avatar KIM ANH

Thứ bảy, 07/10/2023 10:50 (GMT+7)

Hôm nay (7-10), 48 bạn trẻ được Hội LHTN Việt Nam TP.HCM cùng Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM vinh danh "Người con hiếu thảo" cấp thành năm 2023 nhân Ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam (15-10). Đó là những tấm gương bình dị, thảo hiếu giữa đời.

Mỗi khi lo cho mẹ ăn, Trần Trọng Hiếu lại tỉ tê trò chuyện, động viên mẹ cố gắng chữa bệnh để còn khỏe mà sống với con - Ảnh: K.ANH

Mỗi khi lo cho mẹ ăn, Trần Trọng Hiếu lại tỉ tê trò chuyện, động viên mẹ cố gắng chữa bệnh để còn khỏe mà sống với con - Ảnh: K.ANH

Ba và mẹ đổ bệnh cùng lúc, lại nằm ở hai bệnh viện khác nhau khiến anh Trần Trọng Hiếu (phường 5, quận 10) chạy qua lại như con thoi song ba cũng không qua khỏi.

"Giờ chỉ còn mình mẹ, mình cố gắng chăm sóc mỗi ngày và cầu mong mẹ có thể sống lâu để mình còn có cơ hội phụng dưỡng vì mẹ đã vất vả quá nhiều rồi", anh Hiếu bộc bạch.

Phận con chữ hiếu làm đầu, từ nhỏ mình đã được học bài đạo đức ấy và luôn khắc ghi cha mẹ đã mang nặng đẻ đau, vất vả nuôi mình lớn khôn. Với mình, còn ba mẹ để phụng dưỡng là hạnh phúc cuộc đời vì thời gian chẳng quay lại bao giờ.
TRẦN TRỌNG HIẾU

Nước mắt hạnh phúc

Ba mẹ anh Hiếu không sống cùng nhau. Khoảng cuối năm ngoái, mẹ anh phát hiện bị ung thư giai đoạn 3 phải nhập viện phẫu thuật rồi tiếp đến là chuỗi ngày hóa trị khiến sức khỏe đi xuống rõ rệt. Cùng lúc đó, ba anh gặp tai nạn giao thông phải nhập viện.

"Tôi đang vô thuốc trong bệnh viện thì nghe con gọi điện hỏi thăm hẹn ba nó ráng đợi xíu chạy qua. Một mình con chạy qua lại lo cho cả ba và mẹ, tôi chảy nước mắt thương con vất vả", bà Lê Thị Hiền (mẹ Hiếu) rưng rưng nói về cậu con trai duy nhất.

Vất vả là thế song anh Hiếu vẫn sắp xếp ổn thỏa để vừa hoàn thành công việc vừa chạy qua lại chăm sóc ba mẹ. Nhưng ba anh mắc bệnh tiểu đường đã lâu cộng với tai nạn khiến ông nằm liệt một chỗ nên dù Hiếu cố gắng chăm sóc, ông vẫn không qua khỏi sau mấy tháng chữa trị.

Đó cũng là khoảng thời gian khó khăn của mẹ với những đợt hóa trị. Những bữa ăn con trai vừa đút vừa tỉ tê trò chuyện, vừa cố gắng động viên mẹ ráng ăn để còn chiến đấu với bệnh tật. Mỗi tối anh tranh thủ xoa bóp tay chân để mẹ dễ ngủ. Anh nói luôn suy nghĩ về cái tên Trọng Hiếu ba mẹ đặt dù chưa bao giờ hỏi song anh tự suy luận rằng chắc ba mẹ cũng mong con phải luôn biết trọng chữ hiếu.

"Mẹ đã sút cả chục kg, sau mỗi lần hóa trị về mình phải luôn cận kề theo dõi. Nhớ có lần giữa khuya mẹ mệt ói liên tục, may mà mình đưa mẹ đi cấp cứu kịp. Mỗi ngày mình đều cầu mong mẹ khỏe lên để còn có mẹ có con. Với mình, đó là điều hạnh phúc nhất", Hiếu trải lòng.

Ước một lần được nghe lời mẹ dạy

Ba mất khi anh Nguyễn Hoàng Trung (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) học lớp 9. Mẹ là người câm điếc bẩm sinh nên khó làm việc gì, chỉ nhặt ve chai kiếm sống. Bí bách quá, Trung xin nghỉ học đi làm thuê cùng mẹ lo cho gia đình. Trung còn hai anh trai cũng học hành dang dở, đi làm công nhân, hiện đã có gia đình riêng, ở trọ và chẳng khá giả gì.

Đủ tuổi, Trung cũng xin vào xưởng làm công nhân. Mẹ không nói được, hai mẹ con giao tiếp bằng những cái chỉ trỏ song Trung quan sát thấy mẹ hay nhăn nhó biểu lộ sự đau đớn. Một hôm thấy mẹ nằm như thiếp đi, gương mặt rúm lại. Tức tốc chở mẹ đi bệnh viện, Trung nhận hung tin mẹ bị ung thư gan sau khi đã làm các xét nghiệm, sinh thiết.

Để chủ động thời gian chăm sóc, đưa mẹ đi bệnh viện, anh đành chuyển qua chạy xe ôm công nghệ. Mỗi khi muốn động viên tinh thần mẹ, Trung chỉ biết nắm tay mẹ thật chặt như truyền đi lời động viên vì mẹ không thể nói cũng chẳng thể nghe được lời của con trai.

"Nhà có hai mẹ con mà lúc nào cũng im phăng phắc, nhiều khi chỉ ước một lần nghe được lời mẹ dạy dỗ. Mình chỉ cảm nhận mẹ dạy bằng ánh mắt, cử chỉ, nhiêu đó cũng đủ để vượt qua những tủi hờn, chọn sống tử tế giữa đời", Trung chia sẻ.

Thích tham gia các hoạt động xã hội, đợt dịch COVID-19 bùng phát, anh Trung tham gia tích cực hoạt động chống dịch tại địa phương, hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, trực chốt phòng dịch, đi phát túi an sinh cho các hộ khó khăn. Anh bảo luôn tâm niệm việc hiếu thảo với cha mẹ là lẽ đương nhiên của đạo làm con, chẳng có gì to tát.

"Có thể mình thiếu may mắn khi lớn lên không còn đủ cha mẹ. Mẹ khiếm khuyết vẫn sinh dưỡng, lo cho mình lớn khôn nên công đức ấy càng nặng gấp bội. Anh em mình ráng lo để mẹ sống khỏe, sống vui là niềm mong mỏi nhất của cả nhà lúc này", anh Trung nói.

Không để cha mẹ lo lắng đã là hiếu thảo

Còn đủ cha mẹ bên cạnh nhưng ba của Âu Thành Lâm (phường 4, quận 8) mắc nhiều bệnh, bị mất sức lao động không thể đi làm. Mẹ của Lâm xin phụ rửa chén ở quán hủ tiếu đầu hẻm, thu nhập không đáng là bao.

Ngoài giờ học, Âu Thành Lâm (sinh viên năm 3 Trường ĐH Sài Gòn) đi làm thêm phụ gia đình - Ảnh: C.K.

Ngoài giờ học, Âu Thành Lâm (sinh viên năm 3 Trường ĐH Sài Gòn) đi làm thêm phụ gia đình - Ảnh: C.K.

Hiểu cái khó của cha mẹ nên ngay từ khi vào đại học ba năm trước, Lâm đã xin đi phụ quán trà sữa để có thu nhập giúp mẹ. Vì rõ hoàn cảnh gia đình, bạn đã chọn học ngành sư phạm tiếng Anh để đỡ tốn học phí, vơi bớt gánh nặng cho gia đình.

Lâm vừa nhận làm thêm việc giao đồ ăn qua app để chủ động thời gian có thể làm sau giờ học và còn phụ dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn cho cả nhà.

Những ngày quận 8 căng mình chống dịch COVID-19, Lâm đã xung phong tham gia cùng các bạn trẻ ở Đoàn phường hỗ trợ bà con bất cứ việc gì có thể. Thành Lâm tự nhắc mình không cần điều gì quá cao xa, chỉ đừng để cha mẹ phải lo lắng về mình đã là hiếu thảo.

"Từ ngày đi làm thêm kiếm tiền mình càng hiểu và thương ba mẹ vất vả, đánh đổi cả sức khỏe mới có thể lo cho mình ăn học. Mình nhớ lời cha dạy, chỉ ráng học mới có tương lai tươi sáng nên sẽ luôn cố gắng", Lâm chia sẻ.

Ông Mai Văn Lợi (ba Lâm) kể vì sức khỏe mà mấy năm rồi không thể đi làm gì được, chỉ quanh quẩn ở nhà nên càng thương con trai vừa đi học vừa lo đi làm thêm kiếm tiền phụ với mẹ lo cho gia đình đắp đổi qua ngày.

"Tôi tự hào và hạnh phúc khi con mình biết suy nghĩ, đã luôn thương yêu và chia sẻ với cha mẹ. Niềm vui này không có gì sánh bằng", ông Lợi cười.


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: