Điệp vụ xuất quỷ nhập thần

Thứ tư, 30/04/2025 00:44 (GMT+7)

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chú Hồ Duy Hùng (sinh năm 1947, Quảng Nam) đã hóa thân nhiều vai trò khác nhau để thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Cho đến giờ, chú vẫn còn nhớ lần đánh cắp trực thăng địch, mà chú gọi ví von là “Điệp vụ xuất quỷ nhập thần”.

Điệp vụ xuất quỷ nhập thần - Ảnh 1.

Trực thăng UH-1 được Mỹ dùng trong chiến tranh Việt Nam -Ảnh: NVCC

Chú Hồ Duy Hùng là điệp viên của Quân đội nhân dân Việt Nam được tổ chức cài vào làm phi công trực thăng trong quân lực của địch. Năm 1968, chú được địch đưa đi học trường sĩ quan Thủ Đức. Tháng 12-1969, chú tiếp tục đi học lái trực thăng tại Mỹ.

Năm 1970 chú trở về nước, tuy nhiên đến tháng 3-1971, chú bị địch bắt vì phát hiện gia đình có nhiều người tham gia cách mạng. Chúng đã giam giữ chú trong 5 tháng.

Do thiếu bằng chứng kết tội, chú được thả nhưng phải trình diện với cảnh sát. Tuy nhiên, chú đã bỏ trốn ngay vào Sài Gòn, tìm cách liên lạc với tổ chức.

Khi về với đơn vị, chú được giao nhiệm vụ lấy cắp trực thăng UH-1 của địch để gây tiếng vang. Tháng 11-1973, chú đã lợi dụng sự lỏng lẻo của đối phương, lập kế hoạch đánh cắp trực thăng ngay tại Đà Lạt.

Điệp vụ xuất quỷ nhập thần - Ảnh 2.

Chú Hồ Duy Hùng tại nước Mỹ năm 1970 -Ảnh: NVCC

Dưới đây là câu chuyện kể của chú Hồ Duy Hùng:

Ngày 4-11-1973, tôi chở Hương - cô em họ ở Đà Lạt - đi vòng Hồ Xuân Hương, bỗng nghe tiếng chiếc UH-1 đang hạ cánh cạnh bờ hồ. Thấy mọi người trên máy bay đã lên xe di chuyển, tôi tiến lại gần mở cửa buồng lái nhìn vào đồng hồ nhiên liệu. Thật tiếc, chiếc này không đủ nhiên liệu để tôi thực hiện kế hoạch.

Mấy hôm sau, tôi quanh quẩn Đà Lạt nhưng không thấy chiếc máy bay nào tới nên cũng sốt ruột. Sáng 7-11- 1973, trời mù đen có mưa lất phất, nghe tiếng phạch phạch ở hướng Hồ Xuân Hương, tôi chạy đến nhìn thấy chiếc UH-1 đã hạ cánh. Tôi quan sát thấy một tên dân vệ đứng hút thuốc trong bót gác bên kia đường, hắn vẫn nhìn về hướng chiếc máy bay.

Hôm đó, tôi mặc áo khoác dài đen, đi giày đen và đeo kính Pilot, nhìn cũng giống phi công lắm. Tôi không nhìn tên lính gác mà cứ đi thẳng về hướng máy bay. 

Không thấy ai bên trong, tôi vòng qua phía bờ hồ leo ngay vào buồng lái xem nhiên liệu vẫn đủ, tôi kiểm tra thông số thật kỹ và quyết định sẽ lấy chiếc trực thăng này.

Tôi thắt dây an toàn, đội mũ bay, mở các công tắc, bấm nút khởi động và tăng ga theo cơ chế khẩn cấp. Khẩn cấp cũng phải mất tối thiểu 40 giây vì tăng ga nhanh quá sẽ làm hỏng động cơ.

Khi vòng quay cánh quạt và động cơ đã sẵn sàng, tôi nhanh chóng kéo cần cất cánh. Hôm đó trời Đà Lạt đầy mây có mưa, tôi đã không bay 2 năm 8 tháng. Theo nguyên tắc khi bay lại phải có phi công chính hoặc giáo viên bay kèm.

Vừa cất cánh, chiếc máy bay liền chui vào trong mây mưa mù mịt, gió mạnh. Lúc này tôi như người mù chạy giữa chợ, con chim non trong mưa bão.

Mạo hiểm với địch còn không sợ bằng mạo hiểm với thời tiết. Cuối cùng nhờ may mắn, máy bay cũng chui ra khỏi mây. Tôi vô thức la lên “sống rồi”.

Hoàn hồn lại và tôi thấy mồ hôi ướt đẫm người từ lúc nào. Tôi chỉnh hướng và tăng tốc bay theo dự tính. Tôi bay bên rìa phải thị trấn Di Linh, Bảo Lộc rồi qua sông Đồng Nai. Đường về quá xa mà nhiên liệu lại hao nhanh.

Hồi lâu, tôi thấy núi Bà Đen, núi Cậu phía trước. Tôi quyết định tìm cách hạ cánh vào vùng giải phóng của quân ta nằm giữa ba căn cứ Dầu Tiếng, Chơn Thành, Bến Cát.

Vùng này có nhiều cao su, may sao có một khoảng trống không có cây, tôi kéo cần giảm tốc, trực thăng từ từ đáp xuống sát bờ đầm. Tôi bẻ nhiều nhành cây phủ quanh máy bay và dùng sình bôi lên cửa kính, những chỗ có sơn màu trắng.

Cởi áo khoác ngoài bỏ lại buồng lái, tôi đi thẳng vào rừng cao su một đoạn chưa xa đã thấy hai ngôi mộ mới chôn, có cả chiếc xẻng cũ cắm ở giữa. Tôi bẻ mấy cành hoa dại để lên mộ, khấn vái xin được cầm theo chiếc xẻng, có vũ khí trong tay tôi cũng yên tâm hơn.

Sau khi băng qua rừng cao su tôi tới được con đường đất rộng, men theo mép đường một đoạn, tôi thấy mấy cái lán lá.

Đến cạnh một cái lán dài, ghé mắt nhìn vào tôi thấy ảnh Bác Hồ, thật không có sự vui mừng nào hơn. Tôi đã tìm được căn cứ của quân ta. Có anh bộ đội đang cầm súng AK ngồi gác trước cửa, tôi vòng qua chào anh. Sau khi hiểu mọi việc, anh dẫn tôi đến gặp thủ trưởng.

Nghe tôi trình bày, thủ trưởng hỏi tôi ngay: “Có phải chiếc UH mới bay qua đây một tiếng không?”. Chúng tôi cùng nhau đi đường tắt trở lại vị trí chiếc UH lúc nãy. Đồng chí thủ trưởng hướng dẫn tôi bay về đậu bên kia đầm, gần đơn vị hơn.

Về phía địch, khi bị mất máy bay, bọn chúng cho người tìm tôi khắp nơi từ Đà Lạt đến Quy Nhơn, Đà Nẵng, Sài Gòn. Từ đó chúng cấm máy bay hạ cánh bên ngoài các sân bay có lính gác và lắp mỗi chiếc một ổ khóa ở cần điều khiển cất cánh...

Mong người trẻ hiểu hơn về lịch sử

Điệp vụ xuất quỷ nhập thần - Ảnh 3.

Chú Hồ Duy Hùng tại buổi ra mắt cuốn sách của mình - Ảnh: DUY LÊ

Vừa qua, chú Hồ Duy Hùng đã ra mắt cuốn sách Gãy cánh điệp viên, hồi ký cuộc đời mình. Chú Hùng chia sẻ: “Tôi được đi nhiều nơi, trải qua nhiều thân phận khi hoạt động cách mạng. Tôi cũng từng được ra Trường Sa hai lần... chứng kiến nhiều câu chuyện nên đã ghi lại và xuất bản cuốn sách này.

Tôi mong sách sẽ đến tay nhiều bạn trẻ hơn, nhất là trong dịp 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước để các cháu hiểu hơn về lịch sử, về cuộc kháng chiến giành lại hòa bình, độc lập, tự do của nhân dân ta”.

Chú HỒ DUY HÙNG kể

DUY LÊ ghi

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: