Hoạt động tranh biện của Trường Trung học Thực hành Đại học Sư phạm TP.HCM

Thứ bảy, 14/09/2024 19:59 (GMT+7)

Học sinh Trường Trung học Thực hành có cơ hội tiếp xúc với tranh biện thông qua hoạt động trải nghiệm vào giờ ra chơi.

Hoạt động tranh biện của Trường Trung học Thực hành Đại học Sư phạm TP.HCM- Ảnh 1.

Lớp 10.3 cùng đọc và ghi ý kiến trên bảng tranh biện - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG YẾN

Trong tuần đầu tiên đi học, hễ cứ đến giờ ra chơi, bạn Trương Khánh Linh (lớp 10.3) đều đến khu vực bảng tranh biện tại sân J của Trường Trung học Thực hành.

Với chủ đề"Chúng tôi ủng hộ một thế giới mà mọi người tập trung vào việc phát triển điểm mạnh của họ thay vì điểm yếu", Khánh Linh viết ý kiến của mình vào giấy ghi chú rồi dán lên bảng.

Cô bạn cũng được xem qua ý kiến của những bạn học sinh khác về chủ đề này trên bảng.

"Mình có niềm yêu thích với tranh biện từ lâu, nhưng chỉ được xem tranh biện trên truyền hình, hoặc ở trên sách báo chứ chưa trực tiếp tham gia. Vì thế, mình khá hồi hộp khi không biết ý kiến của mình có phù hợp không.

Qua việc nhìn thấy được quan điểm của nhiều bạn khác về cùng một chủ đề, mình có thể mở rộng góc nhìn đa chiều hơn về sự việc, cũng như phát triển khả năng tư duy của bản thân", Khánh Linh chia sẻ.

Hoạt động tranh biện của Trường Trung học Thực hành Đại học Sư phạm TP.HCM- Ảnh 4.

Khánh Linh ghi ý kiến của mình - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG YẾN

Hoạt động này có tên gọi là "Hoạt động giờ ra chơi phát triển tư duy phản biện" do câu lạc bộ tranh biện Panorama thực hiện. Bạn Lưu Tuấn Nghĩa (lớp 12.6, chủ nhiệm câu lạc bộ) cho biết mỗi tuần, các bạn sẽ chọn chủ đề chính rồi tổ chức cho học sinh trường thể hiện quan điểm ủng hộ hoặc phản đối. 

Trước mắt, câu lạc bộ sẽ được tổ chức đến hết tháng 9 rồi tổng kết, đánh giá hoạt động mới quyết định có tiếp tục thực hiện hay không.

"Khi gặp gỡ học sinh khối 10 vào ngày khai giảng, tụi mình nhận ra rằng các em đều chưa biết nhiều về tranh biện. Vì thế, tụi mình quyết định tổ chức hoạt động này để mang đến tinh thần cốt lõi của tranh biện chính là dám nói lên ý kiến của bản thân", Tuấn Nghĩa chia sẻ.

Hoạt động tranh biện của Trường Trung học Thực hành Đại học Sư phạm TP.HCM- Ảnh 5.

Các ý kiến dành cho chủ đề "Chúng tôi ủng hộ một thế giới mà mọi người tập trung vào việc phát triển điểm mạnh của họ thay vì điểm yếu" - Ảnh: NGUYỄN ĐINH BÍCH KHUÊ

Các thành viên câu lạc bộ cũng sẽ đứng tại bảng tranh luận để giải đáp, hỗ trợ và định hướng các học sinh khi các bạn có thắc mắc hoặc cần tham khảo thêm ý kiến. 

Nghĩa cho biết chủ đề tranh biện được chọn từ trang web tổng hợp nội dung của các giải đấu tranh biện trên thế giới. Từ những chủ đề gốc bằng tiếng Anh, các bạn sẽ lựa chọn những chủ đề phù hợp với học sinh rồi dịch sang tiếng Việt.

Trong ngày đầu tiên, câu lạc bộ nhận về 17 ý kiến từ học sinh và số lượng liên tục tăng lên vào những ngày tiếp theo. Nghĩa nhận thấy có nhiều bạn từ việc chỉ đứng đọc giấy ghi chú vào những ngày đầu, đã tham gia nêu ý kiến vào những ngày sau này.

Hoạt động tranh biện của Trường Trung học Thực hành Đại học Sư phạm TP.HCM- Ảnh 6.

Gia Thịnh (lớp 11.7) tham gia viết ý kiến vào giờ ra chơi - Ảnh: NGUYỄN ĐINH BÍCH KHUÊ

"Thông qua hoạt động, tụi mình mong các bạn có dũng khí thể hiện chính kiến, quan điểm của bản thân về bất cứ vấn đề nào trong cuộc sống. Cùng với đó là hình thành tư duy phản biện", Nghĩa nhấn mạnh.

Tuấn Nghĩa chia sẻ qua quá trình tiếp xúc với tranh biện, bạn đã học được bài học về việc tôn trọng ý kiến của tất cả mọi người. Vì mỗi người đều có góc nhìn và cách suy nghĩa rất khác nhau. Bên cạnh đó, tranh biện giúp bạn rèn luyện khả năng lập luận, suy nghĩ logic.

Sắp tới, các bạn có kế hoạch tổ chức một buổi workshop giúp học sinh của trường hiểu rõ hơn về mục đích, tinh thần và ý nghĩa của tranh biện.

Hoạt động tranh biện của Trường Trung học Thực hành Đại học Sư phạm TP.HCM- Ảnh 7.

Các thành viên của Panorama Debate Club Trường Trung học Thực hành Đại học Sư phạm TPHCM - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG YẾN

Panorama Debate Club được thành lập vào năm 2019 với sứ mệnh mang tranh biện đến gần các bạn học sinh hơn. Câu lạc bộ tập trung vào việc giúp học sinh phát triển tư duy, khả năng tranh biện và có thêm các góc nhìn khác nhau về các vấn đề trong xã hội.

Các thành viên sẽ học tranh biện với huấn luyện viên, tham gia các giải đấu tranh biện và giao lưu với các câu lạc bộ tranh biện từ các trường khác.


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: