Bạn có đang mắc hội chứng tâm lý FOMO?

Thứ sáu, 28/06/2024 11:00 (GMT+7)

Mùa hè ở nhà không chừng nhiều bạn đang gặp phải hội chứng FOMO mà chưa biết nè!

Hội chứng FOMO ảnh hưởng tiêu cực đến bạn như thế nào?

Nếu mắc phải hội chứng FOMO, bạn không chỉ mất tập trung mà còn dễ rơi vào trạng thái tự ti, chán nản, lúc nào cũng có cảm giác mình chậm chân, kém ngầu so với người khác, luôn khao khát có được những thứ mà người khác có. Bạn “nướng” quá nhiều thời gian và tâm trí cho mạng xã hội, quên mất những nhiệm vụ quan trọng của mình như học tập, rèn luyện kỹ năng thực hành xã hội...

FOMO là viết tắt của cụm từ Fear Of Missing Out, được gọi là “Hội chứng tâm lý sợ bị bỏ lỡ”. Đó là hội chứng sợ bản thân bỏ lỡ những điều thú vị trong cuộc sống mà người khác đang được trải nghiệm.

Bạn có đang mắc hội chứng tâm lý FOMO?- Ảnh 1.

Tranh minh họa được thực hiện bằng AI

4 dấu hiệu hội chứng Fomo đây!

1. Luôn “dán mắt” vào màn hình điện thoại để chờ đợi bài đăng của mọi người, thông báo mới từTikTok, Facebook, Instagram, Twitter... hoặc lượt like, share, comment đối với bài mình vừa đăng lên mạng.

Bạn có đang mắc hội chứng tâm lý FOMO?- Ảnh 2.

Xây dựng và duy trì lối sống lành mạnh như nghe nhạc, tập thể dục, tưới cây… có thể giúp bạn thoát khỏi hội chứng FOMO - Tranh minh họa được thực hiện bằng AI

2. Cứ một lát lại kiểm tra điện thoại vì sợ bỏ lỡ cuộc gọi hoặc tin nhắn của ai đó, kể cả khi đang cần tập trung học bài.

3. Luôn muốn cập nhật tất cả tin tức nóng hổi (hot news) hay những xu hướng mới nổi (hot trends) trên mạng xã hội vì sợ mình bị “lạc hậu”.

4. Kết bạn hoặc “follow” tràn lan chỉ vì muốn mở rộng các mối quan hệ trên mạng.

Nếu bạn có một trong các dấu hiệu trên thì bạn đã mắc hội chứng FOMO rồi đó!

5 cách thoát khỏi hội chứng Fomo

Bạn yên tâm, không có nỗi sợ nào là không thể vượt qua. Để thoát khỏi hội chứng FOMO,chúng ta có thể áp dụng 5 cách sau đây:

Bạn có đang mắc hội chứng tâm lý FOMO?- Ảnh 3.

Tranh minh họa được thực hiện bằng AI

1. Thiết lập ranh giới với mạng xã hội: Giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội và điện thoại thông minh. Tắt thông báo các ứng dụng mạng xã hội không cần thiết, xóa bớt những ứng dụng gây mất tập trung và lãng phí thời gian.

2. Xây dựng và duy trì lối sống lành mạnh: Tạo cho mình những thói quen lành mạnh như: đọc sách, nghe nhạc, chơi thể thao, trồng cây, chăm sóc thú cưng... Bạn cũng có thể duy trì lịch sinh hoạt khoa học, ăn uống đúng giờ, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên.

3. Tìm kiếm các kết nối ngoài đời thực: Dành thời gian gặp gỡ, trò chuyện với bạn bè, người thân trong gia đình; tham gia các câu lạc bộ sở thích, hoạt động ngoại khóa, từ thiện...

Ngoài ra, bạn nên tập trung vào hiện tại, tận hưởng niềm vui từ những điều giản đơn trong cuộc sống thay vì đắm chìm vào “thế giới ảo” với những “người bạn ảo” trên mạng xã hội.

4. Đặt ra mục tiêu cho bản thân: Hầu hết những người mắc hội chứng FOMO đều không có mục tiêu rõ ràng trong cuộc sống, không đủ tự tin vào bản thân, dễ bị chi phối, dẫn dụ bởi những người có ảnh hưởng trên mạng. Vì thế, bạn hãy đặt ra mục tiêu cho bản thân và lên kế hoạch cụ thể để thực hiện.

5. Luôn suy nghĩ tích cực: Mỗi người có một cách cảm nhận riêng về hạnh phúc. Thước đo thành công của mỗi người cũng khác nhau. Thay vì thèm muốn, ghen tỵ với những thành tựu của người khác, hãy cố gắng vượt lên chính bản thân mình, ngày mai tiến bộ hơn ngày hôm nay.

Mạng xã hội ra đời giúp bạn mở rộng các mối quan hệ xã hội, biết thêm nhiều tri thức mới. Nhưng nếu để mạng xã hội chi phối cuộc sống của mình thì bạn chưa phải là “công dân số” thông minh đâu nhé!

ThS. NGUYỄN HẢI ANH - Chuyên gia về bảo vệ trẻ em, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: