Giải Lê Quý Đôn: hướng dẫn làm bài Ngữ văn kỳ 2

Mời bạn đọc theo dõi hướng dẫn làm bài Ngữ văn kỳ 2 Giải Lê Quý Đôn trên ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ.

Giải Lê Quý Đôn: hướng dẫn làm bài Ngữ văn kỳ 2 - Ảnh 1.

Đề bài thi Ngữ văn kỳ 2

Dưới đây là hướng dẫn gợi ý làm bài môn Ngữ văn kỳ 2 Giải Lê Quý Đôn trên ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ:

“Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác, và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người”. - Voltaire.

Các bạn thân mến!

Kho báu trong lòng sách là một bộ đề giàu suy tưởng. Sách vừa quen thuộc với tất cả chúng ta, lại vừa thú vị mới lạ khi ta mở ra một quyển sách (dù cũ hay mới). Nếu coi kho báu là nơi chứa những báu vật diệu kì, làm giàu thêm cuộc sống con người thì quả thật, trong lòng mỗi quyển sách đều chứa đựng kho báu.

Chuẩn bị hành trang

Bạn có biết những thiên tài nổi tiếng như Karl Marx, Lenin, Napoleon, Balzac, hay Mark Zuckerberg… đều nổi tiếng là những người đọc sách thần tốc? Napoleon đọc được 2.000 từ trong vòng một phút, văn hào Balzac đọc một cuốn tiểu thuyết vài trăm trang chỉ trong vòng nửa giờ.

Để đọc nhanh mà vẫn hiệu quả, có nhiều kỹ thuật bạn có thể thử: Kỹ thuật quét mắt (di chuyển mắt theo một đường chéo từ trên xuống dưới hoặc từ trái sang phải để nhìn được nhiều từ cùng một lúc); Kỹ thuật đọc theo nhóm từ (đọc nhanh bằng cách nhìn vào một nhóm từ thay vì từng từ một, giúp người đọc nhận thức được ý chính của câu); bạn cũng có thể đọc phần giới thiệu để tìm ra nội dung chính, sau đó đọc phần kết luận, rồi quay lại đọc lướt các chương để tìm và đọc những phần quan trọng nhất.

Ở chặng này, bạn hãy giới thiệu tên một quyển sách (hoặc một tác phẩm) giúp bạn có thêm kiến thức, giúp bạn có thêm ý chí, nghị lực, giúp bạn hiểu hơn về tình bạn hoặc tình cảm gia đình. Bạn nhớ ghi rõ cả tên tác giả, tên nhà xuất bản, năm xuất bản, nội dung chính của quyển sách ấy nhé.

(Chẳng hạn bộ truyện Doraemon của Fujiko F. Fujio và Motoo Abiko được NXB Kim Đồng xuất bản lần đầu tiên năm 1996; tác phẩm Người đua diều của Khaled Hosseini được Riverhead Books xuất bản năm 2003; Cây cam ngọt của tôi của José Mauro de Vasconcelos - Nhã Nam xuất bản năm 2020).

* Kết thúc chặng này, kho báu của bạn là kỹ năng tìm thêm được nhiều kho báu khác!

Nào ta lên đường

Trong chặng đường này, bạn hãy tìm đọc và tóm tắt một cuốn sách (hoặc tác phẩm) theo thể loại (thơ, truyện, tản văn…) mà bạn đã học.

Để làm tốt thử thách này, bạn đọc kỹ tác phẩm. Khi viết, bạn nên mở đầu mọi bài tóm tắt bằng cách nhắc đến tác giả và tựa đề của tác phẩm, viết ý chính của từng phần và cần đảm bảo chỉ tóm tắt tác phẩm gốc, không nên xen vào ý kiến riêng. Với các tác phẩm không được tác giả viết theo trình tự tự nhiên, bạn sắp xếp lại bài tóm tắt theo trình tự thời gian nhé.

* Kho báu ở chặng này: bạn đem kho báu của cá nhân khoe với mọi người để mỗi chúng ta đều càng giàu có hơn!

Vượt chướng ngại vật

Trong một cuộc khảo sát online với 60 bạn trẻ, khi được hỏi dùng thời gian rảnh để làm việc gì là chủ yếu, có đến 41,7% bạn trẻ trả lời là lên mạng, 20% xem phim, 16,7% nghe nhạc và chỉ có 15% là sách, thời gian đọc sách cũng không nhiều.

Vì sao giới trẻ ít đọc sách? Có thể thấy, hai nguyên nhân chủ yếu khiến đa số chúng ta ít đọc sách, đó là không có thời gian (áp lực học hành căng thẳng, mạng xã hội chiếm nhiều thời gian...) và đọc sách không có sự tương tác nên dễ gây chán. Vậy theo các bạn, có cách nào để các bạn quay trở lại với sách không? Một vài giải pháp đề xuất:

Mỗi gia đình phải tạo thói quen đọc sách cho con từ khi còn nhỏ bằng cách cha mẹ làm gương, cho con tiếp xúc với sách sớm. Giáo sư Ngô Bảo Châu từng chia sẻ: phòng khách nhà ông chỉ có kệ sách, không có tivi nên các con ông ưa đọc sách.

Nhà trường nên đa dạng hóa các hoạt động liên quan đến việc đọc và giới thiệu sách, tổ chức các không gian mở, khuyến khích tạo ra góc đọc sách, trưng bày sản phẩm lấy cảm hứng từ văn học - nghệ thuật... từ đó truyền cảm hứng và tạo niềm đam mê cho các bạn.

* Kho báu ở chặng này bạn có được: xây dựng, phát triển kho báu bằng nỗ lực bản thân!

Vượt qua thử thách

Bạn hãy tập trở thành một nhà thơ nhỏ, để mọi người nhận ra, trẻ con có cái nhìn thú vị, suy nghĩ sâu sắc của trẻ con; trẻ con không phải là người lớn thu nhỏ, trẻ con cũng là một triết gia nhỏ xinh.

Khi tập làm thơ, cần chú ý xác định rõ đề tài (viết về ai, về điều gì) và cảm xúc, suy nghĩ… của bản thân về điều mình định viết; chú ý đảm bảo số chữ trong mỗi dòng thơ và cách gieo vần của bài thơ đã nêu trong phần Kiến thức ngữ văn. Với chủ đề Kho báu trong lòng sách, bạn có thể nêu cảm nhận về một quyển sách cụ thể hoặc giá trị của sách nói chung. Bạn nhớ lựa chọn từ ngữ thích hợp, vận dụng các biện pháp tu từ như: so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, điệp cấu trúc… phù hợp.

* Kho báu ở chặng này, thú vị thay, do chính bạn tạo ra đấy, sáng tạo và độc nhất vô nhị!

Niềm vui trên đường

Trên chặng đường đi tìm kho báu, ta nhặt được nhiều bất ngờ, nhiều mới lạ, nhiều niềm vui. Niềm vui lớn nhất có lẽ là ta được gặp những con người thú vị. Mỗi người ta gặp cũng là một quyển sách chứa kho báu mà ta cần khám phá. Có lẽ họ cần xuất hiện để dạy cho chúng ta biết điều gì đó hoặc sẽ giúp đỡ chúng ta nhận ra điều gì đó…

Một người yêu thương bạn, để bạn nhận ra, tình yêu là điều tốt đẹp nhất ta có thể dành cho nhau, dù bạn nghèo hay giàu cũng vậy.

Một người làm tổn thương bạn, có lẽ để bạn nhận ra rằng, tha thứ là cách duy nhất để buông bỏ phiền não.

Một người hiểu bạn, để bạn hiểu rằng, không cần quá nhiều bạn bè, chỉ cần ai đó hiểu mình, trong cuộc đời này, là đủ.

Hiểu được điều đó, ta học cách trân trọng những con người bình thường trong cuộc đời, có thể họ vô danh, có thể chúng ta chỉ lướt qua đời nhau...nhưng chắc chắn, trong khoảnh khắc va chạm ngắn ngủi ấy, ta có thêm một mảnh kì diệu nào đó, góp phần hình thành nên con người chúng ta.

* Ở chặng này, có lẽ bạn đã nhận ra, những con người đang đồng hành cùng mình trong cuộc sống chính là kho báu!

Khám phá kho báu

Theo bạn, “kho báu” chứa trong các cuốn sách là gì? Hãy viết bài văn để bàn luận hoặc kể câu chuyện về “kho báu” ấy.

Để chinh phục chặng đường này, bạn hãy tự hỏi: Vì sao sách cũng là kho báu? Của cải ở kho báu ấy là gì? Kho báu ấy quý giá như thế nào? Vì sao có thể nói của cải ở kho báu ấy là vô tận? Của cải thu được từ kho báu ấy giúp con người những gì?

Tiếp theo, bạn sắp xếp, chọn thể loại phù hợp để bàn luận hoặc kể câu chuyện về kho báu ấy. Thể loại nào cũng có đặc trưng riêng, bạn cần chú ý nhé. Nếu kể chuyện giúp bạn rèn trí tưởng tượng, óc sáng tạo, gần với nghệ thuật thì nghị luận lại giúp bạn biết cách nhìn nhận vấn đề ở nhiều góc độ, biết vận dụng ngôn ngữ để trình bày và thuyết phục mọi người.

Kết hợp nhiều phương thức biểu đạt một cách hợp lí, bài viết của bạn sẽ càng hay hơn. Có thể cái nhìn về kho báu trong lòng sách của bạn không giống với số đông, cứ mạnh dạn nhé, độc đáo chính là giá trị quý báú của mỗi cá nhân.

“Đọc sách hay cũng giống như trò chuyện với các bộ óc tuyệt vời nhất của những thế kỷ đã trôi qua”. - Rene Descartes. Chúc các bạn luôn giữ được tình yêu với sách, một trong những điều kì diệu của loài người.

* Kho báu ở chặng này, bạn nhận ra, quả thật trong lòng sách là kho báu, lặng lẽ, khiêm tốn chờ đợi được bạn khám phá, sử dụng!

Cô NGUYỄN THỊ THANH HIỀN & Cô PHẠM VIỆT HƯƠNG (Tổ Ngữ văn Trường THCS Minh Đức, quận 1)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: