Teen bắt nhịp kỷ nguyên số - kỳ 1: Học cùng AI

Thứ sáu, 02/05/2025 07:57 (GMT+7)

Nhiều bạn teen gen Z, gen Alpha đang không ngừng học hỏi, sáng tạo để không bị 'lỗi nhịp' trong kỷ nguyên số.

Teen bắt nhịp kỷ nguyên số - kỳ 1 Học cùng AI - Ảnh 1.

Chiếc xe điều khiển do Nhân Hoàng lập trình bằng AI - Ảnh: NVCC

Các bạn đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để theo dõi và phân tích tiến độ học tập, rút ngắn thời gian hoàn thành các tín chỉ, hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh, giúp lực lượng chức năng truy vết người qua dữ liệu camera an ninh…

“Update” phương pháp học tập

Không chỉ dừng lại ở các hình thức học tập truyền thống qua tài liệu, học nhóm hay tham gia CLB, hiện nay các bạn trẻ liên tục cập nhật những phương pháp học tập mới. Trong đó, không thể thiếu sự hỗ trợ của AI. Khánh Băng (lớp 9, Trường THCS Huỳnh Tấn Phát, quận 7) cho biết bạn sử dụng công cụ AI để chuẩn bị cho bài thuyết trình.

Bên cạnh đó, Băng còn soạn các kịch bản và “nhờ” AI tóm tắt, sửa lỗi, tìm ý tưởng thiết kế poster... Còn Ngọc Thơ (lớp 11, Trường THPT An Lạc, quận Bình Tân) thường dùng các công cụ như Gemini và ChatGPT để ôn tập. “Trước đây mình mông lung trong việc ôn tập. Nhưng nhờ sử dụng AI kết hợp với bài tập từ thầy cô giúp kiến thức mình vững hơn”, Thơ chia sẻ.

Là chủ nhiệm STEM club tại Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6), bạn Nhân Hoàng (lớp 11A4) cho biết, đang định hướng CLB phát triển thêm AI trong thời gian tới. “Chúng mình sẽ thành lập thêm ban chuyên môn AI với khoảng 20 thành viên”, Hoàng chia sẻ.

Để thực hiện điều này, Hoàng đang tiên phong tự học lập trình qua ứng dụng Elsa từ sự giới thiệu của các anh chị. “Nhờ ứng dụng, mình có thể mày mò lập trình. Elsa cũng theo dõi và phân tích tiến độ học tập của mình, từ đó tạo ra lộ trình phù hợp với năng lực”, Hoàng cho biết.

Teen bắt nhịp kỷ nguyên số - kỳ 1 Học cùng AI - Ảnh 2.

Mạnh Cường tự học với các ứng dụng AI tại nhà - Ảnh: DUY LÊ

Phạm Mạnh Cường (lớp 11 chuyên Tin, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1) đã tự tìm tòi học với AI từ cấp 2. Cường còn tham gia CLB The Institute of Viécie, nơi tập hợp hàng nghìn học sinh yêu thích AI tại TP.HCM.

Dù chỉ mới học lớp 11 nhưng Cường đã sở hữu chứng chỉ Google Data Analytics chỉ trong 3 tháng, thay vì phải học 6 tháng như người khác.

“Trung bình mọi người phải bỏ ra 10 tiếng học mỗi tuần trong 6 tháng để hoàn thành tín chỉ, nhưng nhờ AI hỗ trợ tìm thông tin và tổng hợp kiến thức, mình đã rút ngắn thời gian học, chỉ mất khoảng 15 tiếng mỗi tuần, hoàn thành tín chỉ trong 3 tháng. Điều này giúp mình tiết kiệm rất nhiều chi phí và thời gian”, Cường chia sẻ.

Chứng chỉ còn là cánh cửa đưa Cường mở rộng cơ hội vào các trường đại học tại Mỹ, Việt Nam và có nhiều thông tin hơn về các ngành nghề triển vọng trong tương lai.

Là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học, Trương Thành Phúc (lớp 12, THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, Kiên Giang) cho biết, gần đây, khi thực hiện dự án Cố định carbon cho mục tiêu Net - Zero bằng biochar chế tạo từ rác thải nhựa và trấu, bạn phải đọc hàng chục đầu tài liệu để nghiên cứu, chọn lọc thông tin.

“Đây là công đoạn tốn rất nhiều thời gian, trước đây mình phải tự đọc thật kỹ tất cả tài liệu, phụ thuộc rất nhiều vào giáo viên khi có những kiến thức mình chưa hiểu hoặc tìm không ra”, Phúc chia sẻ.

Teen bắt nhịp kỷ nguyên số - kỳ 1 Học cùng AI - Ảnh 3.

Trương Thành Phúc và sản phẩm nghiên cứu khoa học của mình - Ảnh: NVCC

Để giải quyết vấn đề này, Phúc chọn làm việc với NotebookLM - một ứng dụng AI cho phép cậu bạn nhập tất cả dữ liệu đầu vào sau đó sẽ cô đọng, khoanh vùng thông tin theo yêu cầu.

Phúc cho biết: NotebookLM giúp mình rút ngắn khoảng 40% thời gian trong việc tìm kiếm, cô đọng thông tin. Bên cạnh đó, có những thí nghiệm không cần làm trực tiếp, nhiều ứng dụng cho phép làm thí nghiệm ảo giúp tiết kiệm kinh phí”.

Thành quả từ cách học tập mới

Nhờ phương pháp học tập mới kết hợp với ứng dụng AI, teen còn sáng tạo nên nhiều sản phẩm có tính ứng dụng cao, đạt các giải thưởng danh giá.

Sẩm Pí Diệu (lớp 12 Tin, Trường Phổ thông Năng khiếu, quận 5) từng giành giải nhất AI Challenge TP.HCM năm 2024 và giải nhì Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học năm học 2023 - 2024.

Diệu bắt đầu tìm hiểu lập trình từ năm lớp 10 và đặc biệt thích đề tài ứng dụng AI vào thực tiễn đời sống phục vụ cộng đồng như sử dụng AI hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh hay điều khiển đèn tín hiệu giao thông...

Tại hội thảo SOICT 2024, nhóm của Diệu đã nghiên cứu xây dựng hệ thống truy vấn sự kiện. Với kho dữ liệu video hàng trăm giờ, hệ thống truy vấn của Diệu chỉ cần 10 giây có thể giúp lực lượng chức năng truy vết người qua dữ liệu camera an ninh.

Diệu cũng nhận định sự phát triển nhanh chóng của AI đã tạo điều kiện để học sinh dễ dàng tiếp cận kiến thức mới. Chính bản thân Diệu cũng thường xuyên dùng AI như một “gia sư” để giảng bài, ra đề và nhận xét bài làm.

Thách thức lớn nhất với Diệu là kiến thức về trí tuệ nhân tạo luôn được cập nhật mới từng ngày, từng giờ, đòi hỏi bạn phải luôn nắm bắt những thay đổi một cách nhanh nhất.

Bên cạnh đó, để “dạy” mô hình AI, bạn phải cung cấp nguồn dữ liệu đầu vào lớn. Dữ liệu càng nhiều thì khả năng đào tạo mô hình AI có trí thông minh và độ chính xác cao hơn.

Teen bắt nhịp kỷ nguyên số - kỳ 1 Học cùng AI - Ảnh 4.

Bạn Sẩm Pí Diệu (giữa) thích lập trình và nghiên cứu khoa học - Ảnh: NVCC

Bạn cũng gặp khó khăn về cơ sở vật chất. Để lưu trữ được dữ liệu khổng lồ đòi hỏi nhà nghiên cứu cần có bộ nhớ đủ lớn để chứa dữ liệu. Ngoài ra, để nghiên cứu AI cần bộ vi mạch để xử lý dữ liệu và huấn luyện mô hình.

Trong khi đó hiện Diệu sử dụng chiếc laptop cũ của anh trai để lại, được ba nâng cấp để phục vụ tạm thời cho việc học lập trình thông thường.

Teen bắt nhịp kỷ nguyên số - kỳ 1 Học cùng AI - Ảnh 5.

Đức Vinhđiều khiển xe qua cửchỉ của cánh tay - Ảnh: DUY LÊ

Tương tự Pí Diệu, bạn Đức Vinh (sinh viên năm nhất Đại học Khoa học Tự nhiên, quận 5) cũng thích tự học AI để chế tạo máy móc. Không cần chạm bất kỳ vật dụng nào, chỉ cần vài động tác ra hiệu lệnh từ đôi tay, Vinh đã có thể điều khiển xe mô hình do chính mình thực hiện.

Vinh chia sẻ: “Xe được mình lập trình để nhận biết cử chỉ cánh tay thông qua màn hình. Sau đó nhận tín hiệu bằng wifi nên có thể điều khiển từ xa. Hiện tại mình ra lệnh cho xe bằng cử chỉ, nhưng với nền tảng này mình có thể phát triển lên thành điều khiển bằng sóng não hoặc giọng nói”.

Kết hợp với AI để phục vụ nghiên cứu khoa học cũng đã giúp nhóm của bạn Trương Thành Phúc xuất sắc giành giải nhì tại Cuộc thi Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật cấp Quốc gia 2024 - 2025.

Phúc chia sẻ: “Trước đây mình bảo thủ, xem việc dùng AI để nghiên cứu là điều không khả thi. Nhưng ngày nay nếu vẫn cứng ngắt tư duy, không tìm phương pháp học tập mới sẽ rất chậm và không kịp thời đại”.

Không chỉ sáng tạo trong học tập, gen Z còn tận dụng AI để phục vụ giải trí, theo đuổi đam mê như sáng tác cải lương, chế tạo máy giải rubik cho đến các công việc kiếm tiền... Mời bạn đón đọc kỳ 2: “Chill” cùng AI.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: