3 câu hỏi ‘quá hay’ của học sinh Đà Nẵng tại chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp

Chủ nhật, 07/01/2024 12:09 (GMT+7)

Các chuyên gia chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp diễn ra tại Đà Nẵng sáng 7-1 đã tấm tắc khen 'học sinh Đà Nẵng có nhiều câu hỏi hay quá'.

3 câu hỏi ‘quá hay’ của học sinh Đà Nẵng tại chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp- Ảnh 1.

Thí sinh Đà Nẵng băn khoăn việc chọn ngành học “hot” hay ngành yêu thích nhưng nhu cầu tuyển dụng thấp - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Tại chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp, các chuyên gia đến từ Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế… đã giải đáp mọi thắc mắc của học sinh.

Chọn ngành không 'hot", có sống được với nghề?

Bạn Phạm Hữu Đăng Khoa (Trường THPT Phan Châu Trinh) đặt câu hỏi: "Khối ngành em chọn không phải là ngành "hot". Trong xu thế ngành lao động luôn biến động liên tục như hiện nay, nếu chọn ngành chuyên môn cao nhưng ít nhu cầu tuyển dụng thì có đủ sức chống chịu với thị trường khó tính và sống được với nghề không?".

Khoa chia sẻ, bạn định hướng chọn ngành tâm lý học nhưng khá lo lắng về cơ hội công việc khi ra trường.

TS.Võ Thanh Hải – phó hiệu trưởng Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) nhận xét đây là câu hỏi hay, thú vị và rất thực tế. Theo thầy Hải, không có ngành "hot", chỉ có người hot". Ngay trong lĩnh vực nông, lâm, ngư cũng có những ngành có việc làm nhiều, thu nhập cao.

"Nay đi đâu cũng nghe thiết kế vi mạch nhưng quan trọng nhất là sinh viên tốt nghiệp có đủ năng lực làm việc trong lĩnh vực đó không?. Người ta gọi là người "hot". Tốt nghiệp ra trường, có kiến thức, kỹ năng, giao tiếp tốt… thì doanh nghiệp sẽ trải thảm mời các em", thầy Hải nói.

3 câu hỏi ‘quá hay’ của học sinh Đà Nẵng tại chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp- Ảnh 2.

Công nghệ thông tin là một trong những ngành nhận được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. - Ảnh: THANH NGUYÊN

Thầy Hải dẫn chứng thêm ngành y đa khoa ra trường nhu cầu tuyển dụng rất cao nhưng nếu tiếng Anh nghe mà không hiểu, tin học không rành, kiến thức ngành bị động…thì các em trở thành "người không hot" và thất nghiệp ngay trong ngành đó.

Thầy Hải khuyên nếu đã chọn ngành thì hãy nỗ lực học tập. Hãy dựa trên ba yếu tố: Giỏi kiến thức ngành, ngành mình thích, ngành có khả năng tạo ra tiền để nuôi sở thích của mình.

"Đó là ngành các em có cơ hội thành công. Còn lại tùy thuộc vào nỗ lực của mỗi người", thầy Hải nhắn nhủ.

3 câu hỏi ‘quá hay’ của học sinh Đà Nẵng tại chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp- Ảnh 3.

Học sinh tham quan các sản phẩm nghiên cứu của sinh viên Trường đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) bên lề buổi tư vấn - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Cơ hội nào cho ngành tâm lý học những năm tới?

Còn học sinh Võ Nguyễn Thảo Nguyên băn khoăn: "Trong 4-6 năm tới, cơ hội chuyển mình của ngành tâm lý học có cao không khi thị trường Việt Nam lại đang đặt sự quan tâm về vấn đề sức khỏe thể chất, chưa đề cập nhiều tới vấn đề sức khỏe tinh thần".

TS. Nguyễn Đức Quận – phó trưởng ban đào tạo Đại học Đà Nẵng cho biết không riêng Thảo Nguyên mà có rất nhiều học sinh và phụ huynh quan tâm đến vấn đề này.

TS. Quận nhìn nhận: "Chúng ta đang tập trung phát triển các ngành về khoa học, kỹ thuật, kinh tế… nhưng ít khi để ý đến ngành tâm lý. Tâm lý bao gồm nhiều lĩnh vực từ giao tiếp, sức khỏe…

3 câu hỏi ‘quá hay’ của học sinh Đà Nẵng tại chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp- Ảnh 4.

Học sinh đặt câu hỏi tại chương trình - Ảnh: ĐOÀN NHẠN.

Hiện nay, khi cuộc sống có nhiều áp lực, cá nhân tôi nghĩ trong tương lai vài năm tới, ngành tâm lý là một trong những ngành mà xã hội rất cần, nhằm giải tỏa những khó khăn, áp lực trong công việc, đời sống, tâm lý của con người. Đây là ngành xu hướng em nên tham khảo lựa chọn".

Ngành nào nhu cầu cao nhưng thiếu nhân lực tại Việt Nam?

Bạn Nguyễn Lam Ngọc (Trường THPT Ngô Quyền) đặt câu hỏi: "Cơ hội việc làm trong năm 2024 cho ngành thiết kế đồ họa như thế nào? Các ngành nào hiện đang có nhu cầu cao nhưng lại thiếu nhân lực ở Việt Nam?"

Trả lời thắc mắc của học sinh, TS Lê Văn Tường Lâm – quyền trưởng ban đào tạo và công tác sinh viên Đại học Huế - cho biết ngành thiết kế đồ họa là nói chung.

Trong đó có nhiều lĩnh vực như thiết kế nhận diện thương hiệu, thiết kế ấn phẩm xuất bản, thiết kế giao diện người dùng. Mỗi lĩnh vực sẽ có những ngành đào tạo khác nhau.

3 câu hỏi ‘quá hay’ của học sinh Đà Nẵng tại chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp- Ảnh 5.

Học sinh Đà Nẵng được tư vấn tận tình những thắc mắc tại các gian hàng - Ảnh: THANH NGUYÊN

TS Lê Văn Tường Lâm nhắn nhủ thí sinh chọn ngành chọn nghề đừng nghe theo số đông. Có những ngành nghề thu nhập cao nhưng chưa chắc đã phù hợp năng lực của mình.

Ông Lâm dẫn chứng hiện ngành thiết kế vi mạch đang rất "hot". Các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Huế, Đà Nẵng đều có các trường mở chuyên ngành thiết kế vi mạch.

Nhưng nếu không thực sự giỏi toán, lý… thì rất khó theo đuổi mặc dù đây là ngành thu nhập cao.

Cơ hội dành cho công dân thành phố trẻ, giàu tiềm năng

Thầy Mai Tấn Linh - phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng chia sẻ Đà Nẵng là một thành phố trẻ và giàu tiềm năng nên rất cần một thế hệ công dân mới có đầy đủ trình độ, phẩm chất, năng lực… đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới.

Trong các giải pháp cơ bản để đào tạo nguồn nhân lực mới, thành phố chú trọng định hướng, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT.

3 câu hỏi ‘quá hay’ của học sinh Đà Nẵng tại chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp- Ảnh 6.

Thầy Mai Tấn Linh, phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng, phát biểu tại chương trình - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG.

Vì thế, hoạt động tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp của Báo Tuổi Trẻ trong những năm qua đã giúp nhiều cho ngành giáo dục và đào tạo của thành phố hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyển sinh, hướng nghiệp.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: