Kháng kháng sinh chỉ vì uống thuốc linh tinh

Thứ năm, 25/01/2024 14:00 (GMT+7)

Bạn có biết hiện tượng kháng kháng sinh ? Hãy cùng tìm hiểu khái niệm này thông qua vở kịch mang tên Uống thuốc linh tinh, coi chừng... kháng kháng sinh! nhé.

1. Kháng kháng sinh là gì? Một ngày đẹp trời, Nam đang đi chơi thì bỗng thấy khó chịu trong người - vừa ho, vừa đau họng, đầu thì nóng bừng bừng. Hóa ra, có 4 con vi khuẩn đang tác oai tác quái trong cơ thể cậu.

Kháng kháng sinh chỉ vì uống thuốc linh tinh- Ảnh 1.

Ảnh: TRỌNG ANH

2. Nam đi khám bác sĩ. Bác sĩ kết luận cậu bị bệnh viêm họng do vi khuẩn gây ra. Bác sĩ đưa cho Nam 2 liều thuốc kháng sinh, căn dặn kỹ càng thời gian uống, liều lượng thuốc và ngày tái khám.

Kháng kháng sinh chỉ vì uống thuốc linh tinh- Ảnh 2.

Ảnh: TRỌNG ANH

3. Sau khi uống 1 liều thuốc và nghỉ ngơi, sức khỏe Nam dần hồi phục. Nghĩ mình đã hết bệnh, cậu quyết định không đi tái khám. Cùng lúc đó, Ngọc sang rủ Nam đi chơi. Thế là đôi bạn cùng nhau tung tăng khắp phố tìm đồ ăn vặt.

Kháng kháng sinh chỉ vì uống thuốc linh tinh- Ảnh 3.

Ảnh: TRỌNG ANH

4. Đột nhiên, Ngọc thấy khó chịu, người nóng ran, ho sặc sụa. Thấy Ngọc có biểu hiện giống mình, Nam liền đưa cho cô bạn liều thuốc còn lại chưa kịp uống. Ngọc uống thuốc của Nam nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Hóa ra, có 2 con vi rút đang hoành hành trong cơ thể cô.

Kháng kháng sinh chỉ vì uống thuốc linh tinh- Ảnh 4.

Ảnh: TRỌNG ANH

5. Không thể chịu nổi, Ngọc quyết định đi khám bác sĩ, ai ngờ... gặp Nam ở đó. Sau khi nghe hai bạn kể tường tận mọi chuyện, bác sĩ đã hiểu ra vấn đề.

Kháng kháng sinh chỉ vì uống thuốc linh tinh- Ảnh 5.

Ảnh: TRỌNG ANH

6. Nam không khỏi bệnh vì cậu đã tự ý thay đổi thời gian, liều lượng thuốc, còn bỏ lịch tái khám. Hành động này có thể gây ra hiện tượng kháng kháng sinh rất nguy hiểm. Còn Ngọc bệnh ngày càng nặng vì cô đã tự ý dùng thuốc do Nam đưa, trong khi bệnh viêm họng của Ngọc do vi rút gây ra chứ không phải vi khuẩn. Lúc này, hai cô cậu mới nhận ra cái sai của mình.

Kháng kháng sinh chỉ vì uống thuốc linh tinh- Ảnh 6.

Ảnh: TRỌNG ANH

7. Các bạn nhớ kỹ nhé: 2 “anh chàng” kháng sinh to khỏe phía sau chỉ có tác dụng với những bệnh do vi khuẩn (2 nhân vật màu cam và màu vàng) gây ra mà thôi. Còn với những bệnh do vi rút (2 nhân vật màu xanh lá cây và màu tím) gây ra, kháng sinh đành “bó tay” nha các bạn!

Kháng kháng sinh chỉ vì uống thuốc linh tinh- Ảnh 7.

Ảnh: TRỌNG ANH

Kháng kháng sinh là gì?

Khi vi khuẩn gây bệnh tấn công cơ thể chúng ta, hệ miễn dịch sẽ giúp chống lại chúng. Tuy nhiên, cần thêm thuốc kháng sinh để tiêu diệt chúng nhanh hơn và giúp cơ thể mau bình phục.

Khi bạn tiếp xúc với kháng sinh đúng liều lượng và thời gian, vi khuẩn gây bệnh sẽ bị tiêu diệt hết. Tuy nhiên, nếu chúng ta rút ngắn thời gian uống thuốc thì số vi khuẩn gây bệnh còn sót lại sẽ quen dần với kháng sinh và không bị loại kháng sinh đó tiêu diệt nữa. Ghê gớm hơn, chúng sẽ sinh sôi nảy nở và con cháu của chúng cũng có khả năng chống lại loại kháng sinh đó luôn. Đây gọi là hiện tượng kháng kháng sinh.

Kháng kháng sinh nguy hiểm như thế nào?

* Người bệnh nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh sẽ phải kéo dài thời gian nằm viện, khiến chi phí điều trị tăng.

* Bác sĩ phải kết hợp nhiều loại thuốc, khiến bệnh nhân chịu nhiều tác dụng phụ do thuốc gây ra.

* Nếu việc kết hợp nhiều loại thuốc vẫn không có tác dụng, bệnh nhân sẽ tử vong.

* Vi khuẩn kháng kháng sinh có thể lây lan cho những người xung quanh.

Nếu không kiểm soát tốt vấn đề kháng kháng sinh, trong tương lai, tỷ lệ tử vong vì nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh thứ phát trong quá trình điều trị ở bệnh viện sẽ tăng cao và ngày càng ít kháng sinh còn tác dụng tiêu diệt vi khuẩn. Nếu vi khuẩn gây bệnh kháng lại hết các loại kháng sinh đang có thì chúng ta có thể tử vong chỉ do một vết trầy xước đó bạn! Nguy hiểm quá đúng không?

Hãy nhớ kỹ:

* Không được tự ý dùng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

* Khi dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý thay đổi liều lượng, thời gian dùng thuốc.

* Không được tùy tiện giới thiệu loại kháng sinh mình đang dùng cho người khác.

(Những thông tin khoa học được trích từ bài viết “Kháng kháng sinh” của Ths. DƯƠNG VÂN ANH trong sách MỘT SỨC KHỎE)


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: