Hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: tưng bừng 'vào trận'

Thứ năm, 21/03/2024 09:17 (GMT+7)

Sau thời gian rèn quân, giờ là lúc các chiến sĩ nhỏ Điện Biên thành phố chúng ta 'vào trận'.

Hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: tưng bừng 'vào trận'- Ảnh 1.

Thư gửi từ Hội đồng Đội TP.HCM đến các chiến sĩ nhỏ trong toàn mặt trận thành phố - Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Trước giờ xuất quân ra trận, Bộ chỉ huy chiến dịch Em là chiến sĩ Điện Biên thành phố Bác Hồ đã gửi tâm thư mang tên Thư gửi từ Hội đồng Đội TP.HCM đến các chiến sĩ nhỏ trong toàn mặt trận thành phố.

Bức thư với lời lẽ vô cùng yêu thương như lời Bác Hồ gửi thư cho cán bộ, chiến sĩ và dân công chuẩn bị bước vào chiến dịch lịch sử: “Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang… Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm trọn mọi nhiệm vụ vẻ vang sắp tới…”.

Cuối thư, Bác gửi gắm: “Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng cho những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất. Chúc các chú thắng lợi to. Bác hôn các chú”.

Vì thế, Hội đồng Đội TP.HCM đã nhắn nhủ, động viên các chiến sĩ nhỏ: “Tiếp nối tinh thần quyết chiến quyết thắng của các chiến sĩ Điện Biên năm xưa, tuổi nhỏ Thành phố Hồ Chí Minh nêu cao tinh thần “Tuổi nhỏ chí lớn”, truyền thống “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, thực hiện chiến dịch “Em là chiến sĩ Điện Biên Thành phố Bác Hồ” thắng lợi.

Bằng những việc làm cụ thể, chúng ta nô nức bước vào đợt thi đua thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: tưng bừng 'vào trận'- Ảnh 2.

Chiến sĩ nhỏ của Tiểu đoàn Chi Lăng (quận 4) thăm hỏi chú Nguyễn Văn Sướng (Chủ tịch Hội cựu chiến binh phường 9, quận 4). - Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Hưởng ứng lời kêu gọi của Ban chỉ huy chiến dịch, hàng chục tiểu đoàn (*) xung phong chiếm lĩnh các trận địa. Các chiến sĩ nhỏ của Tiểu đoàn Chi Lăng (quận 4) đến thăm hỏi cựu chiến binh thời kháng chiến chống Pháp và tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.

Hay như Tiểu đoàn Võ Trường Toản (quận 1) đã ra quân làm mới khu vườn thực vật của Liên Đội ngay trong tuần này.

Đặc biệt là tinh thần tập luyện chăm chỉ, hăng say của 22 đội hình thi Nghi thức Đội cấp thành phố để tham gia vào 2 nội dung thi đầu tiên.

Trong tuần này, Tiểu đoàn Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Nhà Bè) cũng sẽ hành quân đến các mái ấm nhà mở trong huyện nhà để trao quà cho các em nhỏ tại đây.

Sau đó, các chiến sĩ sẽ thực hiện hành trình Em yêu thành phố của em đến các Địa chỉ Đỏ trong thành phố bằng xe buýt hai tầng và buýt đường sông.

Còn rất nhiều trận địa trong học tập cũng như rèn luyện phong trào sẽ được hàng trăm nghìn chiến sĩ nhỏ chiếm lĩnh, lập thật nhiều công trạng để chờ đón những ngôi sao chiến công lấp lánh…

Hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: tưng bừng 'vào trận'- Ảnh 4.

Đội hình thi Nghi thức Đội của Trường THCS Lạc Hồng (quận 10) - Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Cùng xiết chặt tay rinh sao chiến công

Trong 3 ngày liên tiếp (từ ngày 11 đến 13-3-2024) mặt trận Nghi thức Đội thành phố đã vô cùng náo nhiệt với sự tham gia của hàng trăm chiến sĩ từ các Trung đoàn.

Tại Nhà thiếu nhi Quận 10, Tiểu đoàn Lạc Hồng (quận 10) xuất sắc vượt qua 2 nội dung thi đầu tiên là Đội hình hàng dọc và Các động tác di động.

Khoảng sân rộng hàng trăm mét vuông đã tạo điều kiện tốt nhất cho đội hình thể hiện sự ăn ý về động tác cá nhân cũng như hiệu lệnh từ người chỉ huy đội hình.

Hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: tưng bừng 'vào trận'- Ảnh 5.

Lễ xuất quân của Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1) - Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Cũng với 2 nội dung thi này, Tiểu đoàn Hưng Long (huyện Bình Chánh) đã được tiếp thêm sức mạnh bởi sự cổ vũ, động viên của hàng nghìn chiến sĩ trong cùng Tiểu đoàn. Những bạn không đi thi cũng xuống sân trường vỗ tay động viên bạn bè mình thi tài.

Thầy Nguyễn Văn Bình (tổng phụ trách Đội) vui mừng: “Nhờ có các fan kỹ năng Đội cổ vũ mà đội hình trường thể hiện khá tốt phần thi của mình, nhận được rất nhiều lời khen ngợi”.

Còn tại Tiểu đoàn Tân Tạo (quận Bình Tân), buổi thi Nghi thức còn có sự xuất hiện long trọng của các anh chị, thầy cô Ban giám hiệu đến cổ vũ tinh thần các bạn. Mọi người mong muốn đội hình có thể rinh sao chiến công trong 2 phần thi này.

Hiện nay, hơn 850 nghìn chiến sĩ của hơn 804 Tiểu đoàn được phiên chế trong đợt hoạt động kỷ niệm này đã tràn đầy khí thế xung phong lên phía trước.

Mỗi tín hiệu chiến thắng sẽ là một ngôi sao chiến công gắn lên lá cờ quyết chiến quyết thắng của Bộ chỉ huy như lời bài thơ của nhà thơ Tố Hữu mà Ban chỉ huy chiến dịch gửi tặng đại quân ta: “Chín năm làm một Điện Biên - Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”.

Bạn có biết: Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ

Di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ là nơi ở và làm việc thường xuyên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của chiến dịch Điện Biên Phủ, tạo nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu vào năm 1954.

Hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: tưng bừng 'vào trận'- Ảnh 6.

Đường vào Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ - Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Nơi này nằm ẩn mình trong khu rừng già dưới chân núi Pú Đồn thuộc xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ gần 40km theo quốc lộ 279. Với cách bố trí hầm, lán trại thành hệ thống liên hoàn, ẩn mình dưới các tán cây cổ thụ, cơ quan đầu não của chiến dịch được đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: tưng bừng 'vào trận'- Ảnh 7.

Lán làm việc và hầm tổng đài điện thoại - Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Sở chỉ huy chiến dịch gồm các công trình: Chòi căn gác số 1, Hầm thông tin liên lạc, Đài quan sát, Hầm ban chính trị, Hội trường, Lán ở và hầm làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái…

Sở chỉ huy hoạt động và duy trì liên tục trong vòng 105 ngày (từ ngày 31-1-1954 đến ngày 15-5-1954) rồi kết thúc nhiệm vụ khi chiến dịch kết thúc, Đại tướng cùng các tướng lĩnh an toàn trở về thủ đô Hà Nội.

Đặc biệt, một căn hầm hết sức quan trọng mang tên Hầm tổng đài điện thoại hữu tuyến với hơn 30 chiến sĩ liên lạc thông tin, tổng đài viên, máy phát điện. Nó giúp cho Bộ chỉ huy chiến dịch kết nối thông suốt với các đơn vị bộ binh, công binh, pháo binh, cao xạ ở tuyến tiến cũng như các kho trạm hậu cần, quân y, dân công hỏa tuyến ở phía sau chiến tuyến.

Đây cũng là nơi phát bức điện đầu tiên báo tin về cho Bác Hồ và Bộ Chính trị - Trung ương Đảng về giờ khắc toàn thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: tưng bừng 'vào trận'- Ảnh 8.

Đường vào lán làm việc và hầm ngầm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Đứng quan sát ở Sở chỉ huy, mọi người có thể nhìn bao quát toàn bộ thành phố Điện Biên Phủ, thung lũng Mường Thanh và các cứ điểm như đồi Him Lam, Độc lập, A1, D1, C1… Ngày nay, di tích lịch sử Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đã trở thành di tích quốc gia đặc biệt.

Con số ấn tượng

8 là số Tiểu đoàn đã hoàn thành xuất sắc 2 nội dung thi trong Hội thi Nghi thức Đội cấp thành phố tính đến ngày 13-3-2024.

6 tháng là khoảng thời gian diễn ra hoạt động Tiếp lửa Điện biên - Thiếu nhi sẵn sàng (từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2024).

--------------------------

* Cách gọi tên trong đợt thi đua cao điểm chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Xem chi tiết ảnh bên dưới.

Hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: tưng bừng 'vào trận'- Ảnh 9.
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: