Ở nhà một mình mà gặp cháy, nổ thì phải làm sao?

Thứ năm, 17/07/2025 21:21 (GMT+7)

Hè đến, ba mẹ đi làm, tụi mình thường ở nhà một mình. Tuy nhiên, nếu thiếu kỹ năng, tụi mình dễ đối mặt với những nguy hiểm không lường trước.

Ở nhà một mình: Tự do hay thử thách? - Ảnh 1.

Hãy nhờ ba mẹ hướng dẫn kỹ cách sử dụng bếp một cách an toàn khi ở nhà một mình nhé - ẢNH DO AI TẠO

Một ngày ở nhà một mình tưởng như chuyện nhỏ nhưng nếu không cẩn thận, có thể biến thành một “phi vụ nguy hiểm” đúng nghĩa.

Vậy nên, trước khi háo hức đón lấy “chìa khóa tự do”, hãy chuẩn bị sẵn cho mình hành trang quan trọng hơn: kỹ năng an toàn khi ở nhà một mình.

Một phút lơ là, cả nhà toát mồ hôi

Bạn Đan Khanh (lớp 8 Trường THCS Đống Đa, phường Thạnh Mỹ Tây, TP.HCM) nhớ lại buổi trưa từng làm mẹ hết hồn vì để quên bàn ủi còn cắm điện trên giường.

“Mình ủi áo xong rồi đi gọt trái cây. Một lát sau, nghe mùi khét mới chạy vào thì giường đã cháy một góc” - bạn kể lại.

Bạn Kim Phượng (lớp 9 Trường THCS Bình Quới Tây, phường Bình Quới, TP.HCM) từng để máy sấy tóc trên ghế rồi chạy ra mở cửa cho shipper. Tóc chưa khô mà ghế suýt bốc khói vì máy sấy liên tục chạy úp mặt vào nệm lót.

Còn bạn Trí Khang (lớp 9 Trường THCS Thạnh An, xã Thạnh An, TP.HCM) vừa sạc điện thoại vừa chơi game.

“Đến lúc máy sập nguồn, mình phát hiện dây sạc bị hỏng, phần nhựa chảy ra, dính cả vào tay. May là không bị giật”, Khang nhớ lại.

Tự lập là điều đáng khen nhưng biết tự bảo vệ bản thân khi làm việc nhà mới là điều quan trọng hơn. Thay vì “làm cho giỏi”, tụi mình nên “làm cho an toàn” trước đã!

Khi sự cố xảy ra: Giữ bình tĩnh là điều đầu tiên cần nhớ

Nếu đang ở nhà một mình mà gặp sự cố, điều đầu tiên tụi mình cần làm là giữ bình tĩnh

Dưới đây là một số tình huống thường gặp và cách xử lý do thầy Nguyễn Đức Thuận (giáo viên dạy kỹ năng sống - kỹ năng an toàn tại Viện Khoa học Giáo dục An toàn Việt Nam) chia sẻ:

* Ngửi thấy mùi khét, khói bốc lên trong bếp: Nhanh chóng kiểm tra và tắt bếp nếu thấy an toàn. Sau đó, mở cửa sổ cho khói thoát ra. Nếu lửa lớn, hãy chạy ra ngoài, hô hoán nhờ hàng xóm giúp đỡ và gọi 114.

* Trường hợp bị đứt tay: Hãy rửa bằng nước sạch và xà phòng, sau đó băng lại bằng băng cá nhân. Nếu máu chảy nhiều, dùng khăn sạch ép nhẹ để cầm máu và nhờ người lớn đưa đến trạm y tế.

* Trường hợp bị bỏng nhẹ: Làm mát vết bỏng bằng cách để dưới vòi nước chảy nhẹ từ 10 - 15 phút. Không bôi kem đánh răng, dầu ăn hay nước mắm như nhiều người truyền miệng. Nếu vết bỏng có diện tích >2cm2 (bằng khoảng 1 đồng xu) thì cần làm mát vết bỏng bằng nước và tới cơ sở y tế ngay.

* Có người lạ gọi cửa: Không mở cửa, hãy lịch sự từ chối và gọi điện xác nhận. Không nhận ship đồ, không chuyển phát, không “tò mò mở hé cửa”.

* Điện thoại hết pin, mất điện: Ở yên nơi an toàn, tránh đụng vào ổ điện. Tìm nơi thoáng mát, mở cửa sổ nếu cần và chờ người lớn về. Nếu hàng xóm đáng tin cậy, có thể sang nhờ hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp.

Ở nhà một mình: Tự do hay thử thách? - Ảnh 2.

Hạn chế tình trạng vừa sạc pin vừa sử dụng điện thoại gây nóng máy có thể xảy ra cháy nổ - Ảnh minh họa được thực hiện bằng AI

Trưởng thành không phải là dám liều

Được ba mẹ tin tưởng cho ở nhà một mình là điều đáng vui. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là tụi mình cần có trách nhiệm bảo vệ chính bản thân. Hãy tự hỏi bản thân trước khi nhận “chìa khóa tự do”:

* Mình có biết cách xử lý khi có cháy?

* Mình biết sơ cứu cơ bản chưa?

* Mình đã biết giữ an toàn khi sử dụng điện, bếp, cửa, ổ khóa?

Nếu vẫn còn phân vân, việc đầu tiên cần làm là xin ba mẹ chỉ dẫn lại một lần nữa. Vì hè này có thể là mùa của tự do nhưng sự an toàn là điều tụi mình nên mang theo mỗi ngày.

Ở nhà một mình, nếu gặp cháy thì sao?

Ở nhà một mình: Tự do hay thử thách? - Ảnh 3.

Thầy Nguyễn Đức Thuận (giáo viên dạy kỹ năng sống - kỹ năng an toàn tại Viện Khoa học Giáo dục An toàn Việt Nam) - Ảnh: NVCC

Nếu đang ở nhà một mình mà phát hiện cháy, tụi mình cần ghi nhớ 3 nguyên tắc quan trọng: Bình tĩnh - thoát nhanh - gọi cứu hỏa.

1. Giữ bình tĩnh, quan sát tình hình

Nếu ngọn lửa còn nhỏ, bạn nên nhanh chóng tắt bếp hoặc rút điện nếu an toàn, sau đó mở cửa sổ cho khói thoát ra.

Tuyệt đối không dùng nước để dập lửa nếu lửa phát ra từ dầu mỡ hay thiết bị điện.

2. Nếu lửa lan rộng hoặc có nhiều khói

Đừng cố dập lửa. Hãy tìm lối thoát gần nhất, cúi thấp người để tránh hít phải khói.

Di chuyển nhanh ra ngoài và đóng cửa lại để ngăn lửa lan. Dùng khăn ướt hoặc vạt áo, tay áo che miệng mũi, trường hợp khói làm cay mắt không thể nhìn được thì di chuyển men theo tường để tìm lối thoát hiểm.

Tuyệt đối không trốn trong phòng, nhà vệ sinh hay gầm giường vì đây là những nơi dễ bị ngạt khói.

3. Gọi người giúp đỡ và báo cháy

Ngay khi phát hiện cháy, hãy hô hoán thật to để báo cho hàng xóm hoặc người lớn xung quanh. Nếu có điện thoại, gọi ngay 114 và nói rõ địa chỉ nơi xảy ra cháy. Trong trường hợp không có điện thoại, nhờ người lớn gần đó gọi giúp.

5 điều cần nhớ khi ở nhà một mình

Để tránh bị rối khi sự cố xảy ra, tụi mình nên ghi nhớ 5 điều sau:

1. Luôn để điện thoại đầy pin, có sẵn danh bạ số ba mẹ, hàng xóm, công an khu vực hoặc tổng đài 111.

2. Không tự ý nấu ăn, dùng bàn ủi, máy sấy... nếu chưa được hướng dẫn kỹ.

3. Tuyệt đối không vừa sạc vừa dùng thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng.

4. Luôn khóa cửa cẩn thận khi ở nhà một mình và không mở cửa hay nhận đồ từ người lạ

5. Ghi nhớ địa chỉ nhà mình, phòng khi cần nhờ người lớn giúp báo công an hoặc cứu hộ. Một tờ giấy nhỏ được dán ở nơi dễ thấynhư cửa tủ lạnh hoặc góc bàn học, ghi sẵn các số điện thoại quan trọng (ba mẹ, người thân, hàng xóm đáng tin cậy, tổng đài) có thể trở thành “vị cứu tinh” trong nhiều tình huống bất ngờ.

Hè này, nếu có thể, bạn hãy rủ ba mẹ hoặc anh chị cùng tham gia các lớp học kỹ năng an toàn. Vừa vui, vừa dễ nhớ lại giúp tụi mình bình tĩnhvà xử lý tốt hơn khi có sự cố xảy ra.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: