Với hơn 3 triệu đồng/tháng, sinh viên xoay xở chi tiêu thế nào?

Thứ ba, 15/10/2024 12:35 (GMT+7)

Với tiền sinh hoạt phí dao động từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng, sinh viên làm gì để đảm bảo đủ tiền phục vụ các nhu cầu chi tiêu cơ bản hằng tháng khi lên đại học?

Với hơn 3 triệu đồng/tháng, sinh viên xoay xở chi tiêu thế nào?- Ảnh 1.

Chi tiêu hợp lý luôn là 'bài toán' khó với sinh viên - ẢNH MINH HỌA TẠO BỞI AI

Đối với sinh viên, đời sống đại học luôn có vô vàn thử thách mới cần phải đối mặt. Không chỉ dừng lại ở việc học tập, các bạn còn phải học cách làm sao chi tiêu hợp lý với số tiền trợ cấp từ gia đình. 

Lập ngân sách chi tiêu rõ ràng

Bạn Thiều Quang (cựu sinh viên khoa ngữ văn, Trường đại học Sư phạm TP.HCM) vừa tốt nghiệp đại học được hơn một năm.

Trước đây, khi còn là sinh viên, bạn được gia đình hỗ trợ 3,8 triệu đồng/tháng cho các nhu cầu cơ bản bao gồm: chỗ ở, ăn uống, học tập, đi lại và các hoạt động sinh hoạt khác.

Ngoài khoản tiền thuê trọ cố định 800 ngàn đồng/tháng, các khoản chi còn lại, Quang tự quản lý kỷ luật bằng cách chia nhỏ số tiền theo tuần.

"Đóng tiền phòng trọ xong, mình còn 3 triệu đồng tiền trợ cấp từ ba mẹ. Nghe có vẻ ít so với mức sống ở TP.HCM, nhưng mình hoàn toàn cân đối được bằng cách lập ra kế hoạch chi tiêu cụ thể.

Thay vì "vung tay" thoải mái, mỗi tuần, mình chỉ cho phép bản thân tiêu khoảng 700 ngàn. Mình luôn biết rõ tiền của mình đã đi đâu và ít khi nào bị thiếu hụt vào cuối tháng", bạn chia sẻ.

Ngoài việc chia nhỏ tiền, Quang còn tận dụng các nguồn học liệu miễn phí để tiết kiệm.

Bạn thường mượn sách từ thư viện trường, chia sẻ tài liệu học tập với bạn bè hoặc tìm kiếm các tệp tài liệu miễn phí trên mạng để giảm tải chi phí học tập.

Ưu tiên tự nấu ăn tại nhà, săn khuyến mãi

Đó là các mẹo tiết kiệm của bạn Bích Ngọc, sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM.

Ngọc cho biết, với bạn, một trong những khoản chi nhiều nhất của sinh viên chính là ăn uống. Vì vậy, cô bạn đã chuyển từ việc ăn ngoài mỗi ngày sang tự nấu ăn, vừa giúp tiết kiệm, vừa đảm bảo bữa ăn lành mạnh.

Ngọc kể: "Lúc mới lên đại học, mình cứ ra quán ăn ngoài hoặc đặt ship vì tiện lợi, nhưng số tiền phải chi ra mỗi tháng rất lớn. Vậy nên, mình suy nghĩ rồi quyết định mua một nồi cơm điện nhỏ và tự nấu ăn".

Bích Ngọc cho biết bạn thường mua thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong những khung giờ giảm giá. Mỗi lần đi siêu thị, cô bạn mua đủ cho một tuần và chia nhỏ ra nấu dần.

Ngoài ra, bạn cũng tham gia vào các hội nhóm săn mã, đồ khuyến mãi trên mạng xã hội để tiết kiệm chi phí mua sắm.

Đi làm để có thêm thu nhập

Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, sinh viên năm ba ngành ngôn ngữ Anh, đã làm việc bán thời gian từ năm nhất.

Bạn thổ lộ: "Gia đình mình chỉ có thể hỗ trợ 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Đó là lý do mình phải tìm việc làm thêm để có tiền trang trải. Hiện tại, mình đang làm trợ giảng cho một trung tâm tiếng Anh. Từ năm nhất, mình cũng nhận một số dự án dịch thuật nhỏ để kiếm tiền".

Ánh Nguyệt tâm sự, công việc làm thêm giúp bạn chi trả tiền thuê trọ và nới rộng ngân sách chi tiêu hằng ngày. 

Ngoài ra, bạn cũng học hỏi và phát triển được nhiều kỹ năng mới có ích như giao tiếp, giảng dạy, quản lý thời gian,…

Một bí quyết tiết kiệm được cả ba bạn sinh viên đồng tình chính là học cách giảm thiểu các khoản chi tiêu không cần thiết.

Bích Ngọc bày tỏ: "Mình đã học cách nói không với những cuộc đi chơi tốn kém. Thay vì tụ tập bạn bè ở quán cà phê, bọn mình thường rủ nhau về phòng trọ nấu ăn, trò chuyện".

Tương tự, Thiều Quang cũng tránh mua sắm những thứ không cần thiết như quần áo, giày dép khuyến mãi. Trước khi mua, bạn luôn hỏi bản thân có thật sự cần món đồ đó không. Điều này giúp bạn tiết kiệm rất nhiều tiền.

Bạn Nguyễn Trung Hiếu (thủ khoa đầu ra ngành văn học Trường đại học Sư phạm TP.HCM năm 2024) khuyên sinh viên nên tích cực tìm kiếm các cơ hội học bổng và hỗ trợ tài chính từ nhà trường.

Trước đây, nhờ tận dụng điều này, bạn giảm bớt áp lực tiền bạc và tập trung hơn vào việc học.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: