Học trò và những sự cố bất ngờ từ... mưa

Thứ ba, 08/10/2024 20:37 (GMT+7)

Sáng, đang loay hoay làm việc thì ba của L (lớp 6, TP.HCM) nghe điện thoại reo. Vừa nhấc máy, đầu dây bên kia hỏi có phải phụ huynh của bạn L và cho biết đây là cuộc gọi từ trường của bạn ấy. Chuyện gì thế nhỉ?

Học trò và những sự cố bất ngờ từ... mưa- Ảnh 1.

Trời mưa lớn rồi, tấp vào trú mưa cho an toàn nhé bạn! - Tranh minh họa được thực hiện bằng AI

Một cái chống tay, phải quay về nhà

Hôm ấy trời mưa, sân trơn trượt, L và các bạn đùa nghịch xô qua xô lại. Đang vui vẻ ê hề, L trượt chân.

Theo phản xạ, bạn đưa tay chống xuống đất rồi bật dậy chơi tiếp. Ui da… L nhăn nhó, phẩy phẩy bàn tay. Tối qua, trong lúc chơi đùa, bạn đã có cảm giác nhói nhói ở ngón tay. Sau cú té ngã hôm nay, ngón tay mỗi lúc một đau và bắt đầu sưng lên.

Không chịu nổi, bạn đến phòng y tế nhờ kiểm tra. Kế tiếp, trường liên hệ gia đình bạn đón về, chở đi khám ngay trong buổi sáng.

--> Chơi vui nhưng cũng phải an toàn bạn ơi!

Cuộc gọi hốt hoảng của mẹ

Hơn 5h chiều, mưa như trút nước, đường phố ngập khắp nơi. Theo lịch trình thường ngày, đáng lẽ giờ này N (lớp 8, TP.HCM) đã đi bộ đến trung tâm học cầu lông. Nhưng vì mưa, bạn ở lại trường chơi đùa cùng bạn bè.

Ở một diễn biến khác, mẹ N lo lắng không biết con đang ở đâu nên gọi lòng vòng nhiều người hỏi thăm. Mẹ gọi từ thầy huấn luyện viên đến cô dạy trực tiếp ở trung tâm, rồi giáo viên chủ nhiệm… Gần 6h chiều, ba N thấy nhắn tin không an tâm nên chạy đến trường kiếm N và tìm thấy bạn ấy đang chuyện trò rôm rả với nhóm bạn.

Cả nhà bấn lên, còn N sảng khoái cho biết nhờ mưa, bạn mới được ở trường chơi lâu như vậy và quen thêm nhiều bạn mới. Có mấy bạn còn tranh thủ trường ngập, rủ nhau chụp ảnh làm kỷ niệm.

--> Khi lịch trình hoặc kế hoạch có thay đổi, bạn nên liên hệ với ba mẹ báo cáo tình hình. Nếu không mang theo điện thoại di động, bạn có thể mượn điện thoại của bạn bè, thầy cô, bác bảo vệ… để thông báo cho ba mẹ an tâm. Bạn chơi vui nhưng ba mẹ ở nhà lại thấp thỏm. Nhớ nha!

8 lưu ý cho bạn đi học mùa mưa

1. Nếu được, bạn nên mang theo vài vật dụng phòng hờ như áo mưa tiện dụng, dù, nón, bao ni-lông (để che chắn ba lô, bỏ giày/ dép vào)…

2. Bạn phơi giày dép, quần áo trong máy lạnh hoặc lấy máy sấy để chúng nhanh khô và mặc cho sáng hôm sau.

3. Giữ liên hệ với gia đình để ba mẹ biết bạn đang ở đâu, làm gì… Bởi lẽ trời mưa, có khi ba mẹ đón trễ hoặc lịch trình của bạn không theo kế hoạch (như trường hợp của N).

4. Nếu mưa to gió lớn, đường phố ngập, kẹt xe, cây cối gãy đổ… bạn ra đường lúc này có thể gặp nguy hiểm. Chưa kể, sách vở bị ướt, còn bạn sẽ bị nhiễm bệnh.

Vì vậy tốt nhất, bạn nên tạm thời ở lại trường hoặc trú mưa ở hiên nhà dân, siêu thị, nhà sách gần đó. Đừng quên thông báo với gia đình về chuyện này đấy.

5. Gió bất ngờ làm tốc áo mưa và che tầm nhìn của bạn khi chạy xe. Vì vậy, lúc mặc áo mưa, bạn nên dùng tay cầm hai bên vạt áo, tì lên ghi đông xe.

6. Với các bạn đi xe đạp điện, những chỗ ngập nước cao có thể ảnh hưởng đến pin/bình ắc quy và gây hỏng hóc. Vì vậy, bạn nên dừng xe quan sát, xem chỗ nào ít ngập thì dắt xe qua. Còn không, bạn tìm chỗ trú mưa cho an toàn nhé!

7. Nếu đi xe buýt lúc trời mưa, bạn nên đứng ở trạm có mái che, chuẩn bị tiền lẻ/thẻ xe buýt trước. Đồng thời, bạn nên gấp ô trước khi lên xe. Điều này tránh làm ướt sàn xe và làm phiền những hành khách khác.

8. Thay quần áo ướt, tắm nước ấm, giữ ấm cơ thể và sấy khô tóc là những việc bạn cần làm ngay sau khi bị ướt mưa.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: