Chòng chành sóng nước Thạnh An - Bài 4: Tăng tốc cho trạm y tế cứu người

Thứ tư, 23/04/2025 10:04 (GMT+7)

Nằm gần cuối con đường D1 xuyên tâm xã đảo, Trạm Y tế xã Thạnh An với diện tích khiêm tốn đã và đang chăm lo sức khỏe cho hơn 5.000 dân cư tại đây.

Chòng chành sóng nước Thạnh An - Kỳ 4: Tăng tốc cho trạm y tế cứu người - Ảnh 1.

Với một chiếc xe và một túi thuốc, bác sĩ Luân Thanh Trường chuẩn bị rời trạm y tế đi khám bệnh cho bà con trên xã đảo Thạnh An - Ảnh:NGUYỄN HƯNG

Khi tốc độ là điều đáng lo của trạm y tế xã Thạnh An

Một ngày cuối tuần, phóng viên Khăn Quàng Đỏ đã vượt sóng biển Cần Giờ để đến thăm ngôi nhà chung giữ gìn sức khỏe cho người dân xã đảo Thạnh An.

Bác sĩ Luân Thanh Trường (trạm trưởng Trạm Y tế xã Thạnh An) với hơn 20 năm kinh nghiệm đóng chốt tại xã đảo này cho biết, Trạm Y tế có 16 khoa phòng, 8 y bác sĩ và điều dưỡng.

Bên cạnh trang thiết bị cơ bản để khám, điều trị các bệnh thông thường thì trạm cũng được trang bị thêm 1 máy chụp X-quang. Thiết bị này giúp các y bác sĩ chụp hình nội tạng và chẩn đoán nhanh các trường hợp đau bệnh bên trong cơ thể.

Từ đó, bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi, chữa trị bệnh nhân tại trạm hoặc chuyển ngay vào đất liền trong khung giờ vàng cấp cứu.

Cơ sở vật chất và nhân lực của trạm tương đối đầy đủ nhưng mỗi khi cần chuyển bệnh nhân từ đảo vào đất liền cấp cứu thì “tốc độ” là điều mà trạm vô cùng lo lắng, không phải muốn nhanh là nhanh được.

Cứu em bé 10 tháng tuổi giữa đêm

“Bác sĩ ơi! Mới có một bệnh nhi 10 tháng tuổi bị suy hô hấp đưa vào trạm. Giờ phải làm sao?”. Đêm khuya, nghe y sĩ trực trạm hối hả thông báo, lòng bác sĩ Luân Thanh Trường như lửa đốt.

Bởi lẽ, cùng thời điểm ấy, bác sĩ Trường đang theo một ca cấp cứu khác vào đất liền chữa trị. Bác sĩ không thể quay về trong lúc này. Chưa kể, nếu từ đất liền đi canô trong đêm đến xã đảo Thạnh An cũng tốn khoảng 15 phút. Lỡ qua thời gian vàng cứu sống bệnh nhi thì sao?

Hít một hơi giữ bình tĩnh, bác sĩ Trường chỉ dẫn y sĩ phải cố gắng duy trì hô hấp cho bệnh nhân, theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe và chuyển bệnh nhân vào đất liền ngay.

Nhưng phương tiện ở xã đảo hạn chế. Chiếc ca nô thường dùng chuyển bệnh nhân từ xã đảo vừa rời đi cùng bác sĩ Trường và một ca cấp cứu trước đó. Lúc này, tình hình rối ren.

Lúc này, y sĩ và người nhà phải gõ cửa nhờ người dân trên đảo dùng tàu đánh cá đi ngay trong đêm để giành giật từng khắc sự sống cho em bé. Cũng may, em bé được chuyển đi nhanh chóng, được cứu sống và dần hồi phục sức khỏe.

Chị Ngọc Duyên (mẹ của bé Tâm Như) bồi hồi nhớ lại: “Khuya hôm đó mà không có sự cứu chữa nhiệt tình của các y bác sĩ trạm y tế, nhất là quyết định sáng suốt của bác Trường cùng chiếc tàu tốc hành thì chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra với con chị nữa”.

“Nhưng đâu phải lúc nào cùng may mắn như thế!”

Thở một hơi dài, bác sĩ Trường nhớ lại trường hợp của một ngư dân từng bị tai biến những năm trước. Vì phương tiện di chuyển khó khăn, thời gian đưa bệnh nhân đến đất liền bị kéo dài.

Tuy bệnh nhân được cứu sống nhưng hậu quả để lại là anh phải ngồi xe lăn, bị tháo mất một phần hộp sọ và ngây ngô như một đứa bé. Từ một người khỏe mạnh, là trụ cột chính trong nhà, anh trở thành người cần được chăm sóc. Gia đình thêm gánh nặng kinh tế vì vừa mất lao động chính, vừa thêm người lo cho anh.

Gần 20 năm công tác và gắn bó với xã đảo Thạnh An, bác sĩ Trường chia sẻ rất cần một chiếc tàu cấp cứu đường thủy để hỗ trợ người dân trên đảo. Ngoài trang bị thiết bị y tế, trên tàu cần có nhân viên y tế thường trực.

Xã đảo Thạnh An đang rất cần một chiếc tàu cấp cứu đường thủy để “tăng tốc” cho trạm y tế trong những tình huống khẩn cấp.

Chòng chành sóng nước Thạnh An - Kỳ 4: Tăng tốc cho trạm y tế cứu người - Ảnh 3.

Mô hình tàu cấp cứu đường thủy - Ảnh: Sở Y tế TP.HCM

Từ năm 2005, bác sĩ Luân Thanh Trường đã gắn bó với người dân xã đảo Thạnh An.

Ngày xưa, bác sĩ có người em gái 8 tháng tuổi bị viêm màng não. Điều kiện y tế khó khăn nên em đã mất. Từ nhỏ, cuộc sống gia đình bác sĩ cũng chật vật.

Vì vậy, khi lớn lên, bác sĩ luôn có tâm nguyện được vào ngành y để chữa trị cho mọi người và phần nào giúp đỡ, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn.

Năm 2005, có một bác sĩ ở Trạm Y tế xã Thạnh An nghỉ việc. Đang công tác tại Trung tâm y tế huyện Cần Giờ, bác sĩ tình nguyện về công tác tại trạm y tế.

Ban đầu, bác sĩ dự định làm một thời gian rồi về trung tâm thành phố học lên nữa. Nhưng càng gắn bó với người dân xã đảo chân chất, thật tình, bác sĩ đã ở lại cho đến nay. 

Những ngày trên đảo, phóng viên Khăn Quàng Đỏ đã vài lần thấy bác sĩ Trường chạy xe, đeo túi y tế đến nhà người dân khám chữa bệnh. Các bệnh nhân quý trọng bác sĩ ở tấm lòng nhiệt huyết với nghề. Còn bác sĩ luôn đau đáu lo cái đau cho người bệnh, giảm bớt cái khổ cho người dân.

Chòng chành sóng nước Thạnh An - Kỳ 4: Tăng tốc cho trạm y tế cứu người - Ảnh 4.

Trên xe của bác sĩ Trường luôn có túi y tế để chăm sóc, hỗ trợ người dân - Ảnh: LÊ VI

Bác sĩ mong sao người dân xã đảo sẽ nhận được sự chăm sóc tốt nhất về y tế.

Chung tay đóng góp Tàu cấp cứu đường thủy cho Cần Giờ

Nhằm giúp người bệnh trên đảo Thạnh An tận dụng được “thời gian vàng”, tiếp cận sớm nhất với y bác sĩ, cơ sở y tế khi cần cấp cứu hay những trường hợp cần cứu hộ, cứu nạn..., Báo Tuổi Trẻ, Thành Đoàn TP.HCM kết hợp cùng nhau để triển khai dự án “Tàu cấp cứu đường thủy cho Cần Giờ”.

Tàu cấp cứu đường thủy là loại tàu chuyên dụng có thể tổ chức sơ cấp cứu ban đầu, sau đó đưa người bệnh cần cấp cứu từ Cần Giờ và vùng lân cận đến trung tâm y tế, bệnh viện chuyên khoa mà phương tiện đường bộ hay đường hàng không chưa tiếp cận được.

Đặc biệt, với những người dân có hoàn cảnh khó khăn sẽ được sử dụng miễn phí tàu khi có nhu cầu khẩn cấp liên quan đến sức khỏe, tính mạng.

Vì sức khỏe của bạn bè, thầy cô và người dân nơi xã đảo, dự án “Tàu cấp cứu đường thủy cho Cần Giờ” rất cần sự chung tay đóng góp của bạn.

Bạn có thể đóng góp qua:

+ Tài khoản Báo Tuổi Trẻ: 115 002 931 424 tại Ngân hàng Công thương Việt Nam chi nhánh 3 TP.HCM. Nội dung: DONG GOP XAY DUNG CONG TRINH TAU CAP CUU DUONG THUY

+ Trực tiếp tại: Khối ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ, báo Tuổi Trẻ (12 Phạm Ngọc Thạch, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM).

Mỗi đóng góp là một niềm hy vọng để những hành trình chữa bệnh không còn là nỗi lo, để sự sống không còn phải chờ đợi trong những cơn sóng biển Cần Giờ.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: