Teen bắt nhịp kỷ nguyên số - Kỳ 2: 'Chill' cùng AI

Thứ bảy, 03/05/2025 20:43 (GMT+7)

Bên cạnh ứng dụng AI trong học tập, teen còn tìm tòi, ứng dụng vào việc giải trí, học thêm kỹ năng, thậm chí kiếm thêm… thu nhập.

Teen bắt nhịp kỷ nguyên số - Kỳ 2: 'Chill' cùng AI - Ảnh 1.

Tấn Đức (bìa trái) và Nhật Bảo (bìa phải) chụp ảnh cùng giáo viên hướng dẫn sau khi nhận giải nhất Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2024-2025 -Ảnh: DUY DƯƠNG


Đam mê theo cách của gen Z

Yêu thích các loại hình nghệ thuật truyền thống, ví dụ như cải lương, hai bạn Tấn Đức và Nhật Bảo (lớp 11, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, quận 5) nhận thấy hiện nay tuy có nhiều ứng dụng sáng tác nhạc bằng AI nhưng đa số là nhạc trẻ.

Cả hai đã nghĩ ra ý tưởng ứng dụng AI để tạo nên công cụ sáng tác đờn ca tài tử, góp phần quảng bá âm nhạc dân tộc đến giới trẻ và người nước ngoài.

Và dự án mang tên Ứng dụng học sâu trong sáng tác nhạc tự động, định hướng bảo tồn và phát triển đờn ca tài tử Nam Bộ của hai bạn đã ra đời.

Cả hai cho biết, học sâu là một nhánh của AI, trong đó sử dụng kiến trúc mạng nơ-ron nhân tạo để mô phỏng quy trình ra quyết định giống với bộ não của con người. Công cụ này cho phép người dùng dù không có kiến thức chuyên môn vẫn có thể tự sáng tác đờn ca tài tử.

Trong quá trình thực hiện, khó khăn phát sinh từ hai thành phần chính: bộ dữ liệu và mô hình.

Hiện nay không có sẵn một bộ dữ liệu được xử lý và chuẩn hóa toàn diện để có thể huấn luyện các mô hình học hiệu quả. Vì vậy, hai bạn đã tự xây dựng một bộ dữ liệu chuyên biệt cho đờn ca tài tử Nam Bộ.

Các bạn phải tốn nhiều kinh phí thuê server mạnh để xử lý lượng dữ liệu lớn, thời gian thực hiện lâu, trong quá trình xử lý gặp phải một số “bug” lạ chưa từng gặp qua nên phải liên tục theo dõi tiến trình máy hoạt động để kịp thời giải quyết.

“Nhiều lúc tụi mình gặp phải những lỗi rất lạ, tra cứu trên mạng, nền tảng lập trình cũng không tìm thấy. Có những lỗi phát sinh từ việc tính toán kích thước giữa các phần dữ liệu bên trong mô hình bị sai sót, tụi mình phải ngồi lật lại từng phần một, tính lại bằng tay từng vector, ma trận mới có thể sửa được lỗi”, Tấn Đức chia sẻ.

Dự án của Đức và Bảo đã giành giải nhất Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2024-2025 và được chọn để tham dự Hội thi Khoa học Kỹ thuật quốc tế năm 2025.

Teen bắt nhịp kỷ nguyên số - Kỳ 2: 'Chill' cùng AI - Ảnh 2.

Bạn Phương Vy - Ảnh: NVCC

Là chủ nhiệm CLB Điện ảnh Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), bạn Phạm Phương Vy thường phụ trách quay, dựng phim, lên ý tưởng và kiểm soát rất nhiều khâu để tạo ra một sản phẩm phim ngắn hoàn chỉnh.

Trước đây, Phương Vy hay bí ý tưởng cho sản phẩm mới. Bạn cũng “đau đầu” với việc quản lý thời gian và công việc khi có quá nhiều khâu cần kiểm soát.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để theo dõi và phân tích tiến độ học tập, rút ngắn thời gian hoàn thành các tín chỉ, hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh, giúp lực lượng chức năng truy vết người qua dữ liệu camera an ninh… nhiều bạn teen gen Z, gen Alpha đang không ngừng học hỏi, sáng tạo để không b "lỗi nhịp" trong kỷ nguyên số.

Khi làm quen với công cụ AI, Phương Vy thường sử dụng các phần mềm như ChatGPT để hỗ trợ viết kịch bản, chỉnh sửa câu thoại sao cho tự nhiên hơn, tìm ý tưởng mới cho sản phẩm của mình hoặc kiểm tra lỗi logic trong kịch bản.

Khi lên kế hoạch quay phim, Phương Vy cũng nhờ AI giúp lập mốc thời gian. Bên cạnh đó, bạn còn nhờ phần mềm Notion AI hỗ trợ quản lý thời gian, nhắc nhở lịch trình cá nhân. Vy cho biết, nhờ tận dụng những công cụ thông minh, việc làm phim của bạn trở nên thuận tiện và hiệu quả hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, về công cụ dựng phim, Phương Vy sử dụng phần mềm dựng phim và không nhờ vào AI. Bạn cho biết một phần vì cảm thấy AI xử lý video vẫn “chưa đủ wow” nên trước giờ bạn hoàn toàn dựng phim thủ công.

Teen bắt nhịp kỷ nguyên số - Kỳ 2: 'Chill' cùng AI - Ảnh 3.

Thiên Phúc và chiếc máy giải rubik bằng AI - Ảnh:DUY LÊ

Nếu Phương Vy thích làm phim thì Thiên Phúc (sinh viên năm nhất Đại học Khoa học Tự nhiên, quận 5) lại đam mê rubik. Phúc cho rằng chơi rubik bằng não đã quá quen thuộc, các cuộc thi giải rubik cũng phổ biến nên Phúc và nhóm bạn quyết định sáng tạo máy giải rubik bằng AI.

Chơi rubik có công thức riêng, robot sẽ giúp Phúc tích hợp các công thức này lại và giải. Theo Phúc tìm hiểu trên thế giới đã có con AI giải rubik 12 bước. Hiện tại, nhóm Phúc đã sáng tạo máy giải rubik trong 18 bước. Tuy chưa tối ưu nhất nhưng Phúc vẫn đang mày mò nâng cấp “đứa con” của mình.

Về nguyên lý hoạt động, Phúc cho biết: “Đầu tiên, camera sẽ quay lại và ghi nhớ từng mặt của rubik, sau đó gửi thông tin về máy tính. Máy tính sẽ giải xong gửi kết quả cho vi điều khiển và mô tơ tiến hành giải trực tiếp trên khối rubik chỉ trong vài phút”.

Thử kiếm tiền bằng trí tuệ nhân tạo

Ở tuổi 21, Vũ SiNo (chủ nhân kênh YouTube SiNo studio với hơn 226 ngàn lượt đăng ký) đã có team sản xuất phim hoạt hình riêng, thu nhập hơn 30 triệu đồng mỗi tháng.

Đam mê phim ảnh nên từ năm lớp 9, Vũ đã mày mò làm phim hoạt hình. Nếu như trước đây chỉ dùng các ứng dụng quen thuộc, hiện tại Vũ đã bắt đầu thay đổi cách làm việc, cập nhật AI nhiều hơn. “Làm hoạt hình từ AI đang lên ngôi, nhất là sau thành công trên khắp thế giới của bộ phim Na Tra 2: Ma đồng náo hải, nên từ cuối năm 2024, mình bắt đầu dùng AI”.

Trước đây, Vũ phải phác thảo nhân vật bằng tay khá mất thời gian. Từ khi dùng AI, cậu bạn chỉ mất vài phút đã có kết quả như mong muốn. Vũ nhận thấy làm phim hoạt hình đòi hỏi yếu tố làm việc nhóm cao.

Nhờ AI, Vũ truyền đạt ý tưởng cho team dễ dàng và hiệu quả hơn. “Mình nhớ lúc đó cần vẽ nhân vật ninja, tuy đã có ý tưởng nhưng chưa cụ thể để trình bày cho team hiểu, mình nhờ AI phác thảo gợi ý. Nhờ vậy, tiến độ công việc được trôi chảy và nhanh hơn rất nhiều, luôn đúng deadline”.

Teen bắt nhịp kỷ nguyên số - Kỳ 2: 'Chill' cùng AI - Ảnh 4.

Các con số ấn tượng từ những sản phẩm của Vũ SiNo đạt được -Ảnh: NVCC

Cặm cụi với các ứng dụng làm nhạc bằng AI, bạn Bá Nguyên (du học sinh Nhật Bản) cho biết đang theo đuổi chuyên ngành Kỹ sư điện tử thông tin. Tuy nhiên, Nguyên cũng rất đam mê âm nhạc. Từ chuyên môn mình có, Nguyên bắt đầu tập tành sáng tác nhạc, clip bằng AI để xây dựng kênh TikTok, YouTube.

Nguyên kể: “Thời gian đầu khi mới tập tành, mình thường mất khoảng 4 tiếng lên kịch bản, viết câu lệnh, sửa sản phẩm. Sau khi hoàn chỉnh, mình thường đăng short ngắn lên TikTok. Gần đây đã có một vài nhãn hàng liên hệ ngỏ lời hợp tác mua sản phẩm của mình”.

Vì vậy, bên cạnh chuyên ngành học, Nguyên cũng muốn tìm thêm công việc, thu nhập từ việc xây dựng mạng xã hội, làm nhạc nhờ vào AI.

AI đã mang đến nhiều lợi ích, tuy nhiên việc sử dụng AI một cách lệ thuộc, sử dụng để đối phó với thầy cô, với các kỳ thi… sẽ khiến teen lười tư duy và sáng tạo. Mời bạn đón đọc kỳ 3: “Tuyệt chiêu” làm chủ trí tuệ nhân tạo.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: