Mùa du lịch vẫy gọi, cẩn thận... bơi lội, tắm táp

Thứ sáu, 24/05/2024 18:40 (GMT+7)

Mùa du lịch thường rơi vào thời điểm nắng nóng, thế nên những chuyến tắm biển, tắm suối, tắm thác để giải nhiệt thường được lựa chọn. Tuy nhiên, những điểm đến này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Mùa du lịch vẫy gọi, cẩn thận... bơi lội, tắm táp- Ảnh 1.

Tranh minh họa được thực hiện bằng AI

* Khi đi du lịch, nhà mình rất mê tắm suối nước nóng. Tuy nhiên, mình nghe nói loại hình này có nhiều rủi ro, vì sao vậy ạ?

Hữu Tiến (Kiên Giang)

- Tắm suối nước nóng có rất nhiều lợi ích nhưng cũng ẩn giấu nhiều rủi ro. Trong đó, rủi ro lớn nhất đến từ nhiệt độ, dao động từ 40 đến 70 độ C. Để an toàn khi tắm, chúng mình cần lưu ý:

* Tránh bỏng và sốc nhiệt: Bạn đưa tay kiểm tra nhiệt độ trước, ngâm thân dưới trước rồi đến thân trên. Để chắc chắn, bạn nên hỏi kỹ nhiệt độ nước suối để quyết định thời gian tắm.

Cụ thể tắm trong 30 phút nếu nhiệt độ dưới 40 độ C; tắm trong 10 phút nếu nhiệt độ trên 40 độ C. Chú ý không vận động mạnh, uống rượu bia trước khi tắm.

* Nước nóng làm giãn mạch, hạ huyết áp có thể gây nguy hiểm như: choáng váng, ngất xỉu, ngừng tim. Để tránh, bạn không nên tắm quá lâu. Nếu cảm thấy khó chịu thì lên bờ ngay nhưng không đứng dậy đột ngột.

* Một rủi ro khác liên quan đến các vi sinh vật có trong suối nước nóng có thể gây ngứa, nhiễm độc, nhất là người có vết thương hở sẵn.

* Nghe nói tắm khoáng tốt cho cơ xương khớp, tinh thần. Ở tuổi thanh thiếu niên có cần thiết tắm khoáng không?

Như Yên (Tiền Giang)

- Tắm khoáng thường dùng cùng lúc ba liệu pháp thủy - nhiệt - khoáng để cải thiện sức khỏe. Sau khi tắm, bạn sẽ thấy khoan khoái, dễ chịu, dễ ngủ hơn. Tuy nhiên, những lợi ích này có hạn. Những phương cách bổ trợ sức khỏe khác dư sức làm được, không phải tắm khoáng trị bá bệnh như lời đồn đâu.

Tóm lại, ở tuổi mới lớn, nếu có dịp thì thử cho biết cũng được.

* Sau khi tắm suối nước nóng về mình bị ngứa quá trời...

Hoàng Tường (quận Bình Thạnh, TP.HCM)

- Có hai nguồn gây ngứa từ suối nước nóng. Một là sự khó chịu của da với nhiệt, pH và chất lạ trong nước suối. Hai là từ những côn trùng, ký sinh trùng. Nhiều người cho rằng những sinh vật này không sống nổi ở nhiệt độ 70 độ C là sai lầm.

Để phòng ngừa cần:

* Nếu bạn có cơ địa dị ứng, có sẵn bệnh ngoài da cần giảm thời gian ngâm mình dưới suối nước nóng. Hạn chế gãi ngứa khi còn dưới suối. Sau khi lên bờ thì tắm sạch bằng nước ngọt, dùng kem dưỡng ẩm. Tốt nhất là nếu thấy bể suối khoáng đông người thì nên né.

* Nếu bị ngứa thì uống thuốc chống ngứa, chườm mát... Thường ngứa do tắm suối nước nóng cũng nhanh khỏi, nếu ngứa nhiều thì đến bác sĩ da liễu.

* Năm rồi mình được tắm thác một lần, mê luôn tới giờ. Năm nay mình muốn trải nghiệm nhưng nghe mấy vụ tai nạn nên ba mẹ mình hơi ớn, không dám đi lại.

Đức Vĩnh (Long An)

- Với tắm thác, rủi ro thường tỉ lệ thuận với độ hấp dẫn. Hai mối nguy lớn của tắm thác là tai nạn (chấn thương, kiệt sức, đuối nước, sinh vật độc) và sốc nhiệt. Ngoài ra, còn có những tai nạn do trơn trợt, đá ngầm, độ sâu, dòng chảy bất thường.

Khi chống sốc nhiệt (với tắm thác là sốc lạnh) có thể dùng lại phương cách cũ, chỉ lưu ý là nhiệt độ nước của thác có thể biến động đột ngột. Ví dụ nước đang âm ấm chuyển lạnh buốt tức thì do dòng chảy từ băng tan chảy xuống.

Để chuyến du lịch an toàn, nên mặc thêm áo phao, đi giày, tuyệt đối không tắm một mình. Đặc biệt, đừng quá tự tin vào tài bơi lội của bản thân.

* Nghỉ hè về quê chơi, mấy đứa em họ rủ mình ra sông bơi. Đang bơi thì bất ngờ mình bị chuột rút, may có đứa em thấy, kịp cứu. Có cách nào tránh sự cố này không?

Gia Khánh (quận 1, TP.HCM)

- Bơi sông nguy hiểm hơn bơi ở hồ, ao bởi dòng chảy và độ rộng. Bạn nên ngừa chuột rút từ trên bờ bằng cách uống nước, khởi động, giãn cơ thật kỹ. Khi đã ở dưới nước thì hơi khó, nhưng cũng có vài “chiêu” thoát nguy:

* Giữ bình tĩnh bởi hoảng hốt vừa khiến rối trí vừa khiến vọp bẻ nặng thêm.

* Giãn cơ tại chỗ với động tác nằm ngửa thả nổi.

* Kêu cứu.

* Cố gắng bơi vào bờ bằng những chi còn lại, ít ra đến gần nơi có người cứu hoặc nghe được kêu cứu.

* Xoa bóp vùng bị chuột rút. Nếu vọp bẻ ở bắp chân, bàn chân nên hít sâu và lặn xuống dùng tay xoa bóp chân.

* Số mình xui, tắm biển cứ hay bị sứa “hỏi thăm”. Mỗi lần bị rất lâu hết làm mình hơi rén, híc híc.

Thu Uyên (quận 3, TP.HCM)

- Ngoài sứa, bạn có thể gặp những mối nguy khác khi tắm biển như: rắn biển, cá đá, ốc nón, bạch tuộc đốm xanh. Không chỉ sứa, ấu trùng sứa (còn gọi là rận biển) cũng gây phiền phức không kém “phụ huynh” của chúng. Khi bị những sinh vật này cắn, bạn cần:

* Nhờ người đưa ra khỏi khu vực bởi sứa tấn công theo đàn, nấn ná bị đòn tập thể.

* Gỡ xúc tu của sứa còn dính trên người bằng nhíp, găng tay, túi ni lông. Không băng chặt vết thương.

* Rửa vết thương bằng giấm loãng trong ít nhất 30 giây. Chống chỉ định rửa với nước ngọt, nước đá, cồn, baking soda hoặc rửa cát, kem đánh răng, nước tiểu.

* Giảm đau: ngâm vùng da bị sứa cắn trong nước nóng (40 - 45°C) trong 20 - 40 phút, uống thuốc giảm đau (paracetamol, ibuprofen), dùng kem thoa hoặc uống (histamine, hydrocortisone 1%) nếu cần.

* Theo dõi, nếu đau đớn, sưng tấy, phát ban, buồn nôn, đau ngực, khó thở cần đưa ngay đến cơ sở y tế.

Khi tắm biển, nếu phát hiện những người bơi lân cận bị sứa “thăm hỏi”, bạn nên lên bờ ngay. Ngoài ra, cần tránh những vùng biển có “truyền thống” có sứa hoặc mùa sứa sinh sản, cặp đôi.


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: