Không hoang mang nhưng cũng đừng chủ quan với bệnh đậu mùa khỉ

avatar Bác sĩ ĐỖ MINH TUẤN

Thứ sáu, 13/10/2023 09:42 (GMT+7)

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, TP.HCM đã ghi nhận 13 ca mắc đậu mùa khỉ. Bệnh này có triệu chứng thế nào, làm sao để phòng lây nhiễm bệnh...là điều nhiều teen quan tâm hiện nay.

Bệnh đậu mùa khỉ có nguy hiểm không?

So với người “họ hàng” đậu mùa, đậu mùa khỉ được đánh giá hiền hơn. Đậu mùa khỉ hiếm gặp, đường lây hẹp, bệnh ít trở nặng và khả năng thành đại dịch không cao. Tuy vậy, do có “dòng máu” đậu mùa nên đậu mùa khỉ vẫn được xem là bệnh nguy hiểm. Tụi mình không được chủ quan đâu nhé.

Đậu mùa khỉ có triệu chứng giống với thủy đậu, tay chân miệng, làm thế nào để phân biệt?

Với các triệu chứng (sốt, nổi hạch, phát ban, mụn nước, mụn mủ), đậu mùa khỉ trông giống loạt bệnh cùng dáng vẻ là thủy đậu, zona, herpes, tay chân miệng…Nhìn bằng mắt thường sẽ khó phân biệt. Nếu có triệu chứng trên, bạn nên đến ngay cơ sở y tế khám. Đây cũng là cách giúp việc truy vết, cách ly thuận tiện nếu không may mắc bệnh.

Đừng chủ quan với bệnh đậu mùa khỉ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: FREEPIK

Đã có vaccine monkeypox chưa? Nếu có thì cần tiêm ngừa lúc này không?

Vaccine đậu mùa giúp “thanh toán” bệnh đậu mùa vào năm 1980. Trường hợp tiêm ngừa đậu mùa khỉ được tính đến, người ta có thể cho “tái ngũ" vaccine đậu mùa (có hiệu quả với đậu mùa khỉ hơn 80%) hoặc đưa vào vaccine đậu mùa khỉ mới.

Tuy vậy với tính toán về đường lây, bệnh nặng nhẹ... thì hiện chưa cần đến vaccine đại trà, trừ một số đối tượng nguy cơ. Hiện đã có vaccine ngừa kép đậu mùa và đậu mùa khỉ, nếu có lệnh sẽ có mặt sớm.

Làm cách nào phòng lây nhiễm đậu mùa khi? Có cần khẩn trương như hồi covid-19 không?

Đối phó đậu mùa khỉ trong giai đoạn mới chớm thì phòng lây nhiễm là chính. Muốn vậy cần nắm rõ đường lây.

Virus đậu mùa khỉ phát tán dựa trên:

Nguồn lây: động vật bệnh và người bệnh.

Đường lây: đường lây gốc là dịch cơ thể, tổn thương da, niêm mạc, giọt bắn và trung gian từ những vật dụng có tiếp xúc nguồn lây.

Cách lây: mọi hình thức tiếp xúc gần (da - da ,miệng - miệng, miệng - da…).

Kịch bản lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ

* Động vật hoang dã nói chung: bị cắn cào, làm thịt, ăn thịt động vật không nấu kĩ.

* Người bệnh: tiếp xúc, chạm vào người bệnh, qua dính dịch cơ thể, tổn thương da hoặc niêm mạc (mắt, mũi, miệng).

* Vật lây: tiếp xúc, chạm vào các bề mặt, vật dụng từ người bệnh và con vật bệnh.

Hai đường lây đặc biệt

* Đậu mùa khỉ lây qua giọt bắn (ho, hắt hơi), dễ liên tưởng tới COVID-19. Tuy nhiên, giọt bắn của đậu mùa khỉ được cho là “to nặng” hơn nên ít văng xa hơn.

* Tình dục: là một đường lây đáng kể như qua các tiếp xúc gần (da - da, miệng - miệng, miệng - da).

Cần phải nắm kĩ hai đường lây này sẽ giúp giải tỏa ngộ nhận: đánh đồng đậu mùa khỉ với COVID-19 và cho rằng monkeypox chỉ là bệnh của những người trai gái bừa bãi.

Tránh động chạm

Tóm lượt thì “tiếp xúc gần” là yếu tố mấu chốt trong việc đối phó với đậu mùa khỉ. Đặc điểm này giúp nhìn nhận thấu đáo về đậu mùa khỉ:

* Tiếp xúc gần không dễ lây, là tin vui monkeypox không dễ bùng phát thành đại dịch. Điều này để trấn an tâm lý hoang mang của nhiều người.

* Tiếp xúc gần thường ở mức chạm vào, đồng nghĩa nguồn lây có độ “thân mật” cao, không rước bệnh từ người ngoài đường ngoài xá được. Giọt bắn là đường lây “xa” nhất nhưng không phải là đường lây chính của đậu mùa khỉ.

Hạn chế động chạm + rửa tay

Khi đậu mùa khỉ mới manh nha, bạn cần chuẩn bị tinh thần cảnh giác nhưng không hoang mang. Để phòng lây nhiễm, cần làm tốt hai việc: hạn chế động chạm và rửa tay thường xuyên. Động chạm tính chung cho người, vật và vật dụng.

Nhắc lại triệu chứng dè chừng đậu mùa khỉ: sốt, nổi hạch, đau nhức, phát ban, mụn nước, mụn mủ.

Đối tượng nguy cơ

Người dễ mắc bệnh: thân nhân bệnh nhân, nhân viên y tế, người du dịch ở vùng dịch, người có lối sống tình dục “thoáng”, người sống gần hoặc kiếm sống từ động vật hoang dã. Từ thông tin những ca đậu mùa khỉ “nội địa” được công bố, nếu đúng thì virus đã “nhập tịch” không cần du lịch mang về.

Người bệnh dễ trở nặng: trẻ sơ sinh, trẻ em, người già, suy giảm miễn dịch và bệnh nền.

Bệnh đậu mùa khỉ không quá đáng lo nhưng teen cũng tuyệt đối không chủ quan. Những tiếp xúc thân mật, trừ trong nhà có người bệnh, tuổi mới lớn cần dè chừng “tiếp xúc gần giới tính” như ôm ấp, hôn, quan hệ tình dục...


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: