Sinh viên Nhân văn gặp gỡ Đại tá tình báo Tư Cang nghe kể chuyện lịch sử

Thứ tư, 07/05/2025 14:28 (GMT+7)

Giao lưu cùng sinh viên Nhân văn sau vở diễn Để dành ngày mai ấy, Đại tá tình báo Tư Cang xúc động khi thấy nhiều chi tiết trong vở gợi lại ký ức của mình.

Sinh viên Nhân văn gặp gỡ Đại tá tình báo Tư Cang nghe kể chuyện lịch sử - Ảnh 5.

Sinh viên Nhân văn xem kịch nói lịch sử Để dành ngày mai ấy - Ảnh: BTC CUNG CẤP

Những hồi ức chưa bao giờ ngủ yên

Mở đầu buổi giao lưu cùng sinh viên Nhân văn, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) nhắc về lời hứa 'Nếu chiến thắng, anh sẽ trở về' cùng gia đình. Người chiến sĩ tình báo suốt gần 30 năm không một lần về thăm vợ con vì Tổ quốc.

Ông kể khi làm tình báo, ông phải sống dưới nhiều thân phận khác nhau để tồn tại giữa lòng địch.

"Chiến tranh dài quá, con người ta hy sinh nhiều quá. Để giành lại được độc lập, hòa bình như ngày hôm nay là không dễ", ông trải lòng.

Ông chia sẻ thêm, nhớ vợ là cảm xúc âm thầm mà ông luôn mang theo trong suốt những năm tháng xa nhà. "Vợ thì ai cũng nhớ, có vợ thì phải nhớ chứ. Nhưng mà nhiệm vụ, ta phải chấp hành", ông giãi bày.

Sinh viên Nhân văn gặp gỡ Đại tá tình báo Tư Cang nghe kể chuyện lịch sử - Ảnh 3.

Anh hùng Tư Cang năm nay đã 98 tuổi - Ảnh: BTC CUNG CẤP

Mãi đến năm 47 tuổi, vào ngày 30-4-1975, ông mới được trở về, công khai danh tính và ôm trong vòng tay cháu ngoại của mình.

Sinh viên Nhân văn gặp gỡ Đại tá tình báo Tư Cang nghe kể chuyện lịch sử - Ảnh 2.

Nhân vật Tư (nguyên mẫu là Đại tá tình báo Tư Cang) và mẹ trước ngày ra đi trong Để dành ngày mai ấy - Ảnh: BTC CUNG CẤP

Buổi giao lưu còn có sự góp mặt của ông Lâm Quốc Dũng - người chuyên làm "căn cước rồng xanh", giúp các chiến sĩ xâm nhập, hoạt động tự do trong lòng địch. Làm nghề làm giấy giả suốt 9 năm, ông cho biết mỗi khâu, mỗi công đoạn đều rất tinh vi, đòi hỏi tay nghề cao.

Thời điểm ông nhớ nhất là Tết Mậu Thân (năm 1968), lực lượng biệt động có trên 100 người, buộc ông phải làm toàn bộ giấy tờ giả trong thời gian cận Tết. Và đồng đội ông cũng hy sinh nhiều nhất trong trận Tết năm ấy, gần 90 người.

Sinh viên Nhân văn gặp gỡ Đại tá tình báo Tư Cang nghe kể chuyện lịch sử - Ảnh 1.

Từ bên phải qua: ông Lâm Quốc Dũng, bà Đặng Thị Tuyết Mai và Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) giao lưu tại chương trình - Ảnh: BTC CUNG CẤP

"Tôi đâu ngờ lần tôi cầm bàn tay hoặc dán mái tóc chụp hình cho họ là lần cuối cùng, trong đó có cả thầy tôi. Một số đồng chí hy sinh không biết hài cốt ở đâu.

Trước đó người đi kẻ ở, hẹn gặp lại nhau ở Sài Gòn, hẹn gặp lại ngày chiến thắng. Nhưng khi đánh rồi thì mơ ước lúc đó không thành", ông ngậm ngùi.

Sinh viên Nhân văn gặp gỡ Đại tá tình báo Tư Cang nghe kể chuyện lịch sử - Ảnh 6.

Ông Lâm Quốc Dũng và bà Đặng Thị Tuyết Mai kể chuyện lịch sử cho sinh viên Nhân văn nghe - Ảnh: BTC CUNG CẤP

Hay câu chuyện của bà Đặng Thị Tuyết Mai (vợ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai), người đã mang tiếng "gái trẻ giật chồng" suốt 10 năm để bảo vệ thân phận của chồng.

Dù bị hàng xóm gièm pha, thậm chí chửi bởi, hành hung, bà vẫn kiên cường giữ vững lòng tin, trở thành hậu phương vững chắc cho người chiến sĩ nơi tiền tuyến.

Lời hứa của Đại tá tình báo Tư Cang được sinh viên Nhân văn viết thành kịch

Để dành ngày mai ấy là vở kịch nói lịch sử lấy cảm hứng từ cuộc đời của Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang)

Kịch chia làm 3 hồi: Dành câu hứa - Qua thời lửa - Đến ngày mai.

Kịch mở đầu bằng hình ảnh chàng trai 19 tuổi rời khỏi nhà, để lại mẹ già và người vợ đang mang thai. Từ đó, vở kịch đưa khán giả đi theo hành trình giữ lời hẹn trở về của một người lính tình báo.

Sinh viên Nhân văn gặp gỡ Đại tá tình báo Tư Cang nghe kể chuyện lịch sử - Ảnh 4.

Nhân vật Tư gặp lại vợ - nhân vật Ánh - sau thời gian dài xa cách - Ảnh: BTC CUNG CẤP

Suốt thời gian làm nhiệm vụ tại cụm tình báo H63, ông Tư Cang nuôi dưỡng ước mơ giản dị: được cùng vợ ngắm hoa, được làm những việc nhỏ trong gia đình. Nhưng ông biết, chỉ khi đất nước thật sự hòa bình, giấc mơ riêng mới có thể trọn vẹn.

Có khi thực hiện nhiệm vụ sát ngay nhà mình, ông vẫn không thể gặp mặt vợ con. Trong trạng thái luôn đối diện hiểm nguy, ông vẫn kiên định sống ẩn danh, để hoàn thành lời hứa với gia đình, và với cả những đồng đội đã ngã xuống.

Sinh viên Nhân văn thắp lại ký ức lịch sử

Để dành ngày mai ấy là chương trình kịch nói gây quỹ do sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) thực hiện. Chương trình diễn ra tối 6-5, thu hút nhiều khán giả, từ sinh viên, người trung niên đến cả những cô chú thương binh.

Bạn Nguyễn Viết Âm (trưởng ban tổ chức) cho biết, cảm hứng làm chương trình ban đầu xuất phát từ mong muốn đóng góp vào không khí kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đặc biệt, hồi ký Nước mắt ngày gặp mặt của Đại tá tình báo Tư Cang là nguồn cảm hứng chủ đạo định hình tinh thần chương trình.

Sinh viên Nhân văn gặp gỡ Đại tá tình báo Tư Cang nghe kể chuyện lịch sử - Ảnh 6.

Đại tá tình báo Tư Cang xem kịch nói lịch sử với sinh viên - Ảnh: BTC CUNG CẤP

Âm kể, trong quá trình thực hiện, ban tổ chức đã nhận được sự hỗ trợ, góp ý từ ông Tư Cang và nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.

Để đảm bảo tính chính xác về lịch sử, ban tổ chức cũng làm việc với PGS.TS Hà Minh Hồng (chuyên gia đầu ngành lịch sử) nhằm nghiên cứu kỹ bối cảnh, phục trang và các yếu tố liên quan đến thời kỳ và nhân vật được tái hiện.

Theo Viết Âm, toàn bộ lợi nhuận từ chương trình sẽ được trao tặng đến các thương, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất - nơi đang trực tiếp nuôi dưỡng và điều trị cho nhiều bậc anh hùng cách mạng có công với đất nước.

"Qua vở kịch và cuộc hội ngộ với các chứng nhân lịch sử, tụi mình mong muốn lan tỏa ý nghĩa của hòa bình, độc lập, tự do. Đồng thời tri ân những người đi trước - những người có công với đất nước", Viết Âm nói.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: