Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Chiếc đò nhỏ cũ kỹ hàng ngày chở các bạn học sinh xã đảo Thạnh An (Cần Giờ) đến trường - Ảnh: TUYẾT NHI
Ở đây chỉ có những đứa trẻ kiên nhẫn ngày ngày cắp sách vượt sóng trên chiếc đò nhỏ chòng chành giữa sông nước mênh mông từ khi mặt trời còn chưa kịp ló dạng, để kịp níu lấy ước mơ được đến lớp…
Khi mặt trời dần lặn sau những cơn sóng biển gập ghềnh cũng là lúc nhiều bạn học sinh Trường THCS-THPT Thạnh An (huyện Cần Giờ) thu dọn cặp sách trở về nhà.
Không phải là những con đường rải nhựa bằng phẳng, cũng chẳng có tiếng xe máy đưa đón, với các bạn học sinh ở ấp Thiềng Liềng, con đường về nhà là chiếc đò nhỏ chòng chành giữa biển trời mênh mông.
Tiếng trống trường vừa dứt, bạn Phạm Như Ý (lớp 7 Trường THCS-THPT Thạnh An) vội vã bước thật nhanh ra khỏi cổng trường, đi về hướng bến đò cách trường hơn 1km, vì nếu chậm vài phút sẽ bị bỏ lại.
Như Ý kể ngày nào bạn cũng thức dậy từ 4h sáng, hôm thì mì gói, hôm chẳng có gì bỏ bụng rồi chuẩn bị đi bộ ra bến đò từ khi trời còn tối om.
Chiều 4h 30 phút bạn lại lội ngược ra đò về nhà, vì mỗi ngày chỉ có 2 chuyến, chủ yếu đưa rước học sinh từ Thiềng Liềng sang Thạnh An đi học.
Ngày đầu tiên đi học lớp 6 cũng là lần đầu tiên bạn bước lên chiếc đò nhỏ. Hôm đó bạn đi cùng mẹ, vừa háo hức vừa sợ. Từ hôm sau, bạn phải tự đi một mình vì ba mẹ bận đi làm.
Mỗi ngày sau giờ tan học, Như Quyên và Như Ý luôn đi thật vội để ra kịp chuyến đò cuối ngày - Ảnh: TÚ NGÂN
“Không phải ngày nào cũng nắng đẹp, những hôm thời tiết xấu đò kẹt giữa dòng vì sóng lớn, gió giật từng cơn, mưa tạt trắng trời, ướt sũng cả sách vở.
Mình sợ lắm, nhưng vẫn ráng đi học. Không đi học tương lai biết làm gì. Mình cố gắng học giỏi để sau này làm cô giáo dạy cho các em nhỏ nơi đây”, Như Ý tâm sự.
Còn với Như Quyên (bạn cùng lớp với Như Ý) hành trình đến lớp suốt 2 năm qua chưa bao giờ dễ dàng. Lúc nào cô bạn cũng mang theo bên người chai dầu gió nhỏ để chống chọi với cơn say sóng mỗi ngày.
Như Quyên tâm sự có những buổi sáng mệt quá, bạn ngủ quên, đò chạy 5h 30 phút mà 6h bạn mới dậy. Thế là để kịp giờ vào lớp, cha bạn đành thuê ghe riêng gần 200.000 đồng cho một lần đến trường. Với gia đình bạn, đó là một khoản tiền lớn.
Hôm nào nhà không còn tiền, bạn chỉ biết im lặng nuốt nước mắt nghỉ học tạm 1 ngày, vừa tủi thân vừa thấy có lỗi lắm.
“Nhớ lần đó mình bị đứt tay, vết thương sâu hoắm, đau thấu xương nhưng mình tự tay băng bó tạm bằng miếng vải cũ, rồi cố chịu đựng.
Đợi đến ngày mai khi có tàu chở học sinh ra Thạnh An để học, mình tranh thủ đi học rồi đi khâu lại vết thương. Chỉ có như vậy mới đỡ tốn tiền, không còn cách nào khác”, Như Quyên nghẹn ngào kể.
Dưới nắng chiều, chiếc đò nhỏ nằm im lìm bên bến, chờ những bạn học sinh trở về. Từng tốp học sinh từ từ bước lên đò, các bạn rón rén tìm chỗ ngồi cho mình.
Có bạn lôi trong cặp ra gói xôi, bánh mì hay bịch bánh tráng nhỏ để lấp đầy chiếc bụng đói cồn cào. Góc khác, các bạn tụm 3 tụm 5 chơi trò thảy đá, ô ăn quan, tiếng cười ríu rít khiến không khí bên trong chuyến đò nhỏ rộn ràng, ấm áp.
Bùi Thanh Hoa (lớp 9 Trường THCS-THPT Thạnh An) đang say mê cười nói cùng các bạn. Vừa nhặt lại mấy viên đá Hoa vừa thủ thỉ: “Đối với tụi mình, chơi thảy đá, ô ăn quan, ném dép là vui nhất rồi đó. Vừa chơi vừa đợi đò chạy về nhà cho đỡ buồn, chứ ngồi không thì lâu lắm.
Mà từ đây về nhà mất 45 phút, xong còn phải đi bộ thêm 20 phút nữa mới tới. Ngày nào cũng đi như vậy hết, mệt cũng phải ráng đi”.
Thanh Hoa (bìa trái) say sưa chơi thảy đá cùng bạn - Ảnh:TUYẾT NHI
Ở xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) mỗi buổi chiều làng chài lại rộn ràng tiếng ghe thuyền, tiếng người tất bật kéo lưới, phân cá.
Giữa khung cảnh ấy, có cậu học trò lớp 9 vẫn cặm cụi ngồi học bên chiếc bàn nhỏ với ngọn đèn sạc điện chập chờn. Đó là bạn Đặng Trí Khang (lớp 9, Trường THCS -THPT Thạnh An).
Ba mẹ Khang đều làm nghề đánh cá, thường đi biển từ tờ mờ sáng đến tối mịt mới về. Mỗi ngày, sau khi tan học thay vì trở về nhà nghỉ ngơi hay đến lớp học thêm như bạn bè đồng trang lứa, Khang lại ra cạnh mép biển, nơi ba mẹ thường đậu ghe, để chờ họ trở về.
Khang tâm sự: “Mình mang sách, vở ra kê lên thúng cá úp ngược để học bài sẵn đợi ba mẹ luôn, thấy ba mẹ an toàn trở về mới nhẹ nhõm, mừng lắm”.
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, song Minh Khoa và Trí Khang vẫn giữ nụ cười lạc quan trên môi - Ảnh: TÚ NGÂN
Cuộc sống ở xã đảo Thạnh An bình yên nhưng vẫn có những hiểm nguy bất ngờ. Như lần chú Tư (người thân của Khang) đi phụ ghe đánh cá, chẳng may bị “chân vịt” chém trúng chân khi đang thả lưới.
“Lúc đó nhà mình và hàng xóm đi ghe cùng ai cũng tái mặt, lo lắng sốt vó, nhưng chỉ có một cách duy nhất là gọi ngay cho mấy ghe gần đó đến giúp.
Vì ở đảo không có bệnh viện, trạm y tế chỉ xử lý được các ca đơn giản, nên mọi người phải nhanh chóng tìm chiếc ghe chạy nhanh nhất để đưa chú lên huyện cấp cứu kịp thời.
Sau lần đó, cả xóm càng thấm thía nỗi lo khi thiếu phương tiện y tế chuyên dụng, chỉ biết cố gắng cẩn thận hơn chứ không còn cách nào khác”, Khang bùi ngùi kể lại.
Trao đổi với phóng viên Khăn Quàng Đỏ, thầy Nguyễn Bảo Ngọc (hiệu trưởng Trường THCS-THPT Thạnh An, xã Thạnh An) cho biết, tùy theo con nước mà mực nước biển thay đổi cao hay thấp.
Có những hôm thời tiết xấu, sóng biển ầm ầm, mưa dông ào ào khiến những chuyến đò qua xã đảo gặp khó khăn. Vào tháng 3, 4 như hiện nay, học sinh, người dân ngại lênh đênh trên biển vì sóng lớn, biển động.
Thương cho học sinh, đặc biệt các bạn ở ấp Thiềng Liềng phải di chuyển giữa trập trùng biển khơi. Lúc đó, thời gian đi-về một lượt không phải 40-45 phút mà kéo dài hơn nữa. Hồi hộp và bất an.
Chưa kể, những chiếc đò các bạn di chuyển thường là của người dân đưa đón. Thuyền nhỏ, chòng chành. Có những hôm họ lại không chạy khiến việc học của các bạn bị gián đoạn.
Vì vậy, mong sao biển êm, gió lặng để học sinh đều đặn đến trường an toàn. Phải chi xã đảo có những chiếc thuyền to hơn, kiên cố hơn để lúc di chuyển, học sinh, người dân khỏi nơm nớp lo sợ.
Ngoài ra, có những trường hợp khẩn thiết xảy ra trên đảo như có người trở bệnh nặng, bị tai nạn… cần phải vào đất liền chữa trị. Nhưng với khoảng cách xa xôi, không tránh khỏi những ca cấp cứu bỏ qua “thời gian vàng”.
Vì vậy, tàu cấp cứu đường thủy hỗ trợ học sinh, người dân trên đảo là rất cần thiết. Con tàu đó sẽ quy mô, hiện đại, chạy được cả lúc thời tiết khắc nghiệt và có trang thiết bị y tế cần thiết. Như thế, thời gian di chuyển trên tàu được rút ngắn, cơ hội người dân được chữa trị kịp thời càng cao.
Xa xa kia là xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP.HCM) - Ảnh: LÊ VI
Ba mẹ bạn Minh Khoa (lớp 9 Trường THCS-THPT Thạnh An) đều làm nghề biển, thu nhập bấp bênh nhưng luôn cố gắng lo cho bạn được đi học đầy đủ.
Khoa kể: “Ba đi đánh cá xa, mẹ đi lưới gần bờ. Hồi nhỏ, mình hay phụ mẹ gỡ cá, nhưng giờ học lớp 9 rồi, mình dành thời gian học bài nhiều hơn”.
Biết gia đình vất vả, bạn càng siêng năng học. Ngoài học tốt, Khoa còn là “chân chạy cừ khôi” của trường và nhiều lần đại diện trường tham gia các giải chạy cấp huyện, thành phố.
Nhưng với học sinh ở đảo như Minh Khoa, mỗi lần đi thi đâu chỉ đơn giản là xỏ giày và chạy. Để tham gia các cuộc thi ở trung tâm huyện hay thành phố, bạn phải đi tàu từ chiều hôm trước rồi nghỉ lại nhà người quen hoặc giáo viên đi cùng.
“Mình thích được chạy trên những sân vận động lớn, có khán đài, có tiếng cổ vũ. Sau này, mình muốn trở thành vận động viên chuyên nghiệp để nhiều người biết đến Thạnh An hơn, biết về nơi mình đã lớn lên và bắt đầu ước mơ”, Khoa chia sẻ.
Tuổi Trẻ Sao
Thông tin tài khoản ngày
Tài khoản được sử dụng đến ngày | Bạn đang có 0 trong tài khoản
1 sao = 1000đ. Mua thêm sao để tham gia hoạt động tương tác trên Tuổi Trẻ như: Đổi quà lưu niệm, Tặng sao cho tác giả, Shopping
Tổng số tiền thanh toán: 0đ
Thanh toánVui lòng nhập Tên hiển thị
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu không đúng.
Thông tin đăng nhập không đúng.
Tài khoản bị khóa, vui lòng liên hệ quản trị viên.
Có lỗi phát sinh. Vui lòng thử lại sau.
Vui lòng nhập Tên của bạn.
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu phải có ít nhất 6 kí tự.
Xác nhận mật khẩu không khớp.
Nhập mã xác nhận
Đóng lạiVui lòng nhập thông tin và ý kiến của bạn
XVui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Vui lòng nhập Ý kiến của bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận