Tại sao gen alpha hay than thở thế?

Thứ sáu, 16/05/2025 19:07 (GMT+7)

Gen alpha than thở hàng tỉ thứ: than vì mệt, than vì nóng, than vì nhiều bài tập, than vì hết tiền tiêu...

Tại sao gen alpha hay than thở thế?- Ảnh 1.

Ảnh: Minh họa được thực hiện bằng AI

Than một chút mới đúng là gen alpha?

Bộ sưu tập lời than thở của gen alpha không thể thiếu đi những câu nói bất hủ như “mệt quá đi, chán quá đi, buồn ngủ quá đi” rồi “đói quá đi”.

Bạn Đức Tuấn (lớp 8 Trường THCS Thông Tây Hội, quận Gò Vấp) thú nhận ngày nào vào lớp mình cũng phải nói câu “buồn ngủ quá đi” chứ vô giờ học xíu, nhìn mấy con số trên bảng là tỉnh lúc nào không hay vì không tỉnh là coi như mất gốc luôn.

Bạn Minh Nguyên (lớp 7 Trường THCS An Nhơn, quận Gò Vấp) kể: “Mình hay than là mập quá vậy thôi chứ lúc nào uống trà sữa cũng “full topping” thêm phô mai viên hết, he he”.

Bạn Quốc Anh (lớp 9 Trường THCS Ngô Tất Tố, quận Phú Nhuận) chia sẻ: “Tụi bạn mình lúc nào cũng than bài kiểm tra khó quá mà lúc phát bài nhỏ nào cũng 9-10 điểm”.

Tại sao các bạn gen alpha hay than thở thế?

Theo Thạc sĩ tâm lý Sala Tâm, có một số nguyên nhân có thể khiến gen alpha trở thành thánh than thở.

Tại sao gen alpha hay than thở thế?- Ảnh 2.

Thạc sĩ tâm lý Sala Tâm - Ảnh: NVCC

• Trước hết, than thở là cách bộc lộ cảm xúc một cách vô thức. Nhiều bạn không hẳn muốn phàn nàn, chỉ là thấy thoải mái hơn khi nói ra cảm xúc của mình thôi.

• Bên cạnh đó, mạng xã hội và công nghệ thông tin khiến tụi mình dễ than hơn. Việc xem quá nhiều video ngắn, nội dung “quá nhanh, quá nguy hiểm” làm giảm tính kiên nhẫn. Cuộc sống trên mạng toàn hình ảnh lung linh, dễ khiến tụi mình so sánh rồi sinh ra than thở.

• Ngoài ra, gen alpha còn được khuyến khích bộc lộ cảm xúc nhiều hơn. Thay vì phải cố chịu đựng như thế hệ trước, tụi mình được dạy cách nói ra suy nghĩ của mình. Nhưng đôi khi, thay vì tìm cách giải quyết vấn đề, tụi mình lại chọn cách than trước đã. Đó cũng là dấu hiệu của việc chưa quen với khó khăn, chưa biết cách đối diện với cảm xúc của chính mình.

Than thở nhiều quá có sao không?

Thật ra, than thở một chút cũng có lợi lắm chứ! Nó giúp tụi mình chia sẻ cảm xúc, tạo sự kết nối với bạn bè.

Nhưng theo chuyên gia Sala Tâm, khi than vãn trở thành thói quen, tụi mình có thể gặp những ảnh hưởng không tốt như:

• Não bộ sẽ quen với việc chỉ tập trung vào khó khăn: Điều này khiến tụi mình dễ nản lòng trước thử thách. Lúc đó, thay vì tìm cách giải quyết, tụi mình chỉ thấy toàn điều tiêu cực và tự khiến mọi chuyện trở nên khó khăn hơn.

• Cảm xúc tiêu cực có thể lây lan. Nếu một nhóm bạn cứ liên tục than thở, không khí chung sẽ căng thẳng. Ai cũng cảm thấy mệt mỏi, lo lắng, thậm chí dẫn đến stress hoặc trầm cảm.

• Mất khả năng nhìn thấy điều tích cực. Khi chỉ mải tập trung vào những điều chưa hài lòng, tụi mình sẽ quên mất rằng xung quanh vẫn còn nhiều điều thú vị, đáng để tận hưởng.

Làm thế nào để bớt than?

Nếu bạn cũng là một “cô nàng than dữ” chính hiệu nhưng muốn điều chỉnh lại thói quen này, hãy thử áp dụng một số cách dưới đây mà Thạc sĩ tâm lý Sala Tâm gợi ý:

1. Áp dụng công thức “1 câu than + Giải pháp”

Thay vì nói “Bài kiểm tra khó quá”, hãy thêm một hành động tích cực vào sau đó. Ví dụ: “Thôi, kiếm bạn giỏi môn này hỏi thử coi sao” hoặc “Cố gắng hoàn thành sớm để đi xem phim”. 

Cách này vừa giúp tụi mình giải tỏa cảm xúc, vừa không bị mắc kẹt trong sự tiêu cực.

2. Nhận diện thói quen than thở

Đôi khi, tụi mình than mà không nhận ra rằng mình than quá nhiều. Hãy thử để ý xem trong một ngày, bạn đã than bao nhiêu lần và có thực sự cần thiết không? 

Nếu nhận ra mình đang lan tỏa sự tiêu cực, hãy giới hạn số lượng câu than thở mỗi ngày mà bạn nói ra.

3. Tìm những người bạn tích cực

Nếu xung quanh bạn toàn những người vui vẻ, lạc quan, chắc chắn bạn cũng bị lây sự tích cực từ họ. 

Thay vì nhóm bạn suốt ngày chỉ than phiền, hãy cùng nhau chia sẻ những chuyện vui, động viên nhau vượt qua khó khăn.

4. Học cách chia sẻ đúng cách

Đừng chỉ chia sẻ sự mệt mỏi mà hãy chia sẻ cả điều vui vẻ, những thành công dù nhỏ trong ngày. 

Thay vì nói “Hôm nay mệt quá”, bạn hãy thử nói “Hôm nay mệt xíu nhưng làm được nhiều việc lắm”. Cách nói chuyện cũng ảnh hưởng đến suy nghĩ của tụi mình rất nhiều đó!

5. Quản lý từ ngữ và cảm xúc

Thay vì để lời than điều khiển cảm xúc, hãy chủ động kiểm soát cách mình nhìn nhận vấn đề. Tập trung vào những điều tích cực, dần dần, tụi mình sẽ cảm thấy mọi thứ nhẹ nhàng hơn.

Than xong rồi mình làm tiếp nha!

Nhiều bạn gen alpha thú thật rằng than thở giống như một thủ tục trước khi làm gì đó. Nó giúp tụi mình có cái để tám chuyện, để tạo không khí, nhưng quan trọng là than xong vẫn làm bài, vẫn ăn ngon, vẫn chơi vui. Nên nếu bạn cũng thuộc hội “cô nàng than dữ” thì cứ than đi!

Nhưng nhớ là đừng than quá lâu, vì bài tập vẫn phải làm, bụng vẫn cần ăn và cuộc sống vẫn phải chill nha!

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: