Cô học trò Trường THCS Cù Chính Lan giỏi võ, giỏi đàn và những buổi đứng lớp miễn phí

Thứ năm, 10/10/2024 17:43 (GMT+7)

Vừa giỏi võ, vừa giỏi đàn, cô bạn Trương Bảo Khánh Hà (học sinh Trường THCS Cù Chính Lan, quận Bình Thạnh, TP.HCM) có tấm lòng ấm áp, thường làm cô giáo nhí giúp thầy cô hướng dẫn các bạn mới học võ.

Cô học trò Trường THCS Cù Chính Lan giỏi võ, giỏi đàn và những buổi đứng lớp miễn phí- Ảnh 1.

Khánh Hà đoạt Huy chương Đồng môn Võcổ truyền Hội khỏe Phù Đổng toàn quốcnăm 2024 - Ảnh: NVCC

Cô giáo nhí mang tên Khánh Hà

Khánh Hà (lớp 8A1 Trường THCS Cù Chính Lan, quận Bình Thạnh) đang là huấn luyện viên sơ cấp tại lớp võ cổ truyền Nhà văn hóa Thanh Đa (quận Bình Thạnh).

Cô học trò Trường THCS Cù Chính Lan giỏi võ, giỏi đàn và những buổi đứng lớp miễn phí- Ảnh 2.

Khánh Hà dạy một em nhỏ đàn T’rưng - Ảnh: NVCC

Bạn cho biết được tiếp xúc với võ cổ truyền - môn phái Thiếu Lâm Nội Quyền Tây Sơn Nhạn - vào năm 6 tuổi, gắn bó đến nay đã gần 8 năm.

Hà thường thi đấu giải cấp thành phố, quốc gia… và may mắn rinh về kha khá huy chương. Cô bạn có trình độ Huấn luyện viên sơ cấp, có đai và bằng cấp đầy đủ.

Vì thế, thầy cô rất tin tưởng giao cho bạn trọng trách huấn luyện các võ sinh tại võ đường.

“Lớp có nhiều người lớn, trong đó có một bác Việt kiều Pháp hơn 60 tuổi cùng cháu nội đến học. Ở lớp, mình dạy các võ sinh từ cơ bản đến khi họ đánh thành thục bài quyền hay binh khí.

Khi nhìn các học viên, mình cảm thấy rất vui và có chút tự hào vì mình đã góp phần đưa sự hiểu biết của mình đến mọi người và giúp thầy cô đỡ vất vả hơn một chút”, Hà nói.

Cô bạn còn được tiếp xúc với đàn dân tộc vào năm 8 tuổi. Hè vừa qua, Hà tham gia với vai trò trợ lý, hướng dẫn đàn T’rưng cho học viên mới tại lớp dạy đàn dân tộc miễn phí của NSND Tuyết Mai trong thời gian gần 2 tháng.

Cô giáo nhí bộc bạch lý do bạn mong muốn giúp thầy cô là vì trước đây từng được nhiều anh chị giúp đỡ. Lần đầu tiếp xúc đàn dân tộc, Hà học được 3-4 buổi phải xin nghỉ để thi đấu võ cổ truyền. Khi quay lại, Hà hơi bỡ ngỡ một chút.

Thấy vậy, các anh chị học viên đi trước nhẹ nhàng giúp bạn làm quen lại với đàn T’rưng. Nhờ được chỉ dẫn tận tình, Hà tiến bộ nhanh chóng. Vì vậy, bạn mong muốn góp chút sức lực để giúp đỡ thầy cô.

Theo Hà, học võ cổ truyền và đánh đàn dân tộc là hai bộ môn liên quan đến nghệ thuật truyền thống dân tộc. Khi học, bạn hiểu thêm nét đẹp dân tộc và càng muốn gìn giữ truyền thống không dần phai mờ theo thời gian.

Cô học trò Trường THCS Cù Chính Lan giỏi võ, giỏi đàn và những buổi đứng lớp miễn phí- Ảnh 3.

Bảng giới thiệu workshop dạy móc len miễn phí do Hà tự tay thiết kế - Ảnh: NVCC

Gần đây, cô giáo nhí cùng chị gái mở workshop móc len miễn phí. “Thấy các em nhỏ vùng cao thiếu nón len để đội cho mùa đông, hai chị em mình mong ước làm được nhiều nón tặng các em. Thế nhưng, sức có hạn nên cả hai quyết định mở workshop miễn phí dạy móc len cho mọi người. Nhờ vậy, tụi mình thu được hơn 1.000 nón len do các mạnh thường quân làm ra để gửi lên vùng cao cho các em nhỏ”, Hà chia sẻ.

Kỷ niệm bạn nhớ nhất là một anh học viên khóa thứ 2 (mỗi tháng hai chị em mở 1 khóa dạy móc len miễn phí) ngồi từ 9 giờ đến tận 16 giờ để tập móc. Anh móc bị sai nên móc đi móc lại nhiều lần. Khi mọi người gần về hết, anh vẫn kiên trì tập móc.

Kết quả thật bất ngờ, sau buổi hôm ấy, anh móc rất đẹp. Sau 4 khóa, anh quay trở lại hỗ trợ các bạn dạy mọi người móc cơ bản.

Còn một bác khác đang tập móc dở dang thì phải về đưa con đi học. Khi nghe bác nói vậy, Hà nghĩ thầm: “Chắc bác về nhà luôn”. Không ngờ, bác quay trở lại ngay và ngồi miệt mài móc tới tận 14 giờ.

Những điều này làm Hà rất vui. Hà cho biết bạn thấy ấm áp vì bản thân đã lan tỏa điều tích cực.

“Móc len giúp mình rèn được tính tỉ mỉ, cẩn thận và kiên nhẫn. Nó còn giúp mình xả stress sau những buổi học căng thẳng. Mình được thỏa sức sáng tạo kiểu mẫu, màu sắc trên những chiếc nón mà mình sẽ mang tặng các em bé vùng cao. Mỗi khi làm xong một chiếc nón len, mình vui và tự hào lắm nên muốn hướng dẫn lại cho mọi người”, Hà cho biết.

Học hết sức, chơi hết mình

Tham gia nhiều hoạt động là vậy nhưng Hà vẫn sở hữu thành tích học tập xuất sắc, luôn nằm vị trí top của lớp. Bí quyết của bạn rất đơn giản, đó là biết cách cân bằng thời gian.

Cô học trò Trường THCS Cù Chính Lan giỏi võ, giỏi đàn và những buổi đứng lớp miễn phí- Ảnh 5.

Hai chị em Hà cùng trồng cây xanh - Ảnh: NVCC

Theo Hà, U15 nên cân bằng thời gian của bản thân và tham gia hoạt động, thể thao, học tập. Khi về nhà, bạn làm bài tập ngay để có thời gian làm việc khác.

Đôi lúc, cô bạn gặp khó khăn vì có quá nhiều công việc cùng diễn ra trong một thời điểm. “24 tiếng/ngày gần như không đủ. Vì thế, mình quyết định lựa chọn công việc cần thiết hơn để làm. Gần đây, mình tham gia một giải đấu. Trong 2 tháng, mình chỉ tập trung ôn luyện và thi đấu. Sau khi giải đấu kết thúc, mình mới dành thời gian giải quyết các việc khác”, Hà kể.

Cô học trò Trường THCS Cù Chính Lan giỏi võ, giỏi đàn và những buổi đứng lớp miễn phí- Ảnh 6.

Hà (phải) vào vai nữ võ sĩ trong MV Dâu Thiên Hạ của chị Suboi - Ảnh: NVCC

Nhờ vào cách sắp xếp công việc khoa học, Hà giành rất nhiều thành tích đáng nể trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Chỉ trong năm 2024, cô bạn giành 1 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng Hội khỏe Phù Đổng cấp thành, Huy chương Đồng Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc…

Bạn còn ẵm hạng Ba giải chạy tiếp sức Ekiden trong giải chạy gây quỹ từ thiện “Color run for smile”, đóng góp và tham gia trồng cây xanh tại Đắk Lắk, giải Nhất hội thi Nghi thức Đội cấp trường…

“Mình biết có nhiều bạn e ngại tham gia hoạt động ngoại khóa vì sợ không có thời gian học tập. Tuy nhiên, mình thấy rằng khi tham gia các hoạt động, chúng ta học hỏi được nhiều điều mới mẻ, có thêm nhiều kỹ năng, xả stress sau giờ học. Vì thế, các bạn hãy trải nghiệm thật nhiều nhé!”, Hà nói.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: