Chòng chành sóng nước Thạnh An - Bài 1: Cấp cứu giữa mênh mông biển cả

Thứ năm, 17/04/2025 21:07 (GMT+7)

Xã đảo Thạnh An thuộc huyện Cần Giờ - huyện đảo duy nhất của TP.HCM. Nơi này có địa bàn trũng thấp, thường xuyên bị ngập do triều cường.

Chòng chành sông nước Thạnh An - Bài 1: Cấp cứu giữa mênh mông biển cả- Ảnh 1.

Chuyến tàu đến xã đảo Thạnh An (Cần Giờ) bắt đầu lúc 6h và kết thúc lúc 17h - Ảnh: LÊ VI

Bên cạnh đó, do chịu nhiều thiệt hại từ mưa bão, áp thấp nhiệt đới và triều cường, xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) gặp vô vàn khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. 

Những ngày vừa qua, nhóm phóng viên Khăn Quàng Đỏ đã đến Thạnh An và ghi nhận nhiều câu chuyện lắng đọng, khắc khoải lo âu của người dân nơi đây. 

Chuyến tàu chuyển bệnh trong đêm

Vừa nghe tiếng xoảng, bạn Nguyễn Ngọc Thanh Trúc (lớp 8, Trường THCS THPT Thạnh An, xã Thạnh An) thấy anh họ run rẩy xuất hiện với cánh tay đầy máu. Đó là một tối kinh hoàng mà bạn không thể quên.

Khoảng 22g đêm hôm ấy, do bất cẩn, anh của Trúc đã làm vỡ kính. Những mảnh vỡ cắt vào cánh tay anh, máu chảy nhiều.

Quá hoảng loạn, mặt Thanh Trúc trắng bệt. Vài giây sau, bạn mới lấy lại bình tĩnh để gọi điện thoại báo người nhà đưa anh đến trạm y tế của xã đảo.

Khi đến trạm, anh được sơ cứu vết thương. Ngồi ở ngoài nghe tiếng anh rên la vì đau, lòng Thanh Trúc cũng se thắt. Do mất máu và đau đớn, anh ngất lịm.

“Phải đưa ngay đến bệnh viện”, tiếng bác sĩ vang lên. Ngay trong đêm tối mịt mờ, anh được đưa lên ca nô, vượt những con sóng nhấp nhô để đến bệnh viện ở đất liền.

Nhìn chiếc thuyền lọt thỏm giữa mênh mông biển cả thăm thẳm, nhà Trúc lặng người dõi theo, cầu mong hai chữ “bình an”.

Lặn lội đi đò khám bệnh từ sáng sớm

Với người dân xã đảo Thạnh An, chuyện đi bệnh viện không chỉ là một cuộc hành trình, mà còn là cuộc chiến với thời gian, với khoảng cách xa xôi và cả với những giới hạn của phương tiện di chuyển.

Bởi lẽ, xã đảo nằm tách biệt trung tâm huyện Cần Giờ khoảng 8km. Từ bến đò Cần Thạnh (thị trấn Cần Giờ) sang xã đảo Thạnh An và di chuyển ngược lại chưa có tàu cao tốc. Vì vậy, người dân muốn ra đảo phải lên những chuyến đò khách được cải tiến từ tàu đánh cá.

Khi vừa bước chân đến bến tàu, chúng tôi bắt gặp chú Nguyễn Văn Đông (sinh sống tại đảo Thạnh An) đang dìu một ông lão nhích từng bước lên thành tàu.

Ông mặc bộ đồ pyjama, trên người còn lủng lẳng dây nhợ và bịch nước tiểu. Đó là ba của chú Đông. Năm nay, ông 74 tuổi. Ông mắc bệnh đường tiểu và viêm ruột.

Chòng chành sông nước Thạnh An - Bài 1: Cấp cứu giữa mênh mông biển cả- Ảnh 3.

Cứ khoảng 10 ngày, chú Đông (bìa phải) đưa ba qua đò đi khám bệnh ở đất liền - Ảnh: LÊ VI

Khoảng 10 ngày 1 lần, hai cha con chú Đông thức dậy từ sáng sớm, tranh thủ đón chuyến tàu đầu tiên từ xã đảo đến bệnh viện ở đất liền thăm khám.

Từ Thạnh An đến huyện Cần Giờ đi tàu khoảng 45 phút. Ngồi lâu, ông hay đau lưng lại gặp sóng biển dập dìu. Vì vậy, vừa lên tàu, ông tìm chỗ ngả lưng.

Chú Đông chia sẻ mỗi lần khám bệnh, chú và ông sẽ tốn khoảng 2 giờ đến 2,5 giờ. Có những người khỏe mạnh đi tàu gặp sóng lớn đã xây xẩm nói chi ba của chú đang mệt mỏi trong người. Tuy nhiên, để duy trì sức khỏe cho ba, chú cố gắng đều đặn dẫn ba đi khám. Chú không muốn ba cũng giống mẹ…

Nhắc đến mẹ, mặt chú Đông thoáng buồn, đôi mắt nhìn xa xăm ngoài biển…

Khắc khoải những nỗi niềm của người dân Cần Giờ

Giữa đêm, mẹ chú Đông lên cơn đau quằn quại. Cả nhà bấn loạn đưa bà đến trạm y tế. Tuy nhiên, tình hình của bà trở nặng, cần được đưa đến bệnh viện ngay.

Trên chiếc thuyền, nhìn bà nằm thoi thóp, chú sốt ruột chỉ mong biển êm, sóng nhỏ để đến nơi an toàn. Sau khi đưa vào đất liền, bà được cứu qua cơn nguy kịch nhưng thời gian sau, bà cũng mất.

Điều kiện y tế còn hạn chế, phương tiện di chuyển khó khăn và mất nhiều thời gian đến đất liền là một thiệt thòi của người dân sinh sống tại xã đảo.

Đề cập đến chuyện này, thầy Quãng Hữu Tường (Trường THCS-THPT Thạnh An, xã Thạnh An) chợt đau đáu nhớ về trường hợp của thầy Thanh, từng dạy thể dục tại trường.

Vào một ngày của năm 2020, có người phát hiện thầy Thanh khó thở, hụt hơi nên vội vã đưa thầy đến trạm y tế của xã. Sau khi thăm khám, bác sĩ trưởng trạm nói thầy Thanh bị nhồi máu cơ tim, cần đưa thầy lên tàu vào đất liền chữa trị.

Trên chuyến tàu, bác sĩ liên tục duy trì hô hấp cho thầy. Thầy Hữu Tường cùng 3 đồng nghiệp khác sát cánh bên cạnh.

Đến giữa đường, nhịp thở của thầy Thanh không ổn định. Một đồng nghiệp nắm bàn tay lạnh dần của thầy. Thầy mất dưới trời mưa lất phất, trên con thuyền giữa biển khơi trập trùng…

Giọng nói nghẹn ngào, thầy Hữu Tường chia sẻ mong ước sao xã đảo có thêm phương tiện di chuyển nhanh, cấp cứu kịp thời để không bỏ qua “thời gian vàng” trong những lúc khẩn thiết như thế. Nếu điều kiện y tế tốt hơn, rất có thể đồng nghiệp của thầy đã không “ra đi” bất ngờ…

Ở Cần Giờ, mỗi chuyến tàu không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn là niềm hy vọng cho những người cần được cấp cứu kịp thời. Hơn ai hết, bà con ở đây hiểu rằng, khi có người bệnh, từng phút trôi qua đều vô cùng quý giá.

Chỉ mong một ngày Cần Giờ có thêm nhiều chiếc tàu cấp cứu để không ai phải chờ đợi trong lo lắng, mỗi hành trình đi chữa bệnh sẽ bớt đi những gian nan.

Bạn bè ở Cần Giờ có ý kiến

Chòng chành sông nước Thạnh An - Bài 1: Cấp cứu giữa mênh mông biển cả- Ảnh 4.

Bạn Nguyễn Vĩnh Tường - Ảnh: LÊ VI

Trưa hôm đó, bà nội mình không may trượt chân té và bị chảy máu rất nhiều. Cả nhà vội vã đưa bà ra trạm y tế xã nhưng ở đảo chỉ có thể sơ cứu cơ bản, muốn chuyển bà qua trung tâm Cần Giờ phải làm thủ tục và chờ bác sĩ xác nhận.

May mắn hôm đó bà của Tường được đi ca nô cấp cứu vì tình trạng khẩn cấp. Nhưng những lần bà đi tái khám bình thường thì lại phải chờ tàu khách theo giờ, lênh đênh trên biển suốt hai tiếng mới đến nơi.

Mỗi lần đi khám bệnh xong, bà rất mệt. Lúc đó, mình chỉ mong có thêm nhiều tàu cấp cứu hơn để bà đỡ cực.

Bạn Nguyễn Vĩnh Tường (lớp 8, Trường THCS-THPT Thạnh An, xã Thạnh An)

Chòng chành sông nước Thạnh An - Bài 1: Cấp cứu giữa mênh mông biển cả- Ảnh 5.

Bạn Nguyễn Ngọc Thanh Trúc - Ảnh: LÊ VI

Sau khi được tàu chuyển sang bệnh viện ở đất liền, cánh tay của anh họ mình được chữa trị và dần hồi phục. Tuy nhiên qua sự việc đó, tự dưng mình cảm thấy lo lắng.

Nếu gặp phải những trường hợp khẩn thiết và nghiêm trọng hơn, sức khỏe người dân ở xã đảo sẽ thế nào? Vì vậy, mình rất mong xã đảo sẽ có thuyền với thiết bị y tế để hỗ trợ người dân.

Nguyễn Ngọc Thanh Trúc (lớp 8, Trường THCS-THPT Thạnh An, xã Thạnh An)

Chung tay đóng góp Tàu cấp cứu đường thủy cho Cần Giờ

Nhằm giúp người bệnh trên đảo Thạnh An tận dụng được “thời gian vàng”, tiếp cận sớm nhất với y bác sĩ, cơ sở y tế khi cần cấp cứu hay những trường hợp cần cứu hộ, cứu nạn..., Báo Tuổi Trẻ, Thành Đoàn TP.HCM kết hợp cùng nhau để triển khai dự án “Tàu cấp cứu đường thủy cho Cần Giờ”.

Tàu cấp cứu đường thủy là loại tàu chuyên dụng có thể tổ chức sơ cấp cứu ban đầu, sau đó đưa người bệnh cần cấp cứu từ Cần Giờ và vùng lân cận đến trung tâm y tế, bệnh viện chuyên khoa mà phương tiện đường bộ hay đường hàng không chưa tiếp cận được.

Đặc biệt, với những người dân có hoàn cảnh khó khăn sẽ được sử dụng miễn phí tàu khi có nhu cầu khẩn cấp liên quan đến sức khỏe, tính mạng.

Vì sức khỏe của bạn bè, thầy cô và người dân nơi xã đảo, dự án “Tàu cấp cứu đường thủy cho Cần Giờ” rất cần sự chung tay đóng góp của bạn.

Bạn có thể đóng góp qua:

+ Tài khoản Báo Tuổi Trẻ: 115 002 931 424 tại Ngân hàng Công thương Việt Nam chi nhánh 3 TP.HCM. Nội dung: DONG GOP XAY DUNG CONG TRINH TAU CAP CUU DUONG THUY

+ Trực tiếp tại: Khối ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ, báo Tuổi Trẻ (12 Phạm Ngọc Thạch, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM).

Mỗi đóng góp là một niềm hy vọng để những hành trình chữa bệnh không còn là nỗi lo, để sự sống không còn phải chờ đợi trong những cơn sóng biển Cần Giờ.

“Tàu cấp cứu đường thủy cho Cần Giờ” là công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025).

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: