Gen Z Hà Nội thiết kế bộ Hàng Trống Tarot lấy cảm hứng từ tranh dân gian

avatar MAI TRÚC

Thứ sáu, 22/03/2024 14:16 (GMT+7)

Hàng Trống Tarot là dự án lấy cảm hứng dòng tranh thờ Hàng Trống vào thiết kế bộ bài tarot do tác giả Trịnh Lê Ngọc Hân (Hà Nội) thực hiện.

Gen Z Hà Hội thiết kế bộ Hàng Trống Tarot lấy cảm hứng từ tranh dân gian- Ảnh 1.

Tác giả Ngọc Hân ứng dụng chất liệu dân gian Việt Nam - dòng tranh thờ Hàng Trống - vào thiết kế Hàng Trống Tarot- Ảnh: NVCC

Độc đáo Hàng Trống Tarot

Trịnh Lê Ngọc Hân (1998) - tác giả của Hàng Trống Tarot - hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, mảng thiết kế đồ họa.

Trên fanpage cá nhân chuyên bán các sản phẩm tự thiết kế, Ngọc Hân cho biết bộ bài của bạn được phát triển từ nét vẽ và màu sắc đặc trưng của tranh thờ Hàng Trống.

"Tranh Hàng Trống nổi bật không những về màu sắc mà còn về hệ thống hoa văn mềm mại, không quá đối xứng nhưng vẫn tạo ra cảm giác hài hoà, cân đối" - Hân cho biết.

Gen Z Hà Hội thiết kế bộ Hàng Trống Tarot lấy cảm hứng từ tranh dân gian- Ảnh 2.

Tác giả Trịnh Lê Ngọc Hân - Ảnh: NVCC

 

Hàng Trống Tarot bao gồm bộ thẻ bài gồm 78 lá có kích thước 7,4 x 12 x 4cm, được làm từ chất liệu giấy mỹ thuật.  

Gen Z Hà Hội thiết kế bộ Hàng Trống Tarot lấy cảm hứng từ tranh dân gian- Ảnh 3.

Hàng Trống Tarot nhận được nhiều phản ứng tích cực từ khách hàng lẫn chuyên gia - Ảnh: NVCC

Đặc biệt, tác phẩm của Ngọc Hân được Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hòa (Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội) nhận xét là bộ bài tarot kỳ công. Bộ tarot này được Tiến sĩ Thu Hòa thêm vào album ảnh "Sách tranh dân gian Hàng Trống" trên Facebook cá nhân.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hoà (Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội) được biết đến là nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm các dòng tranh dân gian Việt Nam.

Tiến sĩ Thu Hoà còn là tác giả của nhiều cuốn sách quý về di sản văn hoá Việt Nam trải suốt 3 miền Bắc, Trung, Nam như: Đồ mã Việt Nam, Tranh dân gian đồ thế Việt Nam, Tranh dân gian kính Việt Nam, Dòng tranh dân gian Huế, Dòng tranh dân gian Hàng Trống, Tín ngưỡng thờ các vị thần lửa Việt Nam...

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hoà còn dành lời khen : "Mỗi một lá bài là một câu chuyện nho nhỏ, một bức tranh dân gian cho một đề tài tương đối hiện đại, Á Âu kết hợp. Thật vui khi có những sản phẩm đầu tư chỉn chu, tâm huyết như vậy".

Cô bạn gen Z yêu văn hóa truyền thống

Năm 2018, Ngọc Hân lần đầu ứng dụng chất liệu dân gian vào thiết kế. Khi ấy, Hân chỉ làm ứng dụng đơn giản cho nhận diện thương hiệu, bao bì và nhận được những phản hồi tích cực. Đó là động lực, giúp Hân kiên trì theo đuổi đam mê với chất liệu dân gian.

Ý tưởng làm Hàng Trống Tarot đến từ khi bạn còn đi học. Năm 2022, khi làm đồ án, Hân muốn tìm chủ đề mới lạ, có tính ứng dụng cao nhưng vẫn có thể phát triển các yếu tố văn hoá, nghệ thuật dân gian Việt Nam. Từ đó, ý tưởng về bộ tarot bắt đầu nhen nhóm.

Gen Z Hà Hội thiết kế bộ Hàng Trống Tarot lấy cảm hứng từ tranh dân gian- Ảnh 4.

Lá Hai gậy xuất hiện hình ảnh bánh chưng, bánh dày đặc trưng của văn hoá Việt - Ảnh: NVCC

Ngọc Hân mất gần một năm để hoàn thành sản phẩm. Trong quá trình thực hiện, bạn được các thầy cô góp ý, hỗ trợ chỉnh sửa. Sau khi ra trường, bạn lại tiếp tục chỉnh sửa, thậm chí làm lại một số lá bài.

Ngọc Hân thừa nhận mình đã từng có ý định dừng dự án này, nhất là thời điểm 4 tháng đầu khi bắt tay vào làm. Do thời gian gấp rút, nghiên cứu ban đầu còn hạn chế nên bạn chỉ hoàn thiện được 22 lá thuộc bộ Ẩn Chính. Thêm nữa, những phản hồi chưa tốt của giảng viên hướng dẫn cũng như hội đồng chấm bài cũng khiến bạn lo lắng. Đã có lần bạn nghĩ đến việc đổi chủ đề. Thế nhưng sau tất cả, bạn vẫn kiên trì với dự án.

Kết quả, đồ án gồm 22 lá Ẩn Chính (hay còn gọi là Major Arcana - các lá bài quan trọng của bộ bài tarot) của Ngọc Hân được hội đồng chấm bài đánh giá khá tốt và ghi nhận tiềm năng phát triển.

Gen Z Hà Hội thiết kế bộ Hàng Trống Tarot lấy cảm hứng từ tranh dân gian- Ảnh 5.

Mỗi lá bài đều là tâm huyết của tác giả, phải trải qua nhiều lần chỉnh sửa và được trau chuốt đến từng chi tiết - Ảnh: NVCC

Ngoài ra, những lá bài tái hiện lại trang phục cung đình Việt Nam cũng khiến tác giả phải bỏ ra rất nhiều tâm sức do tư liệu và hình ảnh chi tiết về các loại trang phục này khá khan hiếm.

"Trước tiên, mình phải tìm được bản chụp trải phẳng và rõ nét của trang phục. Sau đó đến công đoạn sao chép chi tiết các họa tiết. Và cuối cùng là giản lược họa tiết để có được phần minh hoạ phù hợp với kích thước nhỏ của lá bài mà vẫn nhìn ra được nét đặc trưng của loại trang phục được minh họa", Hân kể.

Những nét thú vị của Hàng Trống Tarot

Bài Tarot thường được vẽ theo hai chuẩn: Rider Waite và Mademoiselle. Bộ Hàng Trống Tarot của Ngọc Hân được vẽ theo chuẩn Raider Waite, bao gồm 22 lá Ẩn Chính và 56 lá Ẩn Phụ.

Ý nghĩa các lá bài được Ngọc Hân giữ nguyên 70% tinh thần so với Raider Waite. Sự khác biệt lớn nhất là hình ảnh minh họa cũng như các yếu tố văn hoá dân gian được cài cắm.

Ví dụ, thông thường bài tarot sẽ có 16 lá thuộc bộ "Hoàng gia" (Court cards), nhưng trong Hàng Trống Tarot thì mình đổi tên thành bộ "Hoàng tộc".

Hoặc như trong lá Hai gậy (Two of wands) có hình ảnh quả địa cầu nhỏ thì Ngọc Hân thay bằng hình ảnh bánh chưng, bánh dày.

"Điều này xuất phát từ quan niệm "trời tròn đất vuông" của văn hoá Việt Nam gửi gắm trong hai loại bánh. Đồng thời, bánh chưng, bánh dày còn tượng trưng cho Tết, báo hiệu năm cũ đã qua và năm mới đang đến. Do đó cũng ngụ ý rằng những trải nghiệm mới mẻ đang đến với bạn", Ngọc Hân bật mí.


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: