Chủ nhật, 14/01/2024 21:38 (GMT+7)

Nhiều thí sinh muốn theo ngành 'hot' nhưng lo ngại không trúng tuyển do điểm chuẩn các ngành này thường khá cao. Các chuyên gia tư vấn tuyển sinh đã 'bày cách' cho các bạn.

PGS.TS Bùi Quang Hùng tư vấn cho học sinh trong chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp sáng 14-1 tại Trường đại học Khánh Hòa - Ảnh: TRẦN HUỲNH

PGS.TS Bùi Quang Hùng tư vấn cho học sinh trong chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp sáng 14-1 tại Trường đại học Khánh Hòa - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Buổi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp sáng nay 14-1 tại Trường đại học Khánh Hòa thu hút hơn 4.000 học sinh trong tỉnh.

Đua vào ngành "hot", cơ hội trúng tuyển sẽ thấp hơn

Một học sinh lớp 12 Trường THPT Hà Huy Tập quan tâm đến ngành tài chính - ngân hàng nên muốn tìm hiểu về cơ hội việc làm ngành này. Bên cạnh đó nhiều học sinh cũng lo lắng trước thực tế điểm chuẩn ngành tài chính - ngân hàng những năm qua khá cao.

PGS.TS Bùi Quang Hùng - phó giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM, cho hay tài chính - ngân hàng là ngành lớn có nhiều chuyên ngành và chương trình đào tạo. Tùy theo từng trường tiếp cận theo hướng đào tạo nào sẽ có chuyên ngành chi tiết, ví dụ tài chính công, tài chính doanh nghiệp…

Học tài chính - ngân hàng ra trường có thể làm việc ở các tổ chức tín dụng, sàn giao dịch chứng khoán. Ngành này hiện có xu hướng mới như tài chính quốc tế, công nghệ tài chính…

"Theo quan điểm của tôi, tùy theo sức học của mình, đặc biệt tùy theo sở trường và đam mê của mình chúng ta hoàn toàn có thể chọn chuyên ngành nào đó để theo học. Cụ thể như trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng không nhất thiết phải chọn đúng tên gọi ngành này, thậm chí có thể chọn học kế toán, kiểm toán vẫn có thể làm việc trong ngân hàng.

Vì những khối kiến thức chung, kiến thức cơ sở ngành đều dựa trên nền tảng giống nhau. Trong quá trình học tập và làm việc sau này có thể tìm hiểu, cập nhật kiến thức cho mình.

Như vậy trước hết, các bạn cầm tìm hiểu sở trường, tính cách của mình phù hợp với định hướng nghề nghiệp nào, từ đó tìm hiểu các ngành học lĩnh vực liên quan, hơn là đi vào một ngành cụ thể. Còn nếu cứ đua vào các ngành có tên hot thì điểm chuẩn thường rất cao, cơ hội trúng tuyển sẽ ít hơn", thầy Hùng nói.

Bạn Minh Trí, lớp 12C6 Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, đặt câu hỏi về phân loại trong ngành marketing và đầu ra của ngành này như thế nào - Ảnh: TRẦN HƯỚNG

Bạn Minh Trí, lớp 12C6 Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, đặt câu hỏi về phân loại trong ngành marketing và đầu ra của ngành này như thế nào - Ảnh: TRẦN HƯỚNG

Trong khi đó, khá nhiều học sinh tham dự buổi tư vấn quan tâm nhiều đến ngành tâm lý học nhưng cũng lo lắng vì điểm chuẩn ngành này cao.

Chia sẻ về việc này, TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho hay tâm lý học hiện nay là một trong những ngành có rất nhiều thí sinh lựa chọn.

Phần lớn các bạn chọn ngành này đều đặt kỳ vọng vào cơ hội nghề nghiệp và việc phát triển bản thân sau này.

Hiện có khá nhiều trường đại học đào tạo ngành này. Do vậy, quan trọng là các bạn lựa chọn trường nào để theo học. "Riêng ngành tâm lý học tại trường chúng tôi có điểm chuẩn cao nhất trong số các trường phía Nam. Nếu các em tự tin với sức học của mình thì mạnh dạn đăng ký xét tuyển vào ngành này của trường.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng có ngành gần là tâm lý học giáo dục. Khi đăng ký xét tuyển các bạn có thể đăng ký nguyện vọng 1 ngành tâm lý học và nguyện vọng 2 ngành tâm lý học giáo dục. Sau khi tốt nghiệp đại học có thể học lên bậc thạc sĩ tâm lý học lâm sàng", thầy Hạ nói.

Học sinh tham dự chương trình sáng 14-1 - Ảnh: TRẦN HƯỚNG

Học sinh tham dự chương trình sáng 14-1 - Ảnh: TRẦN HƯỚNG

Nếu lỡ năm nay rớt đại học, còn cơ hội nào không?

Bên cạnh đó, không ít học sinh lớp 12 tỉnh Khánh Hòa tỏ ra lo lắng trước mùa tuyển sinh đại học năm nay. Bạn Đỗ Tuấn Anh - học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật, lo lắng: "Nếu lỡ năm nay rớt đại học, còn có cơ hội nào cho em hay không? Cụ thể như môn hóa của chương trình mới theo kiểu tiếng Anh, em không hiểu gì hết. Mong thầy cô tư vấn cho em".

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - Trường đại học Nông Lâm TP.HCM, trấn an thí sinh không nên quá lo bị trượt đại học, vì hiện nay cơ hội vào đại học rất rộng mở với rất nhiều phương thức xét tuyển.

"Điều quan trọng là các em phải xác định được năng lực, sở thích của mình để chọn được ngành học phù hợp. Nếu không may rớt đại học thì cũng không nên quá lo lắng. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn. Nếu em muốn thi lại để xét tuyển đại học thì chọn môn học mình có thế mạnh để ôn tập. Dù chương trình mới kiểu nào cũng không loại bỏ kiến thức các em từng được học", thầy Hùng khẳng định.

TS Phạm Tấn Hạ cũng cho rằng thí sinh không nên có suy nghĩ thi rớt đại học. Vì về mặt tâm lý như vậy là không ổn.

"Khi đi thi chúng ta phải nghĩ mình sẽ đậu và cố gắng làm để đạt kết quả cao nhất có thể. Dù chương trình nào đi chăng nữa thì học sinh cũng cần phải có kiến thức cơ bản. Bên cạnh kỳ thi tốt nghiệp THPT còn có kỳ thi đánh giá năng lực và rất nhiều phương thức xét tuyển nên các em không nên quá lo", thầy Hạ khuyên.

Chương trình tư vấn năm nay có nhiều ý nghĩa hơn

Chọn ngành gần trong cùng lĩnh vực thay vì đua vào ngành hot- Ảnh 5.

Ông Lê Đình Thuần - phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa - Ảnh: TRẦN HƯỚNG

Theo ông Lê Đình Thuần - phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa, điểm đáng chú ý nhất trong bối cảnh tuyển sinh 2024 là năm cuối tuyển sinh đại học theo chương trình giáo dục phổ thông cũ. Nhiều học sinh lớp 12 chắc hẳn có không ít hoang mang và lo lắng bởi nếu trượt đại học thì sẽ phải đối mặt với cuộc cạnh tranh khốc liệt từ mùa tuyển sinh năm 2025, theo hướng đánh giá năng lực nhiều hơn.

"Do vậy, chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ năm nay có nhiều ý nghĩa hơn, cung cấp thông tin và giải đáp trực tiếp cho thí sinh những nội dung cần nắm vững trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Đồng thời tư vấn cho các em cách xét tuyển tăng cơ hội trúng tuyển vào đại học", ông Thuần nói.

Học sinh tham khảo thông tin tuyển sinh các trường tại chương trình - Ảnh: TRẦN HƯỚNG

Học sinh tham khảo thông tin tuyển sinh các trường tại chương trình - Ảnh: TRẦN HƯỚNG

Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa, Tỉnh Đoàn Khánh Hòa, Trường đại học Khánh Hòa phối hợp tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Chọn ngành gần trong cùng lĩnh vực thay vì đua vào ngành hot- Ảnh 7.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: