặt, uống trà sữa, nạp thẻ chơi game, xem phim...).

Trường hợp bạn mượn tiền của em để dùng cho sở thích cá nhân (không phải là nhu cầu thiết yếu) thì em hãy từ chối bạn một cách dứt khoát. Nếu em còn nể nang, sợ bạn phật ý mà tiếp tục cho bạn mượn tiền, bạn sẽ còn lợi dụng em thêm nhiều lần khác nữa.

Chỉ riêng việc bạn không giữ chữ tín (mượn tiền mà không tự giác trả) đã đủ khiến em từ chối bạn rồi.

Em nên nói rõ quan điểm rằng: “Tớ cảm thấy rất không thoải mái khi lần trước cậu mượn tiền tớ mà chưa trả. Tớ rất xin lỗi vì lần này tớ không thể cho cậu mượn tiền tiếp được. Có thể cậu sẽ giận tớ, nhưng tớ thực sự không ủng hộ việc cậu dùng tiền vào những việc không cần thiết như vậy”.

Hoặc em có thể chọn cách nói nhẹ nhàng hơn: “Đúng là tớ đang có tiền, nhưng tớ không thể cho cậu mượn được vì tiền này mẹ tớ cho để mua đồ dùng học tập. Mà lần trước cậu mượn, cậu vẫn chưa trả tớ đúng không nhỉ?”

Trường hợp bạn mượn tiền của em để mua những thứ cần thiết thì em cũng không có trách nhiệm phải cho bạn mượn tiền. Lẽ ra bạn nên nói với ba mẹ để ba mẹ cho bạn tiền mua những thứ đó. Nếu gia đình bạn quá khó khăn bạn có thể nhờ giáo viên chủ nhiệm giúp đỡ.

Em hãy nói với bạn rằng: “Tớ cảm thấy rất không thoải mái khi cậu mượn tiền tớ mà không trả. Tớ biết cậu cần tiền mua sách vở, nhưng lẽ ra cậu nên xin ba mẹ hoặc nói với thầy/cô giáo chủ nhiệm của chúng mình để nhờ thầy/cô giúp đỡ”.

* Bạn học yếu môn Toán nhưng mỗi lần em kèm cặp, bạn ấy đều không tập trung học. Khi giáo viên giao bài tập, bạn hay hỏi em cách làm mà ít chịu suy nghĩ. Em không muốn gửi bạn xem bài giải nữa mà muốn bạn tự học, tự có trách nhiệm với việc của mình. Em phải làm sao để nói không với bạn mà vẫn giữ được tình bạn?

(Tuấn Kiệt, lớp 8, TP.HCM)

- Dù em có thiện chí muốn giúp đỡ bạn học, nhưng nếu bạn không tập trung và nghiêm túc học thì sẽ không tiến bộ được. Nếu em còn tiếp tục gửi bạn xem cách làm bài thì đúng là chỉ càng khiến cho bạn nảy sinh tâm lý ỷ lại, trông chờ vào em mà không chịu tự động não suy nghĩ.

Trong trường hợp này, để giúp bạn, em nên thẳng thắn nói rõ với bạn về quan điểm của em và đề nghị bạn tự giác, nghiêm túc hơn.

Em có thể nói như sau: “Tớ sẵn sàng gửi bài của tớ cho cậu tham khảo, nhưng nếu cậu chỉ chép lại mà không chịu tự mình suy nghĩ thì không hiểu bài được đâu. Lúc vào phòng thi, không có tớ đưa bài cho cậu thì cậu sẽ làm thế nào? Tớ mong rằng khi chúng mình học cùng nhau, cậu sẽ tập trung hơn. Có chỗ nào không hiểu, cậu nói cho tớ biết để chúng mình cùng tìm cách giải nhé!”.

* Bạn ấy thích em và hay tặng quà, mua đồ ăn cho em. Tuy nhiên, em lại không thích bạn ấy và cũng không muốn nhận quà nữa. Em nên từ chối sao để bạn đừng tổn thương?

(Q.K, lớp 8, TP.HCM)

- Đúng là khi bạn thích và quan tâm tới em như vậy mà em từ chối bạn thì ít nhiều bạn cũng sẽ cảm thấy buồn. 

Nhưng nếu vì sợ làm bạn tổn thương mà em cứ úp mở không rõ ràng, vẫn cứ tiếp tục nhận quà sẽ khiến bạn hiểu nhầm rằng em cũng thích bạn và âm thầm nuôi hy vọng.

Đến lúc bạn biết được em không có tình cảm với bạn, bạn sẽ càng tổn thương hơn. Thậm chí, bạn có thể nghĩ rằng em lợi dụng việc bạn ấy thích em để nhận quà, đồ ăn từ bạn ấy.

Bởi thế, em nên tìm cơ hội thích hợp để nói với bạn một lời từ chối lịch sự, chẳng hạn như: “Tớ rất cảm ơn cậu vì thời gian qua cậu luôn quan tâm tới tớ và mua cho tớ thật nhiều quà và đồ ăn. Tuy nhiên, nếu cậu còn tiếp tục làm như vậy sẽ khiến tớ rất khó xử.

Mọi người nhìn vào có thể nghĩ tớ với cậu đang có gì đó với nhau hoặc tớ đang lợi dụng cậu. Mà tớ thì không muốn có bất cứ sự hiểu lầm nào ảnh hưởng tới tình bạn trong sáng giữa tớ với cậu”.

Muốn từ chối mà không dám nói, phải làm sao?- Ảnh 4.

Mình đang muốn giảm cân mà các bạn rủ mình ăn hoài. - Minh họa được thực hiện bằng AI

Trước khi từ chối, em hãy tự đặt mình vào vị trí của người bạn đó để thông cảm với tâm trạng của bạn. Chỉ cần em nói chuyện nhã nhặn, không tỏ ra coi thường hay xúc phạm tình cảm của bạn thì bạn sẽ hiểu ra và chấp nhận lời từ chối của em thôi.

3 cách nói không bạn nên biết

Tùy từng tình huống cụ thể, bạn có thể lựa chọn hình thức và cách diễn đạt lời từ chối theo 1 trong 3 cách dưới đây cho thích hợp nhé!

1. Dứt khoát: Trong trường hợp bạn thấy không thể thực hiện hành động mà người khác muốn mình làm thì cần từ chối dứt khoát, rõ ràng. Khi đó, bạn có thể nói là: “Không!”, “Không, không thể được!”, “Không! Không nói đến việc này nữa!”.

Nếu được bạn rủ hút thử thuốc lá điện tử, bạn hãy nói: “Không, tớ không hút đâu!”, “Không! Cậu đừng có rủ tớ thử mấy thứ này!”.

2. Trì hoãn: Trong trường hợp bạn có thể làm theo như lời đề nghị nhưng chưa phải lúc này hoặc cần thời gian để suy nghĩ thêm thì từ chối theo cách trì hoãn. Khi đó, bạn nói: “Hiện giờ tôi chưa sẵn sàng để thực hiện”; “Tôi phải hỏi ý kiến gia đình/ ai đó đã”...

Với tình huống được rủ chơi game online khi chưa làm xong bài, bạn có thể nói: “Tớ vẫn chưa làm xong bài nên chưa thể chơi được bây giờ. Khi nào làm xong bài, tớ sẽ nhắn cậu rồi mình cùng chơi nhé!”.

3. Thương lượng: Trong trường hợp hành động mà người khác muốn bạn làm mang tính tiêu cực nhưng người đó có thiện chí muốn giúp bạn thì bạn đưa ra cách làm khác thay thế mang tính tích cực mà cả hai bên đều chấp nhận được. Khi đó, bạn có thể nói: “Làm ... thay vì ...”, “Tôi sẽ không làm thế, chúng ta hãy làm ...”, “Làm gì đó khác đi”.

Chẳng hạn, khi bạn rủ đi xe máy mà không đội nón bảo hiểm, bạn hãy nói là: “Để tớ chạy đi mượn nón bảo hiểm đã nhé!” hoặc “Cậu cứ đi trước đi. Tớ gọi xe ôm rồi tới đó sau cũng được!”

ThS. NGUYỄN HẢI ANH - chuyên gia về bảo vệ trẻ em, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: