Chòng chành sóng nước Thạnh An - Bài 2: Qua biển thì phải lụy đò

Thứ năm, 17/04/2025 21:16 (GMT+7)

Nằm cách đất liền khoảng 8 km theo đường chim bay, nhưng muốn đi từ bến đò Tắc Suất (thị trấn Cần Thạnh) đến bến đò Thạnh An (xã đảo Thạnh An) của huyện Cần Giờ hay ngược lại, hành khách phải trải qua 45 phút lênh đênh trên biển.

Chòng chành sóng nước Thạnh An - Bài 2: Qua biển thì phải lụy đò- Ảnh 1.

Những chiếc đò đơn độc giữa biển nước mênh mông Cần Giờ -Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Mênh mông biển nước Cần Giờ

Chỉ tốn 45 phút với quãng đường đi trên mặt nước dài khoảng 14,6 km từ Tắc Suất đến Thạnh An (Cần Giờ) hay ngược lại nhưng vào mùa biển động hay ban đêm, hành khách sẽ gặp những khó khăn không ngờ.

Anh Trần Minh Sang (tài công đò Cần Giờ - Thạnh An) cho biết giờ xuất phát có 6 khung giờ từ 6h30 và kết thúc lúc 17h chiều. Tất cả hành khách có mặt trước 20 phút để chủ đò sắp xếp chỗ.

Nếu hành khách đi sớm hay muộn hơn giờ xuất bến thì đành phải ngồi chờ tới chuyến đò sau. Chuyện trễ đò rất thường xảy ra.

Khi được hỏi vì sao sau 17h không có đò nữa, anh cho biết là chiều tối khi con nước lên sẽ xảy ra tình trạng nước ngược và gió chướng làm đò đi chậm. Các tài công kinh nghiệm mới dám điều khiển đò đi theo hướng tuyến khác để rời bến.

Đúng 9h sáng, chuyến đò thứ 2 đã gài số quay chân vịt và tăng ga xuất phát rời bến Tắc Suất. Sau gần 5 phút chạy lui để quay đầu, chiếc đò nhấn ga lao phăng phăng ra biển lớn, hướng về xã đảo. Từ đây, hành trình hơn 45 phút trên biển bắt đầu với bao hồi hộp.

Sóng to, gió lớn, nước xoáy

Hướng ra biển, chiếc đò với gần 30 hành khách đang rẽ sóng hướng về xã đảo duy nhất của TP.HCM. Xung quanh đò giờ chỉ còn mặt biển mênh mông.

Ngồi trong khoang hành khách, bạn Nguyễn Phan Yến Như (lớp 9 Trường THCS THPT Thạnh An, xã đảo Thạnh An) nói trong làn gió biển thổi ào ạt: “Mình đi đò này từ hồi nhỏ xíu. Lúc đầu cũng say sóng lắm nhưng dần quen rồi. Có những lúc biển động đò chồm lên xuống làm mình bị đụng đầu vào nóc côm cốp. Còn người nằm thì lăn lộn, nảy người như củ khoai trên sàn”.

Anh Minh Sang bật mí đi trên biển sóng to hơn nhiều so với đi trên sông. Đặc biệt thời tiết trên biển thay đổi rất nhanh, đến độ khách thấy trước mắt sóng to gió lớn hay mưa rào đang đến rất gần.

Như để chứng minh được sự đỏng đảnh của sóng biển, khi một chiếc tàu lớn đi ngang qua là những làn sóng lớn cuộn vào thân đò khiến nó chòng chành liên tục.

Còn trong trường hợp đò có chở người đi bệnh viện, cơ thể không được khỏe mạnh thì người tài công còn căng thẳng hơn.

Lúc đó, tài công vừa cho đò đi theo đúng tuyến vừa phải né xa các tàu vận tải có khả năng cao tạo sóng dập thân đò. Tất cả nhằm giữ cho con đò ổn định, ít ảnh hưởng nhất đến thể trạng cân bằng của người bệnh trên đò.

Nếu phần đầu chuyến hải trình chỉ tốn hơn 30 phút một chút để thấy xã đảo hiện ra phía xa xa thì từ phút thứ 31 đến khi đò cập bến Thạnh An, lại là hành trình đường vòng xa khu rừng đước phía ngoài xã đảo dù đoạn hải trình này chưa bằng 1/5 toàn tuyến.

Theo các tài công thì do dòng hải lưu chảy ngang qua đảo nên nó đã bồi đắp phía rừng đước. Chính điều đó tạo nên dòng chảy xoáy gây nguy hiểm khi tàu bè đi vào khu vực này và làm tăng thêm thời gian đi đò đến Thạnh An, do phải đi cung đường rộng ra khỏi điểm xoáy nước.

Sau hơn 45 phút hành trình, bến đò Thạnh An cũng hiện ra đón tiếp hành khách đến với xã đảo bình yên.

Chòng chành sóng nước Thạnh An - Bài 2: Qua biển thì phải lụy đò- Ảnh 3.

Máy bơm nước dưới khoang đò cùng máy bơm làm mát động cơ chạy hết công suất khi đò chạy tốc độ cao -Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Vượt sóng vào đất liền

Trong hành trình quay về Cần Thạnh, con đò xuất phát lúc 10h. Đi cùng chuyến đò này có nhóm cô giáo và học sinh trường cấp 2, 3 duy nhất tại xã đảo.

Cô Hoàng Thị Hồng Ngát (nguyên tổng phụ trách Đội Trường THCS-THPT Thạnh An, huyện Cần Giờ) cho biết cô đưa đoàn 4 học sinh trường đi thi Nét vẽ xanh cấp thành phố năm 2025.

Cô trò chọn chuyến 10h vì đây là lúc biển yên nhất để học sinh không bị mệt và ít bị say sóng. Đây là kinh nghiệm mà cô trò luôn ghi nhớ mỗi khi đi đò với lời nhắn tránh say tàu xe: “Đi xe ngồi trước, đi tàu ngồi sau”.

Chòng chành sóng nước Thạnh An - Bài 2: Qua biển thì phải lụy đò- Ảnh 4.

Cô Ngát cùng học trò trên chuyến đò vào đất liền - Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Theo các tài công, chuyến đò từ xã đảo Thạnh An về lại đất liền đi vào ban ngày an toàn và sóng yên hơn. Còn những chuyến đò đột xuất đưa người bệnh vào đất liền, nhất là lúc nửa đêm vô cùng nguy hiểm.

Càng về chiều tối khi con nước thủy triều dâng cao thì mối hiểm nguy càng lớn, sóng to, gió lớn làm cho con đò càng chòng chành… Nếu người lái non kinh nghiệm hoặc sóng gió quá lớn, đò có thể bị lật.

Cô Hồng Ngát vẫn không quên trường hợp một giáo viên ở trường phải đi đò nửa đêm vào đất liền với chi phí rất cao trong điều kiện vô cùng nguy hiểm như vậy.

Chòng chành sóng nước Thạnh An - Bài 2: Qua biển thì phải lụy đò- Ảnh 5.

Những bạn học sinh tranh thủ ngồi nghỉ trên đò - Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Thậm chí, khi gần vào bến Tắc Suất, hiểm nguy vẫn còn. Các tài công phải lưu ý 2 điều.

Một là tránh va chạm phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu xuất nhập bến cùng lúc (nếu có). Hai là chọn nơi neo đò có mặt sàn gần với mặt đò nhất để an toàn cho hành khách di chuyển ra khỏi đò.

Chuyến hải trình kết thúc với niềm vui của những hành khách đi đến nơi về đến chốn.

Chòng chành sóng nước Thạnh An - Bài 2: Qua biển thì phải lụy đò- Ảnh 6.

Những chuyến đò tại bến Tắc Suất nhận hàng trước khi xuất bến - Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Khó khăn và mong ước của người dân xã đảo Thạnh An

Đi đò qua lại xã đảo Thạnh An là nhu cầu không thể thiếu đối với hơn 5.000 người dân xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ).

Nếu như mùa nắng, những cơn gió biển sẽ làm sóng cuộn, cản trở rồi làm chậm tốc độ đò. Còn mùa mưa thì những cơn mưa biển bất chợt sẽ quật vào cửa sổ khoang lái, khoang hành khách làm cho mọi người lạnh buốt.

Lòng tàu dễ bị đầy nước khiến máy bơm chuyên dụng bơm nước liên tục cũng như thân tàu nặng hơn làm tàu di chuyển chậm, hao xăng hơn.

Nhưng tất cả điều này không ngăn được sự di chuyển của mọi người, ai cũng muốn có một chiếc cầu bắc qua biển từ Cần Thạnh đến Thạnh An.

Chòng chành sóng nước Thạnh An - Bài 2: Qua biển thì phải lụy đò- Ảnh 7.

Các bạn học sinh xuống đò tại bến Thạnh An - Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Thạnh An là xã đảo thuộc huyện Cần Giờ, với diện tích 131,41 km², dân số khoảng 5.000 người. Xã có 3 ấp: Thạnh Hòa, Thạnh Bình, Thiềng Liềng.

Trong đó, 2 ấp Thạnh Hòa và Thạnh Bình nằm trên cùng một hòn đảo nhỏ gọi là xã đảo Thạnh An. Nơi đây có trụ sở UBND xã, trường mầm non, trường THCS-THPT… với khoảng 320 học sinh.

Bạn Trịnh Hoàng Mỹ Kim (lớp 6/2, Trường THCS THPT Thạnh An, huyện Cần Giờ) mong xã đảo sẽ có tàu cao tốc hay canô để đưa đón bệnh nhân cấp cứu hay những người có nhu cầu cấp bách vào đất liền nhanh hơn, từ 45 phút xuống còn 10 phút, giảm được rủi ro, thật sự an toàn.

Chòng chành sóng nước Thạnh An - Bài 2: Qua biển thì phải lụy đò- Ảnh 8.

Bến đò phía xã đảo Thạnh An - Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Ước mơ của học trò xã đảo cũng là mong mỏi da diết của người dân ở đây hàng chục năm nay.

Chòng chành sóng nước Thạnh An - Bài 2: Qua biển thì phải lụy đò- Ảnh 9.

Đường cờ Tổ quốc trên xã đảo Thạnh An - Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Chung tay đóng góp Tàu cấp cứu đường thủy cho nhân dân xã đảo Thạnh An

Hội đồng Đội TP.HCM vừa gửi thư ngỏ đến toàn thể đội viên thành phố kêu gọi các bạn cùng chung tay thực hiện công trình măng non “Tàu cấp cứu đường thủy cho nhân dân xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ”.

Chòng chành sóng nước Thạnh An - Bài 2: Qua biển thì phải lụy đò- Ảnh 10.

Thầy Hữu Tường cùng các bạn học sinh Trường THCS-THPT Thạnh An - Ảnh: LÊ VI

Xã đảo Thạnh An được xem là khu vực đặc biệt khó khăn của TP.HCM. Người dân ở đây thường xuyên bị ảnh hưởng, chịu nhiều thiệt hại do thời tiết khắc nghiệt.

Mọi sự ủng hộ về kinh phí hoặc trang thiết bị y tế của các bạn và các thầy cô phụ trách Đội đều vô cùng ý nghĩa, tạo sự lan tỏa trong xã hội và mở thêm cơ hội cho người dân Cần Giờ tiếp cận nhanh hơn với các dịch vụ y tế.

Thầy Quãng Hữu Tường (tổng phụ trách Trường THCSTHPT Thạnh An, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ) chia sẻ là một người dân trên đảo, thầy cảm thấy rất vui và ấm áp khi nhận được thông tin này.

Đặc biệt, đây còn là công trình măng non của đội viên, thiếu nhi, anh chị phụ trách Đội TP.HCM chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025).

Cách thức đóng góp

Để đóng góp cho công trình, các bạn có thể thực hiện với những cách thức sau:

* Đăng ký tham gia Giải chạy bộ trực tuyến 50 năm - Hoa xuân đất nước, Đội ta tiếp bước do Hội đồng Đội TP.HCM và Nhà thiếu nhi TP.HCM phát động.

* Thực hiện chuyển khoản về tài khoản báo Tuổi Trẻ: 115 002 931 424 tại Ngân hàng Công thương Việt Nam chi nhánh 3 TP.HCM. Nội dung: DONG GOP XAY DUNG CONG TRINH TAU CAP CUU DUONG THUY.

* Đóng góp trực tiếp tại Khối ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ, báo Tuổi Trẻ: 12 Phạm Ngọc Thạch, phường Võ Thị Sáu, quận 3 và các văn phòng đại diện của báo Tuổi Trẻ trên cả nước.

* Đối với các Liên đội thực hiện đóng góp tập thể, vui lòng thông tin về Khối ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ - báo Tuổi Trẻ để được tiếp nhận trực tiếp tại đơn vị.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: