Nữ sinh Trường THCS Lạc Hồng gây sốt với nghiên cứu về flex

Chủ nhật, 03/03/2024 10:00 (GMT+7)

Chọn trào lưu flex làm đề tài nghiên cứu, bạn Cao Lưu Tường Vy và Nguyễn Vũ Huệ Anh (lớp 9/2 Trường THCS Lạc Hồng, quận 10) gây chú ý.

Đề tài nghiên cứu bắt trend

Cao Lưu Tường Vy (lớp 9/2, Trường THCS Lạc Hồng) cho biết, trước đó bạn thấy trào lưu flex rần rần trên mạng xã hội. Bạn cũng tìm được một group mang tên “Flexing chỉ là vô tình” dành cho hội thích flex, có rất đông thành viên.

Thế nhưng, bạn băn khoăn: sau một thời gian, các bạn còn thích flex không; flex ảnh hưởng tiêu cực và tích cực thế nào đến đời sống, việc học…

Bạn rủ rê ngay cô bạn Huệ Anh cùng tham gia làm đề tài nghiên cứu khoa học mang tên Ảnh hưởng của trào lưu “flex” trên mạng xã hội đối với học sinh THCS tại TP.HCM: Thực trạng - giải pháp. Đề tài này ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của các bạn học sinh trong trường.

U15

Tường Vy (trái) - Huệ Anh (phải) là đôi bạn thân thiết từ lớp 6 đến nay. - Ảnh: PHƯƠNG VY

Đôi bạn lập bảng khảo sát, sau đó nhờ thầy cô gửi đến các lớp điền form, đánh dấu. Sau vài ngày, Vy và Huệ Anh vỡ òa khi thấy khảo sát đã có 268 học sinh 4 khối lớp tham gia. Các thầy cô thấy đề tài có sự ảnh hưởng đến U15 trong trường, cũng góp một tay để số lượng khảo sát đông đảo hơn.

Kết quả thật thú vị: 35% học sinh trả lời rất thường xuyên flex, 26% cho biết mức độ flex thường xuyên. Các bạn thường chọn Facebook là nơi flex nhiều nhất (201 học sinh, đạt tỷ lệ 75%). Về nhì là Instagram với 121 học sinh bình chọn, tỷ lệ 45,14%. Bên cạnh đó, các bạn còn flex trên Zalo, tin nhắn Facebook, TikTok, YouTube, Twitter.

Khi được hỏi về mục đích flex, 28% trả lời là tự hào về bản thân, 28% muốn truyền cảm hứng, tạo động lực qua việc flex. Các bạn khác trả lời lý do flex là muốn câu like, tương tác, muốn chia sẻ và giao lưu học hỏi, mong muốn được công nhận.

U15

Các hoạt động thú vị ở trường sẽ giúp học sinh “bái bai” nội dung tiêu cực trên mạng xã hội - Ảnh: NTCC

Trong số liệu cũng cho thấy, bên cạnh tạo động lực cho bản thân, khẳng định giá trị và vị trí trước tập thể, flex cũng gây ra nhiều phiền toái. Chẳng hạn như 99 bạn trả lời flex gây áp lực cho bản thân, 68 bạn cho rằng nó gây phiền toái đến người thân, gia đình bạn ấy.

Không chỉ vậy, có đến 145 bạn cho rằng flex tạo sự so sánh, ganh tỵ, 104 bạn cảm thấy tự ti, xấu hổ khi đọc các bài flex. Chưa kể, 57 bạn bị tổn thương tâm lý và sức khỏe. Số lượng và tỷ lệ học sinh cho rằng flex mang lại ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân và gia đình cao hơn so với mặt tích cực.

Nhóm thực hiện cho biết, flex đem đến niềm vui cho mọi người. Là người lowkey, hai bạn cảm thấy không phiền khi xem các bài khoe ảnh đi chơi của mọi người. Tuy nhiên, có một số bài gây khó chịu cho người xem như bạn ấy giỏi quá, có nhiều thành tích quá đâm ra các bạn ganh tỵ. Chưa kể, có một số bạn đăng ảnh dìm, chế meme bạn khác để flex bản thân, điều này cũng không nên chút nào.

Đôi bạn cùng tiến của Trường THCS Lạc Hồng

Theo Huệ Anh, quá trình làm đề tài nghiên cứu khoa học đã giúp cả hai cười nhiều hơn, có nhiều kỷ niệm gắn kết. Bên cạnh đó, nó còn giúp học sinh trong trường biết được sự tốt xấu, từ đó sử dụng mạng xã hội phù hợp hơn.

“Để nghiên cứu khoa học, bạn cần sắp xếp thời gian hợp lý để làm, tìm hiểu kỹ về đề tài đó, đọc nhiều sách báo, tư liệu… để có thêm thông tin”, Huệ Anh chia sẻ.

U15

Cô Hằng hướng dẫn các bạn trong học tập và đề tài nghiên cứu khoa học - Ảnh: PHƯƠNG VY

Còn Tường Vy bộc bạch, đôi bạn cũng có lúc giận hờn, tranh cãi nhưng khi làm đề tài này lại không “chiến tranh” một chút nào vì cùng chung chí hướng. Các bạn còn ứng dụng được rất nhiều bộ môn khi thực hiện đề tài như Toán, Văn, Mỹ thuật, Tin học.

Số liệu flex của học sinh Trường THCS Lạc Hồng do các bạn thu thập được- Ảnh: NVCC

Số liệu flex của học sinh Trường THCS Lạc Hồng do các bạn thu thập được- Ảnh: NVCC

Năm ngoái, Vy cũng từng rủ Huệ Anh tham gia cuộc thi Xe thế năng và giành được Giải Nhì cấp trường. Khi tham gia cuộc thi, bên cạnh rinh về kiến thức bổ ích, cả hai còn được thầy cho điểm cộng nữa. 

Bí quyết giành chiến thắng của cả hai là đoàn kết, lắng nghe ý kiến đối phương, từ đó xử lý tình huống một cách suôn sẻ.

Thế nhưng, đôi bạn vẫn có nhiều sở thích trái ngược nhau nha. Chẳng hạn như bạn thích học Toán, bạn thích học Văn, bạn thích chơi game này, bạn chơi game khác. Thế nhưng, các bạn cũng có điểm chung và tình bạn tuyệt vời duy trì từ lớp 6 đến giờ.

Đề tài về flex như một mốc son trong tình bạn khi cả hai cùng nhau tranh tài trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp thành phố học sinh trung học năm 2023-2024.

Nhóm cũng đề xuất nâng cao nhận thức cho U15 về trào lưu flex trên mạng như tổ chức tập huấn về mặt xã hội, lồng ghép tuyên truyền mặt tích cực như phát tờ rơi, tổ chức buổi tư vấn, sinh hoạt chuyên đề với chuyên gia tâm lý, rèn luyện kỹ năng ứng phó khi sử dụng mạng xã hội, thành lập phòng tư vấn tâm lý học đường…

Cô Đàm Thị Hằng (Giáo viên môn Ngữ văn Trường THCS Lạc Hồng, quận 10) chia sẻ:Thầy cô có nhiều “ra đa” để kịp thời chấn chỉnh những nội dung tiêu cực nhen nhúm trên mạng xã hội. Vì thế, trước khi đăng tải thông tin lên mạng, bạn cần kiểm tra thật kỹ xem thông tin ấy có ảnh hưởng đến người khác hay cảm xúc người xung quanh hay không.

Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động giáo dục kỹ năng, phối hợp cùng các đoàn thể tạo ra sân chơi cho học sinh góp phần giúp các bạn rèn luyện kỹ năng, sử dụng mạng xã hội an toàn. Cô đánh giá đề tài của Tường Vy và Huệ Anh mang tính thời sự cao”.


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: